Thờ cúng tổ tiên gắn kết đồng bào

- Chủ Nhật, 08/08/2021, 15:16 - Chia sẻ
So với nhiều tín ngưỡng đã ít nhiều mai một trong cộng đồng người Thái ở Bá Thước, Thanh Hóa, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đến nay vẫn tồn tại phổ biến và chi phối mọi mặt đời sống đồng bào nơi đây. Nó thể hiện quan niệm nhân sinh, giúp các thế hệ người Thái hiểu được truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc mình.
Khấn trong lễ cơm mới
Khấn trong lễ cơm mới

Theo ông Hà Nam Ninh, nguyên Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Bá Thước, cư trú tại thung Buốc Bo thuộc Mường Ký xưa, nay là xã Kỳ Tân, Bá Thước (Thanh Hóa), trước thế kỷ XX, người Thái ở Bá Thước không theo tôn giáo nào. Đến đầu thế kỷ XX xuất hiện một vài điểm tuyên truyền, gây dựng cơ sở của đạo Thiên Chúa, nhưng chưa có nhà thờ, chưa ảnh hưởng đáng kể đến đời sống tinh thần của đồng bào. Đạo Phật cũng chưa thành hình rõ nét. Người Thái nơi đây cũng xây dựng chùa như: chùa Mèo (mường Khô), chùa Cha (mường Khôông), song thực chất chỉ là đền thờ, miếu thờ các nhân vật huyền thoại và nhân vật lịch sử.

“Nhìn chung, người dân Bá Thước cơ bản vẫn bảo tồn được những tập quán tín ngưỡng của người Việt cổ: Thờ tổ tiên, thờ đa thần (nhiên thần và nhân thần, trong đó nhân thần gồm 4 thần: người có công, thần làng, người trở thành quỷ, người đứng đầu dòng họ) và thờ vật tổ (tô tem). Quan niệm tín ngưỡng này có hệ thống thuyết lý, có sách vở ghi chép, có các quy ước về hình thức thể hiện, nên có sức thuyết phục. Tuy nhiên, so với các tín ngưỡng khác đã ít nhiều mai một, tín ngưỡng thờ cũng tổ tiên đến nay vẫn tồn tại bền vững và phổ biến hơn cả”, ông Hà Nam Ninh cho biết.

Múa khua luống trong lễ hội Căm Mương
Múa khua luống trong lễ hội Căm Mương

Nói về tục lệ thờ cúng ông bà tổ tiên của người Thái ở Bá Thước, ông Hà Nam Ninh cho biết thêm: Người Thái gọi tổ tiên là đắm pang với quan niệm, đắm pang là các linh hồn của một đại gia đình gồm nhiều thế hệ cha ông đã từ giã cõi trần về với cõi bun (cõi hạnh phúc) ở tầng trời. Bộ phận ngự trên bàn thờ gia đình con cháu gọi là phi hươn (ma nhà). Đắm pang luôn luôn để mắt, để tai, dõi theo từng bước đi của con cháu, chăm lo, phù hộ cho con cháu gặp được điều tốt lành. Con cháu luôn cảm thấy yên tâm, vì nghĩ rằng lúc nào cũng có ông bà, tổ tiên bên cạnh, nhìn thấy trước những điều sắp xảy ra với mình mà ra hiệu, mách bảo con cháu ứng phó, tránh được rủi ro. Vì thế, người Thái luôn luôn biết ơn, tôn kính tổ tiên.

Trong sinh hoạt hàng ngày, nếu bữa ăn có cơm ngon, canh ngọt, người chủ gia đình phải có vài lời khấn mời tổ tiên trước khi cả nhà ăn cơm; lúc mở chĩnh rượu phải khấn tổ tiên trước khi uống; khi có công to việc lớn, như ăn cơm mới, lên nhà mới, ma chay, cưới hỏi, hay có người sắp đi xa nhà, thì đều làm lễ cúng ma nhà để thông báo và mời tổ tiên về hưởng thụ lễ vật, cầu mong ông bà tổ tiên phù hộ cả nhà khỏe mạnh, ăn nên làm ra, gặp nhiều may mắn.

	Người Thái ở Bá Thước gói bánh chưng đen cúng tổ tiên dịp Tết
Người Thái ở Bá Thước gói bánh chưng đen cúng tổ tiên dịp Tết

Việc cúng giỗ được người Thái đặc biệt chú trọng, bởi nếu không cẩn thận sẽ khiến linh hồn người đã khuất mủi lòng, hờn giận, cho là con cháu bất kính, quên ơn và sẽ có lời phàn nàn. Thờ cúng tổ tiên căn bản là tấm lòng thành, tùy quy mô và tính chất của từng dịp mà có thể người nhà tự cúng khấn hoặc nhờ thầy cúng hành lễ.

Ngoài thờ cúng tổ tiên vào dịp lễ, Tết, hay nhà có hiếu, hỷ, theo lịch thiên can, tùy theo từng gia đình, dòng họ, đồng bào Thái còn duy trì cứ 5 hoặc 10 ngày làm cơm cúng tổ tiên một lần, gọi là Pạt tống. Ngày Pạt tống gọi là ngày giỗ tổ. Nghĩa là khi bố mất, con phải chọn ngày rước hồn bố lên nhập với tổ tiên và thay ông làm chủ tổ tiên, gọi là po đẳm. Ngày gọi hồn lên nhập tổ tiên có thể một ngày, ba ngày, năm ngày sau khi bố mất nhưng không được quá một vòng thiên can 10 ngày theo lịch của người Thái. 

Trong mâm cúng Pạt tống, người Thái không nặng về hình thức mâm cao cỗ đầy như dịp lễ, Tết, mà đồng bào quan niệm con cháu sinh hoạt như thế nào, ăn uống ra sao, thì ông bà tổ tiên cũng vậy. Nên trong mâm cúng Pạt tống, ngoài xôi, rượu, người ta sắp thêm cá nướng, thịt nướng hoặc gà rồi bày thêm đĩa rau, đĩa măng... đặt lên ban thờ cúng ông bà tổ tiên - cọ lọ hóng (góc trong cùng của nhà sàn).

	Món cá nướng không thể thiếu trong lễ cúng tổ tiên
Món cá nướng không thể thiếu trong lễ cúng tổ tiên

Gia chủ còn chuẩn bị sổ ghi chép tên của những người đã khuất để ông mo gọi mời họ về. Theo thứ tự, ông mo sẽ mời thân sinh gia chủ trước, sau đó đến những người đã khuất trong dòng họ... Mỗi tên người khi ông mo gọi đến sẽ bón 3 miếng thịt, 3 thìa măng... vào một lỗ nhỏ được đục trước đó tại nơi thờ cúng tổ tiên. Hành động này được gọi là bón ma nhà. Cúng xong, chủ nhà dọn sẵn một mâm cúng có thịt gà và đủ các loại như ở mâm trên ra ngoài sàn để ông mo mời thổ công, thổ địa, ma rừng, ma núi, thần sông suối và cầu khấn phù hộ cho gia chủ được khỏe mạnh, làm ăn phát đạt...

Theo ông Hà Nam Ninh, từ nhu cầu thực tế, đồng bào Bá Thước đang nỗ lực tu bổ, phục hồi các đền thờ, miếu thờ để tổ chức một số lễ hội tín ngưỡng, như lễ hội Căm Mương (xã Văn Nho), lễ Nhà phủ Mường Khòong (xã Cổ Lũng)…; đề xuất khôi phục lễ hội hoa mùa xuân, nhằm làm đa dạng, phong phú đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng các dân tộc ở Bá Thước. Qua đó, đề cao tính nhân văn cũng như tinh thần lạc quan yêu đời, tạo ra sức mạnh giúp đồng bào vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hương Sen