Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ sớm được hồi sinh ?

- Thứ Sáu, 09/04/2021, 05:24 - Chia sẻ
Cách đây vài hôm, tại Thủ đô Vienna, Áo, Ủy ban Hỗn hợp về thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đã bắt đầu nối lại đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận lịch sử ký năm 2015 giữa Iran và các cường quốc.

Khởi đầu một quá trình dài

Cuộc họp tại Vienna của các đặc phái viên đến từ Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh và Iran với vai trò trung gian của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra khi Mỹ chuẩn bị bắt đầu các cuộc đàm phán gián tiếp với Iran cũng như chuẩn bị dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt, tạo thuận lợi cho việc tuân thủ thỏa thuận của nước này.

	Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây cho biết, các biện pháp trừng phạt không phù hợp với thỏa thuận. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi các nhà ngoại giao từ các cường quốc và EU đã có cuộc gặp riêng với Iran và Mỹ, nhằm thảo luận những biện pháp trừng phạt mà Mỹ có thể gỡ bỏ và các biện pháp kiềm chế mà Iran có thể tuân theo, trong nỗ lực đưa cả hai trở lại tuân thủ JCPOA.

Sau khi lên nắm quyền điều hành đất nước ngày 20.1, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng khẳng định chắc chắn sẽ tham gia trở lại JCPOA với điều kiện tiên quyết là Tehran tôn trọng các cam kết đã đưa ra. Điều này đồng nghĩa với việc loại bỏ khoảng 1.600 lệnh trừng phạt từng được Washington tái triển khai sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận mà ông cho là không hiệu quả, đồng thời gây sức ép buộc Iran đàm phán lại thỏa thuận thông qua áp lực kinh tế.

Mặc dù vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tiếp tục khẳng định lập trường hiện nay của Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng sức ép lên một số vấn đề với Iran. Ông cho biết, Mỹ sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác, buộc Iran phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình như vi phạm nhân quyền, hỗ trợ khủng bố, chương trình tên lửa đạn đạo...

Với lập trường cứng rắn này của Mỹ khi buộc Iran phải chịu trách nhiệm về các vấn đề vốn được đánh giá là “nhạy cảm” cho thấy con đường đàm phán phía trước sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với việc Mỹ sẵn sàng gỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt “không phù hợp” thể hiện hai bên đang có những bước đi ban đầu, hướng tới giải cứu thỏa thuận hạt nhân.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 7.4 đánh giá các cuộc đàm phán đã mở ra “chương mới” trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Abbas Araghchi, người đại diện cho phái đoàn Iran tại Vienna, cũng chính là nhân vật có vai trò quan trọng trong đàm phán thỏa thuận năm 2015, nhấn mạnh thêm, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ là “bước đầu tiên và cần thiết nhất trong việc hồi sinh JCPOA. Iran sẽ hoàn toàn sẵn sàng ngừng hoạt động hạt nhân trả đũa, đồng thời trở lại các cam kết đầy đủ ngay sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ được dỡ bỏ và xác minh”.

Lạc quan thận trọng

Mặc dù mọi việc có vẻ tiến triển tương đối thuận lợi, nhưng dường như nhiều người vẫn chưa hẳn tỏ ra lạc quan. Bản thân Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 7.4 khẳng định, các cuộc đàm phán mới là bước đi đầu tiên mang tính xây dựng và Mỹ không đặt ra bất kỳ mốc thời gian nào cho quá trình đàm phán. Trong khi đó, ông Ned Price đánh giá, việc Mỹ và Iran trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran là cần thiết, song vẫn chưa đủ. Đây mới chỉ là khởi đầu cho một quá trình dài và khó khăn. Tương lai, Mỹ sẽ làm việc với các đối tác về một thỏa thuận mạnh mẽ hơn với Iran liên quan đến cả chương trình tên lửa cũng như tìm cách giảm sự ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông, điều mà Iran nhiều lần tuyên bố không thể thương lượng.

Ông Mikhail Ulyanov, đại diện phái đoàn Nga, người đang là đại sứ cho nhiều tổ chức quốc tế ở Vienna, thì thể hiện quan điểm trên Twitter rằng, việc khôi phục thỏa thuận sẽ “không diễn ra ngay lập tức, nó cần thời gian. Và thời gian đó là bao lâu, không ai biết”. Tuy vậy, theo ông, điều quan trọng nhất sau cuộc gặp ở Vienne là đã khởi động công việc thực tế hướng tới đạt được mục tiêu.

Bản thân người Iran cũng có cái nhìn thận trọng đối với diễn biến mới. Một người dân nói: “Tôi không nghĩ các cuộc đàm phán sẽ mang lại kết quả. Hãy nhìn vào lịch sử. Với những mục tiêu tốt đẹp, Iran cũng đã đạt được một số kết quả. Nhưng rồi sau đó đều tan biến. Không có sự hiểu biết lẫn nhau giữa Iran và Mỹ để có thể đạt được kết quả”. Một người khác cho biết: “Đã 6 năm kể từ khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết. Chính quyền Mỹ thời Tổng thống Obama, cho đến thời ông Donald Trump, đã bao giờ đặt câu hỏi về lợi ích quốc gia của chúng tôi. Họ chỉ biết áp đặt trừng phạt. Điều đó đã diễn ra 2 lần và có thể sẽ tiếp tục”.

Hôm nay, 9.4, 2 nhóm chuyên gia mà Mỹ và Iran mới nhất trí thành lập sẽ bắt đầu làm việc. Một nhóm sẽ thảo luận việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp đặt hoặc tái áp đặt nhằm vào Iran. Nhóm chuyên viên còn lại sẽ tập trung vào việc làm thế nào để Iran tuân thủ trở lại các điều khoản được nêu trong thỏa thuận về giới hạn việc làm giàu hạt nhân và dự trữ urani đã được làm giàu.

Theo giới chức châu Âu, các cuộc đàm phán tại Vienne, Áo có thể kéo dài vài tuần nhằm đạt được kết quả cuối cùng, trước khi Iran bước vào cuộc bầu cử tổng thống ngày 18.6 tới.

    Tổng hợp

Ngọc Minh