Thơ văn Hồ Chí Minh - những giá trị vĩnh cửu
Con người và sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một đề tài lớn đã thu hút tâm lực của nhiều thế hệ các nhà khoa học, các nhà văn, nhà thơ lớn của Việt Nam và quốc tế trong hơn nửa thế kỷ qua. Là một trong những chuyên gia về văn học Việt Nam hiện đại, GS Phong Lê đã chọn để nghiên cứu thơ văn Hồ Chí Minh trước hết như một tác gia lớn của thế kỷ XX.

Trong quá trình nghiên cứu của tác giả Phong Lê, Thơ văn Hồ Chí Minh – những giá trị vĩnh cửu là cuốn sách thứ ba, sau hai cuốn: Chủ tịch Hồ Chí Minh và văn học Việt Nam hiện đại (NXB Khoa học xã hội, 1986) và Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: hành trình thơ văn – hành trình dân tộc (NXB Lao động, 2000; NXB Công an nhân dân, 2006).
Tập tiểu luận gần 200 trang, được chia thành ba phần. Giới hạn chỉ ở sự nghiệp văn chương trong 50 năm viết, gắn với một hành trình tìm đường chẵn 30 năm xa xứ - đó là chủ đề đặt ra trong Phần Một – nhằm nhìn lại những cột mốc quan trọng làm nên sự nghiệp văn chương của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Một sự nghiệp gồm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) với sức mạnh thức tỉnh và cảnh tỉnh; Nhật ký chìm tàu (1930) với sự xuất hiện một thế giới mới cho nhân loại ngưỡng vọng; Lịch sử nước ta (1942), sử và thơ, khoa học và nghệ thuật cách mạng; Ngục trung nhật ký (1943) – thơ trong tù, người tự do; Tuyên ngôn độc lập (1944) – lời non nước; và cuối cùng là Di chúc (1969).
Ở mỗi tác phẩm trên, tác giả nhằm giải quyết một yêu cầu tối ưu của lịch sử, không chỉ đối với dân tộc mà còn là cả nhân loại như Bản án chế độ thực dân Pháp. Còn với dân tộc, thì từ Nhật ký chìm tàu đến Tuyên ngôn độc lập; và từ Tuyên ngôn độc lập đến Di chúc là một sự kết nối khăng khít giữa truyền thống và hiện đại, trên tất cả mọi phương diện của nội dung đề tài và cách thức diễn đạt.
Các bài viết của Phong Lê, cho dù bàn đến những vấn đề khác nhau, nhưng đều nhằm khẳng định không ai khác ngoài Hồ Chí Minh là người gắn nối được một cách tuyệt vời hành trình thơ văn và hành trình dân tộc. Và qua hành trình đó, Hồ Chí Minh là người sớm nhất và đạt đỉnh cao nhất trong việc giải quyết hai yêu cầu lớn của lịch sử dân tộc, và lịch sử văn học dân tộc – đó là yêu cầu cách mạng hóa và hiện đại hóa.
Phần Hai: Sau 1000 năm là 100 năm, tác giả gắn sự kiện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010) với 100 năm Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước (1911-2011). Những gặp gỡ của lịch sử thường có ý vị thiêng liêng như vậy, để gợi nghĩ sự gắn bó giữa cái tất nhiên và cái ngẫu nhiên; qua đó cho ta nhận ra một liên hệ sâu xa, bền vững trong khoảng cách ngót 1000 năm giữa Thiên đô chiếu và Tuyên ngôn độc lập. Và con đường 100 năm thời hiện đại gắn với Hồ Chí Minh, là đi qua các thời điểm 1911 đến 1941 – ba mươi năm xa xứ, và 1945 đến 1969, với hai áng văn vang dội núi sông, và chấn động con tim hàng triệu người dân Việt – đó là Tuyên ngôn độc lập và Di chúc. Hồ Chí Minh với khả năng tiên đoán đã hình dung trước những dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Và một điều thú vị là những lời tiên tri ấy đã được thể hiện một cách cụ thể và sống động qua các tác phẩm thơ văn của Người.
Phần Ba: Đến với mục tiêu chân - thiện - mỹ là chương tổng hợp những khía cạnh quan trọng nhất làm nên phẩm chất Danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh. Một chân dung gồm nhiều chân dung: nhà báo, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ lớn... Và với bất cứ tư cách nào trong sự nghiệp viết của Hồ Chí Minh cũng đều là sự thống nhất với mục tiêu cách mạng – đó là độc lập cho dân tộc, tự do - hạnh phúc cho nhân dân. Là tâm nguyện: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”...
Trong tư cách Danh nhân văn hóa, sự nghiệp thơ văn, báo chí của Hồ Chí Minh là biểu trưng đặc sắc cho sự gắn kết giữa văn hóa và cách mạng. “Nói đến Hồ Chí Minh là nói đến một cách sống hài hòa với tự nhiên, hòa ái với con người; nói đến tư thế ung dung tự tại; nói đến khả năng làm chủ bản thân và ngoại cảnh... Văn hóa nhân cách, văn hóa đạo đức, văn hóa lối sống – đó cũng là một khía cạnh quan trọng, dẫu chỉ là bộ phận trong cuộc đời danh nhân Hồ Chí Minh” (tr.163).
Viết về Hồ Chí Minh, đó là nguồn cảm hứng, là nguyện vọng chung của nhiều giới, nhiều người trong thế kỷ XX – gồm cả các bạn bè quốc tế nếu tính từ những ý kiến, những bài viết về Nguyễn Ái Quốc từ những năm 20, 30 của thế kỷ trước. Nếu có một chủ đề lớn Phong Lê quan tâm xuyên suốt quá trình mấy chục năm nghiên cứu, đó là quá trình cách mạng hóa và hiện đại hóa văn học Việt Nam thế kỷ XX. Trong đó hai tác giả ông có mối quan tâm rất sớm và dài lâu là Hồ Chí Minh và Nam Cao. Và riêng Hồ Chí Minh, theo ông, đó là người “giải quyết những so le lịch sử”, để đưa dân tộc vào một cuộc đồng hành với nhân loại tiến bộ; đã thực hiện được một cách trọn vẹn và với hiệu quả cao nhất những yêu cầu lịch sử đặt ra cho cả một nền, một thời đại văn học.
Theo Phong Lê, có một thời đại Hồ Chí Minh trong văn học Việt Nam, gắn với con đường xa xứ 30 năm và hành trình viết 50 năm của Hồ Chí Minh; gắn với kỷ nguyên Dân chủ - Cộng hòa được khai sinh từ 1945; và rộng ra là gắn với toàn bộ thế kỷ XX trước hai yêu cầu cách mạng hóa và hiện đại hóa, làm nên gương mặt thời hiện đại của dân tộc Việt và văn hóa Việt.
Như tên gọi đặt ở bìa sách, Thơ văn Hồ Chí Minh – những giá trị vĩnh cửu là một tập bút ký, tiểu luận tập hợp những bài viết xoay quanh đề tài Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vào thời điểm trước sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; cũng là thời điểm Đảng khởi xướng cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Do tính chất “tập hợp” và phục vụ những yêu cầu thời sự nên cuốn sách không tránh khỏi có những chỗ còn trùng lặp, dàn trải. Cùng với những chuyên luận công phu, dầy dặn nghiên cứu về sự nghiệp thơ, văn, báo chí Hồ Chí Minh của chính Phong Lê và các tác giả khác, cuốn sách đã góp thêm một tiếng nói nhằm khẳng định sự nghiệp văn thơ của Hồ Chí Minh – “thế giới không cùng cho những khám phá”.
______________________________
Thơ văn Hồ Chí Minh – những giá trị vĩnh cửu, bút ký - tiểu luận của Phong Lê, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2012.