Cơ bản nhất trí với các nội dung quy định dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu Trần Đình Gia cũng đồng thuận với việc xây dựng dự án luật với quan điểm nhằm thể chế hóa định hướng của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện chính sách, pháp luật quy hoạch; kết hợp hài hòa giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tại các Nghị quyết của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập.
Dẫn quy định tại khoản 11, Điều 8 của dự thảo luật:“Khi lập quy hoạch khu vực phát triển mới phải bảo đảm nguyên tắc sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, gắn kết chặt chẽ giữa khu vực phát triển mới và khu vực hiện hữu; bảo đảm sự đồng bộ và hoàn thiện về hệ thống các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ của đô thị, nông thôn; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và gìn giữ, phát huy bản sắc, đặc trưng của các khu vực”… đại biểu Trần Đình Gia cho rằng: Quy định “bảo đảm sự đồng bộ” trong quy hoạch chưa rõ ràng, do đó cần quy định cụ thể bảo đảm thuận lợi và thống nhất trong quá trình áp dụng.
Liên quan đến khoản 2, Điều 10 quy định về nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, trong đó có nguồn kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, đại biểu nhấn mạnh: để thuận lợi cho quá trình áp dụng, cần quy định rõ từng nhiệm vụ chi sử dụng kinh phí chi từ đầu tư công, chi thường xuyên; đồng thời rà soát, quy định nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ quy hoạch bảo đảm thống nhất với quy định tại Điều 9 Luật Quy hoạch năm 2017.
Theo đại biểu Trần Đình Gia, việc giao quy hoạch cấp xã cho nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau sẽ dẫn tới quy hoạch không được đồng bộ, dễ bị chồng chéo. Do đó, tại khoản 5, Điều 16, nên bỏ cụm từ “có thể lựa chọn đơn vị có năng lực tổ chức thực hiện” thành: “UBND cấp xã tổ chức lập nhiệm vụ và quy hoạch chung xã, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn và các khu vực xây dựng thuộc địa bàn xã, thị trấn, khu vực để đấu giá hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, do mình quản lý trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 6 và 7 của điều này. Trường hợp UBND các xã chưa đủ năng lực thực hiện, UBND cấp huyện giao cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện tổ chức thực hiện”.
Quan tâm đến đối tượng, nội dung, hình thức và thời gian lấy ý kiến, đại biểu nêu thực tế: Hiện nay, có một số quy hoạch trong thời gian ngắn đã nhận được đầy đủ ý kiến đồng thuận của cộng đồng dân cư nhưng phải chờ đủ thời gian mới triển khai được các bước tiếp theo… Do đó, để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, triển khai các dự án đầu tư, tại điểm e, khoản 2, Điều 37 đề nghị thay thế cụm từ “ít nhất” bằng cụm từ “tối đa”, thành: “Thời gian lấy ý kiến nhiệm vụ quy hoạch tối đa là 10 ngày đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân. Thời gian lấy ý kiến quy hoạch tối đa là 15 ngày đối với cơ quan, 30 ngày đối với tổ chức, cộng đồng dân cư”.
Cũng theo đại biểu Trần Đình Gia, tại điểm d, khoản 2, Điều 23 và khoản 3, Điều 33 chỉ quy định về bãi bỏ quy hoạch đối với trường hợp khi hết thời hạn. Tuy nhiên, thực tế có những trường hợp quy hoạch không phù hợp với quy định của pháp luật hoặc do có điều chỉnh của quy hoạch cao hơn dẫn đến không phù hợp… Do đó, đề nghị bổ sung điều khoản quy định về các trường hợp bãi bỏ hoặc hủy bỏ quy hoạch. Đồng thời, tại khoản 1, Điều 43, đại biểu cũng đề nghị quy định rõ cơ quan thực hiện việc hủy bỏ quy hoạch.
Đại biểu Trần Đình Gia cũng đề nghị bổ sung quy định về quy hoạch tổng mặt bằng (quy hoạch chi tiết rút gọn) và các trường hợp được lập quy hoạch tổng mặt bằng nhằm rút ngắn thời gian, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch có quy mô nhỏ.
Đồng tình với ý kiến trên, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cũng cho rằng: bên cạnh làm tốt quy hoạch thì phải bảo vệ quy hoạch; đặc biệt, với quy hoạch nông thôn, phải chú ý bảo tồn nét đẹp truyền thống của làng quê Việt Nam. “Hiện, biểu tượng cây đa, giếng nước, sân đình, lũy tre xanh… đang dần biến mất, vì một số địa phương triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới chỉ chú trọng đến xây dựng hạ tầng mà chưa chú trọng đến nét đẹp văn hóa”, đại biểu nêu rõ.
Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, ĐBQH Hoàng Trung Dũng cho rằng: Về thời gian lấy ý kiến quy hoạch, nên quy định linh hoạt; từng địa phương căn cứ thực tiễn, lấy ý kiến cộng đồng dân cư phát huy dân chủ (không nhất thiết quy định 30 ngày)…