Thời của phim dễ dãi?
Thời gian gần đây, điện ảnh bỗng trở thành một trong những phương tiện hữu hiệu để các ngôi sao “tự vinh danh”. Không ít người bỗng chốc trở thành tâm điểm chú ý của dư luận với những dự án phim tiền tỷ về… cuộc đời mình.
Có tiền, ắt có phim
Không chỉ khoanh vùng trong đối tượng diễn viên - đạo diễn vốn đã có thâm niên gắn bó với nghệ thuật thứ bảy này, vai trò “bà đỡ” cho một bộ phim điện ảnh giờ đây có thể thuộc về bất cứ ai - từ người mẫu, ca sĩ đến danh hài, người đẹp. Miễn là họ làm chủ về tài chính, có câu chuyện muốn kể và mong muốn thử sức ở lĩnh vực điện ảnh, họ đều có thể trở thành nhà sản xuất phim và tự mình vào vai chính như mong muốn.
![]() Cảnh trong phim Vòng eo 56 |
Con đường “mua danh” bằng phim ảnh hay văn chương xem ra đang là “mốt” của giới ngoại đạo có tiền và có “tiếng”. Khi một số nghệ sĩ như nam diễn viên Thương Tín, ca sĩ Lê Kiều Như, người mẫu Hà Anh chọn cách viết hồi ký để kể lại cuộc đời thì ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, diễn viên Việt Trinh và người mẫu Ngọc Trinh lại là những người đón đầu xu hướng và chứng tỏ độ “chịu chơi”, khi chi tiền tỷ để “bê” chuyện đời lên phim. Chưa bao giờ viết sách, làm phim và lên phim lại dễ dàng như bây giờ. Hàng loạt các “dự án” tiền tỷ của các ca sĩ, người mẫu… liên tiếp được công bố. Điểm chung của những nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu lấn sân sang môn nghệ thuật thứ bảy này đều là vì “muốn thử sức”, “muốn công khai đời tư”, “muốn khán giả nhìn nhận đúng về mình”, “tăng sức nóng cho bản thân”… Chưa kể nếu khơi gợi được sự tò mò của công chúng, kéo được khán giả đến rạp sẽ thu lãi về tiền tỷ. Đó là lý do vì sao ngày càng nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu đổ tiền đầu tư làm phim PR bản thân, nhưng phim đạt chất lượng hay không lại là chuyện khác.
Thập kỷ 90 thế kỷ trước, một Việt kiều về nước bỏ tiền làm phim Những ngày tháng đẹp để kỷ niệm đoạn đời đẹp thời kháng Pháp. Phim không đặc sắc nhưng giản dị, dễ xem, diễn viên Quách Thu Phương vào vai nguyên mẫu Lan Vinh tạo ấn tượng tốt. Không ai săm soi Những ngày tháng đẹp quá mức vì nó là tác phẩm độc lập so với đời thật, và mục đích làm phim thì đẹp đẽ. Cũng như xem phim Amadeus về cuộc đời Mozart, đoạt 8 giải Oscar, người ta chẳng quan tâm lắm chuyện có đúng thiên tài âm nhạc chết do đồng nghiệp hại không, mà phim làm có hấp dẫn không. Còn với những bộ phim vội vã vinh danh bản thân trong khi cuộc đời hoạt động nghệ thuật chưa có gì đáng chú ý, thậm chí “tai tiếng” còn lừng lẫy hơn “nổi tiếng”, thì hãy xác định khán giả sẽ soi từ những tiểu tiết xem có đúng sự thật như vậy không.
Chất lượng đến đâu?
Viết sách, làm phim để thay đổi cái nhìn tích cực hơn từ công chúng chưa bao giờ là chuyện dễ. Nhất là khi không ít nghệ sĩ bản thân đầy rẫy những tai tiếng, thị phi trong nghề và lối sống không được số đông ủng hộ. Ít ra, bản thân những cuốn sách, bộ phim này phải thể hiện được nội dung và thông điệp nhân văn nhất định. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mức “tự vinh danh” của nhân vật. Chính vì vậy, dù mới chỉ bắt đầu, nhưng trào lưu viết “tự truyện” bằng điện ảnh đã khiến không ít người lo lắng: điện ảnh Việt sẽ đi về đâu nếu ai cũng muốn làm phim về đời mình?
Ai cũng biết để làm phim, trước tiên là phải có tiền. Thế nên các hãng phim nhà nước và tư nhân lâu nay vẫn phải chật vật xoay đủ đường để có tiền làm phim. Thậm chí có không ít dự án phải hoãn lại vì chưa đủ tiền. Nhưng chỉ cần có tiền là có thể làm phim như bây giờ thì dễ dãi quá. Đành rằng phim làm ra sẽ còn phải qua khâu kiểm duyệt nhưng cứ đà này thì các “siêu phẩm” của điện ảnh Việt tha hồ đua nhau ra rạp và thổi phồng thành “bom tấn” dài dài.
Đạo diễn, Nhà phê bình phim Bùi Tiến Dũng cho rằng, đây mới đúng là thời “người người làm phim, nhà nhà làm phim”, còn ăn liền và sống sượng hơn cả mì tôm úp bằng nước nguội. Điện ảnh trở thành nơi để làm oai, phô trương bản thân với những bộ phim “tự biên tự diễn” về cuộc đời mình. Cứ có tiền là được làm phim, rùm beng đường hoàng ra rạp như kiểu “bom tấn” của nền điện ảnh.
Nhà viết kịch, nhà văn hóa Chu Thơm cũng nhận định, hình như những bộ phim càng có nhiều scandal thì lại càng ăn khách và “cháy vé”. Những phim kiểu ấy khán giả xem hôm nay, ngày mai không ai nhớ tên và nội dung phim nữa nhưng lại đang được các nhà sản xuất đầu tư. VTV cũng từng chiếu phim “Đường đời” nói về cuộc đời của ông Nguyễn Hữu Khai - Tổng Giám đốc Tập đoàn Y Dược Bảo Long, tuy nhiên không lâu sau đó, ông này bị vướng vào vòng lao lý. Mượn nghệ thuật để PR cho bản thân mình chẳng khác nào con dao hai lưỡi.
Việc cá nhân, tổ chức nào có tiền cũng có thể “góp” vốn làm phim để quảng cáo, lăng xê hình ảnh của mình thì có lẽ cần xem lại, bởi rất có thể trào lưu nghệ sĩ tự làm phim sẽ khiến chất lượng của nhiều bộ phim dần xuống dốc. Tính đến thời điểm này, chưa bộ phim “cây nhà lá vườn” nào của các nghệ sĩ Việt nhận được lời khen từ giới chuyên môn.