Thỏa thuận con tin bí mật của Mỹ phơi bày rạn nứt với Israel?
Chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã có các cuộc đàm phán riêng rẽ với lực lượng Hamas ở Palestine để trả tự do cho con tin người Mỹ Edan Alexander, người Mỹ cuối cùng đã được trở về nhà hôm 12/5. Vấn đề nằm ở chỗ, Israel, cũng giống như phần còn lại của thế giới chỉ được biết sau khi Mỹ thông báo.
Cuộc “đi đêm” giữa Mỹ và Hamas
Các phái viên của Tổng thống Donald Trump đã đàm phán sau lưng Israel về việc thả Edan Alexander, con tin gốc Mỹ 21 tuổi. Nếu không nhờ vào thông tin từ cơ quan tình báo, ông Netanyahu hoàn toàn không biết rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra. Trong trường hợp này, ông chỉ được Hoa Kỳ thông báo về thỏa thuận vào 11/5, cùng với phần còn lại của thế giới.

Một mặt, người Israel vui mừng khi biết rằng người lính trẻ của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) gốc Mỹ đã trở thành con tin đầu tiên sống sót thoát khỏi Gaza kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ vào tháng 2. Tuy nhiên, họ cũng có mối lo ngại sâu sắc về cách thức Mỹ đạt được thỏa thuận trả tự do cho Alexander vào đêm trước chuyến thăm quan trọng của ông Trump tới khu vực này – một chi tiết nói lên nhiều điều về quan hệ Hoa Kỳ-Israel.
Điều khiến Chính quyền của ông Netanyahu không thoải mái là dường như họ phải dự vào thông tin tình báo để biết đồng minh thân cận nhất của mình đang làm gì - ngay trong sân nhà mình. Đây được coi là dấu hiệu đáng lo ngại về sự rạn nứt giữa hai đồng minh
Sự việc xảy ra sau những thông tin cho rằng, Tổng thống Trump đang mất kiên nhẫn với Thủ tướng Israel trước tình trạng thiếu tiến triển ở Gaza.
Sau khi hạ cánh tại Riyadh vào sáng 13/5, ông Trump đã bắt đầu các cuộc gặp kéo dài 3 ngày với các nhà lãnh đạo Ảrập Xêút. Tại đây, người ta kỳ vọng Mỹ sẽ thúc đẩy các thỏa thuận đầu tư và vũ khí giá trị cao. Thậm chí, nhiều khả năng ông có thể tuyên bố Hoa Kỳ hỗ trợ chương trình hạt nhân dân sự của Ảrập Xêút, một quyết định cần được Quốc hội chấp thuận.
Bất chấp sự mong đợi của Israel, ông Trump sẽ không đưa ra yêu cầu Thái tử Mohammed bin Salman chính thức bình thường hóa quan hệ với Israel. Lý do đơn là bởi, Chính quyền quốc gia Ảrập sẽ không chấp nhận điều đó trong bối cảnh những người Hồi giáo đồng hương của họ ở Gaza và Bờ Tây vẫn đang trong tình cảnh chiến tranh khốn khổ.
Nói cách khác, ông Trump sẽ không để lợi ích của Israel cản bước tiến của mình trong cuộc săn lùng nguồn đô la dầu mỏ của người Ảrập, mặc dù bình thường hóa quan hệ được coi là mục tiêu ngoại giao lớn của ông. Có lẽ ông Netanyahu hiểu được điều này. Xét cho cùng, bản thân ông cũng nổi tiếng là người thực dụng.
Một chuỗi hành động khó hiểu
Tuy nhiên, một chuỗi những động thái gần đây của đồng minh Hoa Kỳ khiến Israel trở nên đặc biệt nhạy cảm.
Phát biểu trong cuộc họp báo với Thủ tướng Canada tuần trước, ông Trump đã đưa ra một tuyên bố bất ngờ rằng, Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng Houthis, lực lượng đang tiến hành các cuộc tấn công vào Biển Đỏ, đặc biệt là tàu thuyền của Israel để phản đối của chiến Gaza.
Không chỉ đàm phán riêng rẽ với Houthis và không phối hợp với Israel, còn có thông tin cho biết, Nhà Trắng không đưa ra yêu cầu Houthis phải ngừng các cuộc tấn công vào nhà nước Do Thái như một phần của thỏa thuận.
Tệ hơn nữa, thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Houthi được công bố chỉ hai ngày sau khi một tên lửa đạn đạo xuyên qua hệ thống phòng không của Israel và tấn công Sân bay Ben Gurion.
Để minh họa cho tình trạng kỳ lạ trong quan hệ Hoa Kỳ-Israel, ông Trump đã thả “quả bom tấn” tại Phòng Bầu dục đúng vào lúc ông Mike Huckabee đang được chào đón nồng nhiệt tại buổi lễ ở Jerusalem với tư cách là Đại sứ mới của Hoa Kỳ tại Israel.
Cùng lúc đó, các chính trị gia và giới lãnh đạo quân sự lo ngại rằng ông Trump, với mục tiêu giành giải Nobel Hòa bình, có thể khiến Israel rơi vào thế khó khi ký một thỏa thuận hạt nhân "mềm" với Iran. Kịch bản ác mộng của họ là một thỏa thuận mà theo quan điểm của Israel, không đủ mạnh mẽ để ngăn Cộng hòa Hồi giáo "chạy nước rút" trong việc sở hữu vũ hạt nhân, nhưng đồng thời cũng khiến Israel không thể công kích Iran về mặt chính trị.
Tình hình Gaza cũng khiến họ lo ngại. Phe cánh hữu Israel hầu như không tin vào vận may của mình khi ông Trump công bố tầm nhìn của mình về một “Riviera Trung Đông” vào tháng 2, một tầm nhìn sẽ buộc toàn bộ người dân ở Gaza phải di dời sang các quốc gia láng giềng.
Các thành phần truyền thông Israel – cả phe cánh tả lẫn phe bảo thủ - thậm chí còn lập luận rằng mặc dù cựu Tổng thống Joe Biden luôn công chỉ trích hành vi của Israel, nhưng lại là đối tác đáng tin cậy hơn.
Mặc dù trong đoạn video được công bố vào 11/5, Thủ tướng Netanyahu đã bác bỏ những đồn đoán về tình trạng rạn nứt giữa hai đồng minh. Nhưng có một sự thật hiển nhiên là, trong tuần này, ông Trump sẽ bắt tay với các nhà lãnh đạo Ảrập, trong khi không có một lịch trình nào ở Israel.
Và một trong những nội dung đáng chú ý nhất trong chương trình là cuộc họp có sự tham gia của Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas do Ảrập Xêút làm trung gian.