Thơ giữa nhân gian

Anh Chi 10/09/2014 08:39

Đi mãi trên đường đời, đường thơ, cái hay của thơ ca Việt Nam cứ thấm dần, thấm sâu vào Cảnh Trà, nên tới những năm đầu thế kỷ XXI, anh muốn bày tỏ những cảm nhận về thơ Việt Nam hiện đại.

Cảnh Trà là nhà thơ nổi tiếng từ những năm chống Mỹ cứu nước. Thời ấy, nhà văn Hoài Thanh đã nhận định về Cảnh Trà rằng“anh đã có một giọng thơ dân gian…” Quả đúng vậy, một giọng thơ dân gian là phong cách thơ Cảnh Trà, theo thời gian, ngày càng sâu, càng đằm, và có thể nói, đó là lý tưởng thơ ca của anh. Lý tưởng ấy không chỉ phản ánh qua những tập thơ anh sáng tạo nên trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, mà còn thể hiện qua cách nhìn nhận những bài thơ hay trong thi ca Việt Nam hiện đại, và bình giá nó với cách nhìn thật dân gian. Đọc tập sách Mấy quả khế chua, bạn sẽ thấy điều đó. Còn chúng tôi, sau khi đọc Mấy quả khế chua, thấy muốn góp một lời bàn về thơ, hy vọng bổ ích cho đời sống văn chương hiện nay.

Trong đời sống văn chương nước ta từ cuối thập kỷ 30 thế kỷ trước đến nay, nhiều nhà lý luận phê bình và các tác giả văn chương đã viết rất nhiều về cái hay của thơ Việt nói chung và bình phẩm những bài thơ hay của thơ ta nói riêng. Theo thời gian, nhiều tác giả đã đưa lý luận mang tính học thuật vào những bài viết của mình. Không phải với ý đồ muốn cho khác người, mà bởi phẩm chất dân gian trong hồn thi sĩ Cảnh Trà khiến anh nhìn nhận những bài thơ theo cách của anh.

Mỗi bài thơ bắt đầu sống trong người đọc, nó đã có một thân phận. Thân phận ấy được ra đời khi Bà mẹ có tên là Cuộc sống cần có một bài thơ thì bắt đầu hoài thai bằng cách nhào luyện những buồn vui sướng khổ để tạo hình hài cho con mình. Thi sĩ nào được Cuộc sống chọn để gửi gắm cuộc hoài thai, sẽ là người viết nên chữ nên câu, thành bài thơ, rồi đem tặng cho đời. Diễn tiến thầm lặng của quá trình sáng tạo đó, chúng tôi nghĩ, Cảnh Trà cũng như những người yêu quý thơ rất quan tâm. Bởi thế, với trường hợp bài thơ Hai sắc hoa tigôn của nữ sĩ TTKH, chỉ với ít dòng thông tin, anh đã trình bày xuất xứ của nó, như một huyền thoại, khiến người đọc tiếp nhận một số phận thi ca đẹp đẽ, chân thực như nó vốn có trên cõi đời này. Trường hợp bài Xuống núi của Lâm Quý, nhà thơ người Cao Lan, Cảnh Trà cũng phác nên vẻ đẹp chất phác tâm hồn tác giả, một vẻ đẹp được chính quê hương ông nuôi dưỡng cho. Điều đó giúp người đọc tiếp cận nhà thơ, bài thơ một cách tự nhiên, và thấm thía cái hay của Xuống núi thật tự nhiên. Một trường hợp nữa, bài Điều kỳ diệu ở hai bầu vú, của Nguyễn Vũ Tiềm, không nhiều lời, Cảnh Trà kể cho người đọc câu chuyện ni cô thấy một bé sơ sinh bị bỏ rơi nơi cửa chùa, bế bé vào chùa. Nhưng, bé đói, rất đói, ni cô không thể không cho bé ngậm bầu vú chưa từng nuôi con của mình. Đói, bé mút mãi, mút mãi, và rồi đã xuất hiện điều kỳ diệu, là hai bầu vú có sữa nuôi bé. Và nhờ vậy, bài thơ được nảy sinh giữa nhân gian.

Ở đây, chúng tôi xin nêu lại một thực tế trong đời sống thơ ca, bài thơ Hai sắc hoa tigôn ngay từ khi mới xuất hiện trên báo Tiểu thuyết thứ bảy đã được người đọc rất yêu mến. Năm năm sau, khi tuyển chọn thơ làm cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân đã không in bài thơ đó. Từ bấy đến nay, không ít bài thơ trong Thi nhân Việt Nam không còn được bạn đọc lưu tâm nữa, nhưng nếu có cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về những bài thơ hay trong thế kỷ XX, chúng tôi nghĩ, chắc có nhiều người vẫn chọn Hai sắc hoa tigôn.

Những nếm trải sự đời thấm sâu trong lòng bỗng nhói lên, hay những cảnh đời đột ngột dội vào lòng mình khiến phải thổn thức khôn nguôi, với người có năng khiếu văn chương tất phải viết thành thơ, thơ ấy sẽ sống trong cuộc đời theo cách của nó. Như Hai sắc hoa tigôn, dẫu không lọt vào mắt xanh của Hoài Thanh và mấy chục năm liền không được vào một tuyển tập nào cả, nhưng vẫn neo đậu trong lòng người thật lâu bền. Bài Màu tím hoa sim của Hữu Loan cũng vậy, khi chưa được in ra, nó đã sống trong đời qua những bản chép tay. Và chúng tôi nghĩ, bài thơ Xuống núi của Lâm Quý, bài thơ Điều kỳ lạ ở hai bầu vú của Nguyễn Vũ Tiềm, cũng là do vui buồn trong đời khiến nhà thơ thổn thức, phải viết ra, nó là thơ của cuộc sống, vì cuộc sống mà viết…

Ý đầu tiên trong lời bàn của chúng tôi là, đời sống nào tất sẽ có thơ ca ấy.

 *

Không giống những tập sách bình luận thơ ca khác, Mấy quả khế chua được Cảnh Trà viết khá tùy hứng, là những đoạn bút ký văn chương đan xen những cảm nhận của một thi sĩ. Chúng tôi có hỏi anh, sao lại đặt tên sách là Mấy quả khế chua? Cảnh Trà nói: “Khế chua, ai thấy cũng thèm, đói cũng thèm, no cũng thèm ăn…” Đọc nhiều (no) sách, cũng thèm thơ hay, đọc ít (đói) sách cũng thèm thơ hay. Hóa ra, thơ hay nó như vậy. Bởi phẩm chất của một thi sĩ có giọng thơ dân gian, không tỉa tót cầu kỳ, không đi sâu vào những thông tin về tác giả và xuất xứ bài thơ mang tính hiếu kỳ nhằm kích hoạt tính tò mò, không viện dẫn lý thuyết nặng về học thuật, Cảnh Trà hấp dẫn người đọc bằng kinh nghiệm văn chương cùng một ngôn ngữ giản dị, khoáng đạt. Anh dẫn dụ thơ Lâm Quý:

Ở trên núi nhìn toàn thấy váy
Xuống biển khơi nhìn toàn thấy đùi
Đùi và váy đều là hai thứ
Làm cho tôi mê mẩn suốt đời”

                               (bài Xuống núi)
Anh dẫn thơ Đinh Thị Như Thúy:
hoa không nói lời hoa
chỉ trắng như một niềm vui sướng
và gió và ong và bướm…
và trên hoa lộng lẫy nắng trời
                       (bài Viết trong mùa tưới rẫy)
Anh dẫn thơ Nguyễn Hữu Quý:
một thành cổ
một Trường Sơn
một miền hương khói
một dải quê hương mây trắng hồn người”

                                      (bài Miền Trung)

Có một nhà phê bình văn học đã nói rất chí lý rằng, đọc một bài bình luận thơ, nếu thấy những câu thơ tác giả dẫn ra không hay, thì không cần đọc bài bình luận đó nữa. Những câu thơ Cảnh Trà dẫn dụ đều hay. Điều đó cho thấy, Mấy quả khế chua có sức cuốn hút thực sự; và cũng cho thấy, sự quan tâm đến thơ ca của anh thật sâu rộng, cả về mặt đề tài, cả thơ của các nhà thơ viết từ đầu thế kỷ trước cho tới thơ của các tác giả đương đại. Những bài thơ Cảnh Trà phân tích và bình giá, như vừa nêu ở trên, thường là của những tác giả không có những tuyển tập đồ sộ hàng ngàn trang, không có “bề dày” sáng tác để các nhà lý luận văn học nghiên cứu và viết nên những công trình nhiều trang in. Nhưng, những bài thơ ấy đã ra đời, bởi cuộc sống mà thơ ấy phải ra đời. Hai sắc hoa tigôn không được Hoài Thanh lựa chọn, Màu tím hoa sim còn long đong hơn nữa, nhưng rốt cuộc, thơ ấy vẫn sống trong cuộc đời này. Vậy Xuống núi, Viết trong mùa tưới rẫyMiền Trung dẫu không được các nhà nghiên cứu lý luận để mắt tới, nhưng nó sẽ sống trong người đọc bằng phẩm giá của nó.

Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng, cũng như một thân phận, nên thơ sống trong lòng người đọc theo thân phận mình. Vậy nên, có khi làm lòng người đọc vui sướng hả hê; có khi quẫy cựa nhói buốt trong lòng người đọc; lại có khi, khiến người đọc mỉm cười mà giàn giụa nước mắt; nhiều lúc người đọc tưởng như quỵ ngã vì những khó khăn trong đời, thì là một nguồn an ủi, khích lệ… Mỗi mỗi thân phận, mỗi cá tính, có đứa thì dịu dàng, có đứa hay phẫn nộ, có đứa lặng lẽ như một niềm an ủi… Nhưng, tất cả bọn đều là những con ngoan của bà mẹ có tên là Cuộc sống.

Và, ý thứ hai trong lời bàn của chúng tôi là, khi cuộc sống đòi hỏi mà các nhà thơ có “bề dày” sáng tác không đáp ứng được, thì cuộc sống sẽ tạo nên nhà thơ và thơ ca của mình.

*

Thơ của các cây bút đương đại những năm gần đây được nhắc đến nhiều, qua các cuộc hội thảo, qua những bài nghiên cứu công phu với lý luận mang tính học thuật (triết học, mỹ học trong nước ngoài nước). Như thế cũng hay, thế mới gọi là đổi mới, muôn màu muôn vẻ. Nhưng, tôi thấy bình giá thơ của các nhà thơ đương đại theo thẩm mỹ dân gian như Cảnh Trà, cũng hay đấy chứ. Anh dẫn thơ Nguyễn Quang Tính viết về cỏ trên mộ chí ở Trường Sơn:

xanh đến rợn người
xanh đến nhức nhối
xanh như là vì máu đỏ mà xanh…

                    (bài Cỏ trên mộ chí)

Và rồi Cảnh Trà định giá: “Hỡi ơi, câu thơ nặng khủng khiếp! Nặng như không có gì nặng bằng xanh như là vì máu đỏ mà xanh”. Không bằng mỹ học hiện đại, với mỹ học dân gian mới nhận thấy một sự thật bình dị rằng “các liệt sĩ là những người con ngoan nhất, hiền nhất, hiếu thảo nhất đối với gia đình và đất nước”. Thật nhân bản là đã nhìn thấy được như vậy, nên khiến người đọc đồng cảm được vì sao máu trên mộ liệt sĩ lại xanh khác thường, xanh bạo liệt, xanh đớn đau đến thế.

Có khi, chỉ là ấn tượng đột ngột của cảnh đời trước mắt, lóe lên và dội mạnh và tâm can, trí não thi sĩ, khiến thơ ra đời. Như cái khoảng thời gian Lưu Đình Hùng thấy người mẹ và đứa con sống trong căn nhà ngửa mặt thấy trời/ nắng lọt qua kẽ vách/ tóc bạc nhuốm màu bụi tro… Đời cơ cực thế là cùng, lại còn xảy ra chuyện, không kịp tìm roi/ chị đã giang tay tát… Lưu Đình Hùng viết bài Người đàn bà đánh con như vẽ lại một cảnh đời trước mắt, sau khi tát con:

con chị không khóc
trái tim cũng là con chị
nó đau cùng đứa con kia

Cảnh Trà bình bài thơ thật ngắn gọn: “Mặc dầu đứa con không khóc, chúng ta thông cảm với chị. Nhưng chị thì ngồi như chết”. Viết bình giá thơ như thế là cố nuốt cục đau đớn xuống đáy lòng mà hạ bút.

Cũng có khi, những nghĩa lý cao sâu trong cõi nhân sinh này, như sự được và mất, có và không, sống và chết chỉ gói gọn trong bốn câu thơ thôi, ấy là trường hợp bài Tôi tìm gì nhỉ của nhà thơ Trần Lê Văn. Vợ ông người Thái ở Thuận Châu qua đời từ khi còn trẻ; con ông bị bệnh não, sống đời thực vật; bạn chí cốt của ông là nhà thơ Quang Dũng rất vui tính, đã qua đời sớm… và thơ ông thế này:

Vợ gửi tuổi xuân trên núi
Con gửi trí khôn lên trời
Bạn gửi tiếng cười dưới đất
Tôi tìm gì nhỉ quanh tôi.

Với kinh nghiệm văn học của mình, chúng tôi biết, đó là những chữ không chảy máu, không nước mắt, bởi đã biết bao đêm nghiến răng tứa máu, nuốt đi; biết bao đêm bưng mặt, nuốt nước mắt đi. Vậy nên những chữ trầm tĩnh ấy mang một giá trị nhân văn khi viết về cõi đời này, khiến người ta thấu hiểu cái lẽ sống và chết, có và không, được và mất. Chúng tôi nghĩ, bà mẹ Cuộc sống đã rất khổ sở khi hoài thai Tôi tìm gì nhỉ, một đứa con thân phận đặc biệt, nên Bà gửi gắm thi sĩ Trần Lê Văn, một phận người đặc biệt cực nhọc biết bí mật cuộc hoài thai ấy, đặt nên chữ nên câu mà tặng cho đời. Là bài thơ đau đớn, đau không khóc được, đau nghẹt thở... Còn Cảnh Trà thì nhận định về bài thơ đó bằng mỹ học dân gian: “Ba cột trụ tình cảm của tác giả đã gửi hết trên núi, lên trời, dưới đất… Đây là bài thơ thuộc loại đau, đau thắt!”

Phong cách bình giá thơ ca của Cảnh Trà trong Mấy quả khế chua thực sự là một phong cách được nuôi dưỡng từ cái nôi dân gian. Anh nói về mọi sự buồn vui, sướng khổ bằng ngôn ngữ dân gian. Những lời bình giá từng bài thơ đã làm người đọc cảm động. Bởi lý tưởng thơ ca của anh như vậy, tôi mới nói, Cảnh Trà bình giá thơ bằng mỹ học dân gian. Viết ý này ra, nếu có nhà học thuật nào nẩy ý muốn trao đổi lại, xin nói trước là tôi không tranh luận đâu. Lý do rất đơn giản, đâu có một trường phái mỹ học nào có tên là Mỹ học dân gian. Ai muốn biết liệu có nó hay không, thì hãy cặm cụi đi vào dân gian, may ra sẽ thấy nó. Thấy, nhưng có nắm bắt được mỹ học đó không, thì phải sang một câu chuyện khác có tên gọi là Tài năng. Nhà thơ Cảnh Trà viết theo mỹ học ấy, vẫn hay đấy chứ. Mỗi bài anh viết đều rút ra một điều gì đó, để người đọc và cả những bạn văn cùng suy ngẫm. Suy ngẫm về thơ, suy ngẫm về nhà thơ…

Và, thêm một ý nữa trong lời bàn của chúng tôi là, thơ và nhà thơ đều nảy sinh giữa nhân gian và được kiểm định phẩm giá bởi cõi nhân gian mà thôi.

_______________

Mấy quả khế chua, Cảnh Trà, NXB Hội Nhà văn, 2013.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thơ giữa nhân gian
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO