Thói quen ngậm tăm tre sau khi ăn, người đàn ông phải cắt bỏ một phần gan

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện ổ áp xe lớn, đường kính hơn 10cm nằm ở thùy gan trái và dính vào bờ cong nhỏ của dạ dày bệnh nhân. Bên trong, có một chiếc tăm tre dài khoảng 5cm đã cắm sâu vào nhu mô gan.

Nam bệnh nhân N.T.Đ., 77 tuổi ở Hà Nội, có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh tim thiếu máu cục bộ, điều trị bằng thuốc theo đơn.

Khoảng 1 tháng trước, bệnh nhân xuất hiện sốt liên tục kèm theo đau bụng âm ỉ kéo dài, không rõ nguyên nhân. Gia đình đã đưa ông đến cơ sở y tế thăm khám, sau đó chuyển đến Trung tâm Phẫu thuật Gan Mật - tiêu hóa, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để kiểm tra chuyên sâu.

Tại bệnh viện, các bác sĩ tiến hành đánh giá toàn diện tình trạng bệnh nhân. Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT scan) cho thấy ổ áp xe tại thùy gan trái đã phát triển trên 10cm, bên trong có một dị vật mắc kẹt - chính là nguyên nhân gây nhiễm trùng kéo dài. May mắn, bệnh lý tim mạch của bệnh nhân đã được kiểm soát tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật.

TS.BS Nguyễn Minh Trọng, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Gan Mật - Tiêu hóa, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi cắt thùy gan trái để loại bỏ dị vật và xử lý ổ áp xe, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

z6392520918133-5e219300432bb99dcbf34c827270f135.jpg
Các bác sĩ đã cắt bỏ thùy gan trái kèm ổ áp xe và lấy dị vật tăm tre (Ảnh: Đặng Thanh)

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện ổ áp xe lớn, đường kính hơn 10cm nằm ở thùy gan trái và dính vào bờ cong nhỏ của dạ dày. Bên trong, có một chiếc tăm tre dài khoảng 5cm đã cắm sâu vào nhu mô gan. May mắn, ổ áp xe chưa vỡ, còn khu trú tại gan, giúp quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi hơn. Nếu vỡ có thể gây viêm phúc mạc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Các bác sĩ đã cắt bỏ thùy gan trái kèm ổ áp xe và lấy dị vật. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, ổn định hồi phục nhanh chóng.

Theo khai thác bệnh sử, bệnh nhân có thói quen ngậm tăm tre sau khi ăn, thậm chí cả khi đi ngủ. Điều này khiến ông vô tình nuốt phải tăm mà không hay biết. Do nhỏ, sắc nhọn và cứng, tăm tre có thể dễ dàng xuyên thủng thành dạ dày, sau đó di chuyển đến gan, ruột non hoặc đại tràng. Nếu không được phát hiện kịp thời, dị vật này có thể gây tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến viêm nhiễm kéo dài và hình thành ổ áp xe nguy hiểm.

Bác sĩ Đào Thị Hồng Nhung, Khoa Chẩn đoán Hình ảnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin, dị vật đường tiêu hoá là vấn đề không thường gặp, đặc biệt là trường hợp dị vật xuyên thủng vào gan. Với những dị vật như tăm tre, chụp X-quang bụng thường không có nhiều giá trị trong chẩn đoán.

"Trường hợp bệnh nhân Đ., siêu âm và chụp cắt lớp vi tính (CT scan) đã giúp phát hiện chính xác vị trí dị vật thông qua hình ảnh tăng âm trên siêu âm và tăng tỷ trọng trên phim CT", bác sĩ Nhung chia sẻ.

z6392510914992-ede82d5f5baf15e41b2bcf31e60a6d3b.jpg
Bệnh nhân được theo dõi sau phẫu thuật (Ảnh: Đặng Thanh)

TS.BS Nguyễn Minh Trọng cảnh báo, nếu không can thiệp kịp thời, trường hợp này có thể đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như áp xe gan lan rộng, vỡ vào ổ bụng, gây viêm phúc mạc nghiêm trọng. Ngoài ra, nhiễm trùng huyết cũng là một rủi ro lớn, đặc biệt ở bệnh nhân cao tuổi có bệnh nền.

"Nếu dị vật tiếp tục di chuyển, nó có thể gây thủng ruột non hoặc đại tràng, dẫn đến viêm phúc mạc và tắc ruột. Không chỉ vậy, tổn thương gan lan rộng còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng gan về lâu dài. Ngoài tăm tre, các dị vật khác như xương cá, xương gà, đinh ghim hay mảnh kim loại nhỏ cũng có thể gây hậu quả nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời", bác sĩ Trọng khuyến cáo.

Để tránh nguy cơ nuốt phải dị vật và những hậu quả đáng tiếc, các bác sĩ lưu ý người dân không ngậm tăm tre sau khi ăn, đặc biệt khi nằm hoặc đi ngủ. Nhai kỹ trước khi nuốt, tránh cười đùa, nói chuyện, xem ti vi hoặc dùng điện thoại khi ăn để hạn chế nguy cơ hóc dị vật.

Trong trường hợp nghi ngờ đã nuốt phải dị vật, tuyệt đối không tự móc họng, vì điều này có thể khiến dị vật đâm sâu hơn vào niêm mạc hoặc di chuyển đến vị trí nguy hiểm. Tuyệt đối không áp dụng các phương pháp dân gian như uống giấm hay ăn cơm nóng để cố đẩy dị vật xuống, vì có thể khiến dị vật đi sâu hơn và gây tổn thương nghiêm trọng.

Khi có triệu chứng đau bụng kéo dài, sốt không rõ nguyên nhân, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Sức khỏe

Một số lưu ý khi sử dụng thực phẩm đóng hộp
Sức khỏe

Một số lưu ý khi sử dụng thực phẩm đóng hộp

Với tính chất tiện lợi, thực phẩm đóng hộp đang là lựa chọn phổ biến trong nhiều gia đình hiện nay. Tuy nhiên, từ góc độ an toàn thực phậm, nếu không được sản xuất, bảo quản đúng cách, một số sản phẩm trên tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn và có thể tấn công sức khoẻ người dùng bất cứ lúc nào.

Nắng nóng kéo dài, cần chú ý các bệnh cho trẻ
Sức khỏe

Nắng nóng kéo dài, cần chú ý các bệnh cho trẻ

Những ngày gần đây, thời tiết các tình thành phía Nam trải qua thời điểm nắng nóng, gắt, môi trường biến đổi thất thường, là điều kiện cho vi khuẩn, siêu vi khuẩn… bùng phát tấn công trẻ nhỏ. Dưới đây là một số bệnh mà trẻ nhỏ thường gặp trong mùa hè mà Trưởng khoa Tâm lý - Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh Ths.BS Đinh Thạc lưu ý các bậc phụ huynh bảo vệ con.

Mục sở thị quy trình "vẽ bệnh" nhạy cảm, moi tiền bệnh nhân ngay giữa trung tâm TP Bắc Ninh
Xã hội

Mục sở thị quy trình "vẽ bệnh" nhạy cảm, moi tiền bệnh nhân ngay giữa trung tâm TP Bắc Ninh

Bác sĩ không đeo bảng tên, lấy máu không đeo găng tay y tế, sổ khám bệnh không có chữ ký của bác sỹ, hù doạ bệnh nhân để moi tiền… là những thông tin nhóm phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân thu thập được tại Phòng khám đa khoa đa khoa quốc tế Việt Sing, số 169 đường Hoàng Hoa Thám (phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh).

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: “Chấm dứt bệnh lao là mục tiêu cao cả”
Sức khỏe

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: “Chấm dứt bệnh lao là mục tiêu cao cả”

Ngày 24.3, tại Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống Lao 24.3.2025 và Hội nghị tổng kết công tác phòng chống Lao năm 2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Việt Nam đã đạt tỷ lệ điều trị thành công bệnh lao trên 90% trong năm 2024, vượt mức trung bình toàn cầu là 88%.