Quốc tế

Thỏa thuận ngừng bắn Ấn Độ - Pakistan: Hy vọng về khả năng chấm dứt leo thang xung đột

Linh Anh 13/05/2025 06:59

Một thỏa thuận ngừng bắn bất ngờ giữa Ấn Độ và Pakistan đã mang lại hy vọng về khả năng chấm dứt leo thang xung đột tại khu vực Nam Á trong nhiều thập kỷ giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Cuộc giao tranh mới nhất bùng phát giữa Ấn Độ và Pakistan bắt nguồn từ một vụ thảm sát du khách hồi tháng trước tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Các cuộc không kích qua biên giới bắt đầu hôm 7/5, khiến hàng chục người Pakistan thiệt mạng.

Mặc dù sau khi thông báo ngừng bắn vào 10/5, hai nước liên tục cáo buộc bên kia vi phạm, nhưng cho tới hiện tại, những điều khoản của thỏa thuận vẫn được tuân thủ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump là người đầu tiên thông báo về việc Ấn Độ và Pakistan đạt được thỏa thuận ngừng bắn khẳng định rằng Washington đóng vai trò trung tâm trong việc đạt được thỏa thuận này. Tuy nhiên, các nguồn tin khác lại đưa ra những đánh giá mâu thuẫn về mức độ tham gia thực sự của Mỹ.

Thỏa thuận ngừng bắn được thiết lập như thế nào?

Vào khoảng 8 giờ sáng 10/5 theo giờ Mỹ (tức 5 giờ chiều tại Ấn Độ và Pakistan), ông Donald Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social: “Sau một đêm dài đàm phán do Hoa Kỳ làm trung gian, tôi vui mừng thông báo Ấn Độ và Pakistan đã đồng ý thực hiện ngừng bắn toàn diện và ngay lập tức”. Ông cũng chúc mừng lãnh đạo hai nước vì đã “sử dụng sự sáng suốt và trí tuệ vượt trội” để đi đến thỏa thuận này.

Ngay sau đó, Ngoại trưởng Marco Rubio tuyên bố hai nước không chỉ đồng ý ngừng bắn mà còn sẽ “bắt đầu đối thoại về nhiều vấn đề tại một địa điểm trung lập”; ông Rubio nói thêm rằng ông và Phó Tổng thống JD Vance đã dành hai ngày qua để trao đổi với các quan chức cấp cao của cả hai bên.

z6592858042963_d3886c9913aa116e8c2a6f04b922423f.jpg
Người dân ở Hyderabad, Pakistan vui mừng sau khi thỏa thuận ngừng bắn với Ấn Độ được công bố. Ảnh: Akram Shahid/AFP/Getty Images

Hai chính phủ sau đó đều xác nhận thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, Bộ Thông tin Ấn Độ nhấn mạnh thỏa thuận là kết quả từ các cuộc trao đổi trực tiếp song phương, phủ nhận vai trò chủ đạo của Mỹ và khẳng định chưa có kế hoạch tổ chức thêm cuộc đàm phán nào.

Trái lại, phía Pakistan bày tỏ sự cảm kích với Washington. “Chúng tôi cảm ơn Tổng thống Donald Trump vì vai trò lãnh đạo và nỗ lực chủ động vì hòa bình trong khu vực”, Thủ tướng Shehbaz Sharif phát biểu. Một nguồn tin từ Pakistan am hiểu quá trình đàm phán nói với CNN rằng Hoa Kỳ - đặc biệt là ông Rubio - đóng vai trò quyết định trong việc đạt được thỏa thuận, khi các cuộc trao đổi vẫn còn đầy bất trắc cho đến phút chót.

Điều bất ngờ là ngay cả trong ngày 10/5, thời điểm thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn, hai bên tiếp tục cáo buộc nhau phá hoại căn cứ quân sự, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ leo thang trở lại.

Vì sao hai bên đưa ra thông tin trái ngược?

Bất đồng trong cách tường thuật diễn tiến ngừng bắn không phải điều lạ giữa hai nước. Theo các nhà phân tích, Ấn Độ - với tư cách một cường quốc khu vực - từ lâu luôn phản đối sự can thiệp của bên ngoài, trong khi Pakistan, vốn phụ thuộc nhiều vào viện trợ quốc tế, thường hoan nghênh vai trò trung gian.

“Ấn Độ chưa từng chấp nhận vai trò hòa giải trong bất kỳ tranh chấp nào, dù là với Pakistan, Trung Quốc hay quốc gia khác”, theo TS. Aparna Pande, chuyên gia tại Viện Hudson (Washington DC). “Ngược lại, Pakistan luôn kêu gọi quốc tế can thiệp, coi đó là cách duy nhất để gây áp lực buộc Ấn Độ phải đối thoại về vấn đề Kashmir”.

Cùng với thỏa thuận ngừng bắn, hai bên cũng đang đẩy mạnh chiến dịch truyền thông nhằm định hình dư luận về kết quả của cuộc xung đột. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ ngày 11/5 tuyên bố New Delhi đã gửi thông điệp cứng rắn tới các phần tử khủng bố, trong khi Không quân Ấn Độ ca ngợi năng lực “chính xác và chuyên nghiệp" của nước này.

Tại sao Mỹ đột ngột can dự?

Chỉ cách đó hai ngày, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance còn tuyên bố xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan "không phải việc của Mỹ". “Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là khuyến khích họ giảm căng thẳng, nhưng Mỹ không thể dính vào một cuộc chiến chẳng liên quan gì đến lợi ích hay khả năng kiểm soát của chúng tôi”, ông nói với Fox News hôm 8/5.

Thế nhưng, sau đó nhóm các quan chức hàng đầu Nhà Trắng, bao gồm bản thân ông Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio, đã nhận thông tin tình báo "đáng báo động, quan trọng" đến mức đủ thuyết phục Washington cần chủ động liên lạc với các bên để thúc giục ngừng bắn. Các bên chưa tiết lộ nội dung cụ thể của các tin tức tình báo nói trên nhưng chúng được cho là có liên quan đến vũ khí hạt nhân.

Các quan chức chính quyền Donald Trump nói với CNN rằng, sau khi nhận được thông tin tình báo đáng báo động về mức độ xung đột có thể leo thang, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảm thấy cần phải đóng vai trò lớn hơn trong các cuộc đàm phán giữa hai bên. Phó Thủ tướng Vance đã gọi cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cảnh báo nguy cơ cao xung đột sẽ leo thang nghiêm trọng và khuyên ông Modi liên lạc với phía Pakistan để tìm giải pháp hạ nhiệt. Chính phủ Mỹ, Ấn Độ và Pakistan chưa bình luận thông tin trên, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận ông Rubio đã gọi cho Tổng tư lệnh quân đội Pakistan Asim Munir ngày 9.5.

Sự thay đổi lập trường sau đó cho thấy mức độ lo ngại của Mỹ và cộng đồng quốc tế về xung đột giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Một trong những nhân tố khiến Mỹ phải thay đổi lập trường đó mức độ nguy hiểm của nguy cơ xung đột hạt nhân. Cao trào của tình trạng leo thang căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan những ngày qua là việc căn cứ không quân Nur Khan ở TP.Rawalpindi của Pakistan ghi nhận nhiều vụ nổ. Căn cứ này nằm gần trung tâm đầu não của Phòng Kế hoạch chiến lược, đơn vị chuyên trách bảo đảm an toàn cho kho vũ khí hạt nhân của Pakistan. Khi đó, tình báo Ấn Độ phát hiện những thông tin từ mạng lưới quốc phòng Pakistan truyền đi rằng Islamabad tin rằng mục tiêu tiếp theo của đối phương là tấn công hạ tầng chỉ huy lực lượng hạt nhân. Nếu thành sự thật, đó sẽ là diễn biến leo thang nghiêm trọng trong xung đột.

Theo The New York Times, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã triệu tập cuộc họp của Cơ quan Chỉ huy quốc gia (NCA) - cơ quan có quyền cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân mặc dù sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Muhammad Asif bác bỏ thông tin NCA nhóm họp.

Khủng hoảng bắt nguồn từ đâu?

Nguồn cơn của cuộc xung đột lần này lại bắt đầu tại Kashmir - vùng lãnh thổ tranh chấp giữa hai nước từ khi giành độc lập khỏi Anh năm 1947; cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ vùng Kashmir, dù mỗi nước chỉ kiểm soát một phần. Cuộc chiến đầu tiên trong ba cuộc chiến lớn giữa hai nước đã bùng nổ vì khu vực này chỉ vài tháng sau khi độc lập.

Ngày 22/4, các tay súng tấn công một nhóm du khách tại thị trấn du lịch Pahalgam, khiến ít nhất 25 công dân Ấn Độ và một người Nepal thiệt mạng. New Delhi lập tức cáo buộc Islamabad hậu thuẫn “khủng bố xuyên biên giới”, điều mà Pakistan luôn phủ nhận.

Hai tuần sau vụ thảm sát, Ấn Độ phát động chiến dịch không kích mang tên “Chiến dịch Sindoor” nhằm vào Pakistan và phần Kashmir do nước này kiểm soát. Quy mô xung đột lần này vượt xa các đợt giao tranh trước đó, với cả hai bên thực hiện các đòn tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương.

Liệu thỏa thuận ngừng bắn có được duy trì?

Mặc dù ban đầu có vẻ mong manh và có những lời lẽ cáo buộc lẫn nhau, cho đến nay, cả hai bên dường như đều duy trì các điều khoản ngừng bắn.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Vikram Misri cáo buộc Pakistan nhiều lần vi phạm thỏa thuận ngừng bắn vào 11/5, sau khi có tiếng nổ ở cả khu vực Kashmir do Ấn Độ và Pakistan quản lý. Pakistan cũng cáo buộc Ấn Độ vi phạm nhưng nhấn mạnh rằng nước này "vẫn cam kết thực hiện nghiêm túc lệnh ngừng bắn".

Cũng trong suốt khoảng thời gian đó, hai bên không tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc máy bay không người lái mới nào. Tuy nhiên, một nguồn tin quốc phòng Ấn Độ nói với CNN vào 11/5 rằng khả năng các cuộc chiến không quân vẫn ở nguy cơ cao.

Sau vụ thảm sát du khách, hai bên đã tiến hành một loạt các biện pháp trả đũa lẫn nhau. Pakistan đình chỉ thị thực đối với công dân Ấn Độ, hạn chế hoạt động thương mại, trong khi Ấn Độ tạm ngừng tham gia vào một hiệp ước chia sẻ nguồn nước quan trọng. Hiện vẫn chưa rõ liệu thỏa thuận ngừng bắn có giúp hai bên dần tháo gỡ các biện pháp trả đũa phi quân sự này không.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thỏa thuận ngừng bắn Ấn Độ - Pakistan: Hy vọng về khả năng chấm dứt leo thang xung đột
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO