Thời điểm nhìn lại

- Thứ Ba, 17/11/2020, 07:05 - Chia sẻ

ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai (Trà Vinh)

Quốc hội Khóa XIV sắp kết thúc Kỳ họp thứ Mười, khép lại một nhiệm kỳ hoạt động sôi nổi, linh hoạt, không ngừng cải tiến và đổi mới nhằm phát huy tối đa dân chủ, vừa mang yếu tố dân tộc và thời đại, giữ vững bản sắc Việt Nam, khẳng định vị thế quốc gia dân tộc trên trường quốc tế. Nhìn lại suốt nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị chúng ta đã vượt lên chính mình, vươn lên có nhiều kết quả ấn tượng.

Kỳ họp này cũng là thời điểm để Quốc hội nhìn lại chặng đường của nhiệm kỳ Khóa XIV và cùng Chính phủ đưa ra lộ trình mới với tầm nhìn xa hơn, đưa đất nước chúng ta sánh ngang với các cường quốc. Cử tri cả nước quan tâm đến tất cả thành tựu đạt được trên các lĩnh vực từ kinh tế đến văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh cũng như những mặt còn hạn chế, qua đó kiến nghị đến Chính phủ, Quốc hội một số vấn đề.

Trước hết, nhiệm kỳ tới, Chính phủ và Quốc hội cần có chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn. Nói cách khác là quan tâm đến khâu tái chế, tái sử dụng, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng một lần rồi bỏ các nguyên liệu gây lãng phí, làm ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, góp phần biến đổi khí hậu theo hướng cực đoan. Như việc thu gom rác thải hiện nay cần có đầu tư thỏa đáng; cần có chính sách mạnh trong bảo vệ tài nguyên nước, cả nước ngầm, nước sông, nước mưa… Tất cả những điều này đều liên quan trực tiếp đến đời sống muôn mặt, từ sản xuất đến tiêu dùng của người dân.

Quốc hội cũng cần dành thời gian phân tích, đánh giá, kiểm tra một cách thỏa đáng những khâu làm kìm hãm chính sách, quy trình ban hành luật, triển khai luật vào đời sống. Luật rộng khắp trên các lĩnh vực nhưng việc tiếp cận, tra cứu, tìm hiểu chưa thuận tiện, chưa có độ ổn định, chưa dễ áp dụng và còn chồng chéo nhiều, nhất là tính răn đe chưa cao. Tính dự báo, tính ngăn chặn, phòng ngừa một số hành vi có hại cho cộng đồng người dân phát sinh trong thời đại phát triển công nghệ cũng chưa kịp thời, còn thiếu nhiều, độ trễ lớn.

Việc hoàn thiện cơ chế quản lý và điều chỉnh hệ thống quy phạm pháp luật theo vị trí việc làm cần được tính toán thực hiện đồng bộ, nhất là làm cho nhận thức, tư duy của cán bộ, công chức thay đổi để mỗi người hiểu rõ, làm đúng, có kết quả tốt theo đúng vị trí của mình, tránh tình trạng "việc người thì sáng, việc mình thì quáng". Mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần nguyên tắc và kỹ năng thực hiện cái gì có lợi cho dân thì làm... Như vậy, Chính phủ và Quốc hội cũng phải tính tới quyền lợi gắn liền với trách nhiệm của cán bộ, công chức các cấp; tránh cục bộ, địa phương, tranh thủ xin - cho; tránh có tiền thì có quyền, có quyền mới có lợi... Quyết định các quyết sách lớn liên quan đến con người cần tính tới tác động trước mắt và lâu dài. Ví dụ, việc giảm biên chế ngành giáo dục, ngành tư pháp 10% trong lộ trình chung làm cho các ngành này gặp rất nhiều khó khăn trong thực thi sứ mệnh, vai trò của mình.

Nhiều kết quả không thể nhìn thấy ngay mà cần có thời gian. Việc chúng ta làm hôm nay không chỉ hôm nay biết mà còn để lại kết quả, hậu quả hay di sản cho con cháu mai sau, cho lịch sử vinh danh hay phê bình. Việc kiểm soát quyền lực, xóa bỏ lợi ích nhóm, tạo sự công bằng trong xã hội, ưu tiên phát triển kinh tế cần phải song song với đầu tư thỏa đáng, phát triển văn hóa, giáo dục. Việc phát huy vai trò giám sát của người dân, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra cần được minh định rõ ràng thông qua hệ thống pháp luật, nhất là khâu dân kiểm tra và làm rõ vai trò phản biện của Mặt trận Tổ quốc.

Xã hội có muôn mặt, không phải vấn đề gì cũng đề xuất với Chính phủ, Quốc hội, nhưng những việc trên thì chỉ có Quốc hội và Chính phủ mới giải quyết được. Kỳ vọng rằng nhiệm kỳ tới, các đại biểu Quốc hội tham gia lần đầu được hướng dẫn, tập huấn bài bản, chuyên nghiệp để hiểu rõ vai trò của mình và thực hiện thật tốt trọng trách của cử tri giao phó.

PV lược ghi