Thợ cắt tóc làng (Phần cuối)

05/04/2007 00:00

Hai người nói tới đây, bỗng thấy đàn sáo đang ríu ran trên cây đa chợt bặt tiếng và nhìn sang chiếc ghế băng bên cạnh, họ nhận ra một gã trai đã đến ngồi chờ trên chiếc ghế băng từ lúc nào. Thấy hai người nhìn mình, gã trai liền đứng dậy, chắp tay cung kính, hướng cái nhìn vào ông tướng: - Dạ, thưa ông, ông cho phép con khen ông một câu. Ông có bộ ria rất được tướng ạ. Phải chăng ông là một nhà quân sự?

      Nghe thấy cái giọng là lạ, ông Sung liền ngừng việc và ông tướng cũng quay hẳn lại. Giờ họ mới nhìn rõ gã trai. Một vóc người to ngang. Một cái đầu tổ quạ. Hai con mắt tráo trưng. Một cái gò mũi cao. Đặc biệt, dưới cái cằm lưỡi cày là chòm râu dài lõng thõng loăn xoăn từng sợi cứng như dây cước.
      Ông tướng hất hàm:
      - Được cái ăn nói cũng có vẻ là người có chữ đấy. Nhưng cậu ở đâu đến đây mà coi dị hình kỳ tướng vậy?
        Gã trai khom lưng:
      - Dạ, thưa con từ nơi xa đến. Định xin quấy quả bác Sung tí chút ạ.
      - Cậu đã đến bốn mươi chưa? Mà sao để râu ria khiếp thế?
      - Dạ, râu ria là biểu hiện của tính nam nhi, của lòng quả cảm và sự khôn ngoan. Chuyện cổ kể rằng: các chiến binh xứ Ai Len từ chối giao chiến với người anh hùng xứ Ulster vì chàng không có râu.
      - Hà hà...
      Công việc đã xong. Ông tướng bật cười, bắt tay ông Sung, rồi quay lại vỗ vai gã trai, hạ giọng độ lượng:
      - Thôi nhé, tôi phải về đón cháu ở nhà trẻ. Nghe cậu nói thấy là người lợi khẩu đấy. Nhưng hãy nhớ, gì thì cũng phải đúng chỗ và khiêm nhường đấy.
      Nheo nheo mắt nhìn gã trai với vẻ nghi ngại kín đáo, ông Sung trỏ chiếc ghế:
      - Anh định trò chuyện hay định cắt tóc?
      - Dạ, cả hai ạ.
      Khép nép ngồi vào chiếc ghế cắt tóc, chưa kịp để ông Sung choàng tấm khăn quàng qua mình, gã trai đã ngoái lại, bắt chuyện:
      - Thưa bác, tuổi bác đã cao mà trông bác còn phong độ lắm!
      - Bề ngoài thế thôi.
      - Cháu cứ nghĩ, nghề cắt tóc, đứng cả ngày cả buổi, tiếp xúc với râu tóc cũng ảnh hưởng tới sức khỏe lắm chứ ạ.
      Ông Sung cười nhè nhẹ:
      - Tôi có bí quyết chứ.
      - Dạ, bí quyết gì ạ?
      - Thỉnh thoảng tôi lại đi vào các xóm cắt rong. Như thế lưỡng lợi. Vừa phục vụ được bà con, vừa coi như tập thể dục. Thêm nữa, cái này mới là bí ẩn của nghề nghiệp đây: mỗi tuần tôi ăn hai lần tiết canh. Tiết canh vào nó cuốn tất cả vụn râu tóc chẳng may nhập vào mình. Ấy là các cụ nhà tôi dạy thế.
      - Bác nói hay quá. Bây giờ xin phép bác cho cháu vào chuyện. Trước hết cháu xin tự giới thiệu...

*


      À, thì ra gã trai là nhà viết sử nghiệp dư. Tốt nghiệp đại học đã mười năm. Giờ đã chuyên nhận việc viết lịch sử cho các làng quê, quận huyện tỉnh nhà. Còn hôm nay, gã xin đến hỏi chuyện ông Sung để lấy tư liệu viết cuốn Lịch sử làng K. theo hợp đồng đã ký kết giữa gã và Ủy ban nhân dân sở tại.
      - Ồi, tôi thì cũng như mọi người lúc bấy giờ thôi. Có gì mà nói. Anh ngồi lui vào lòng ghế một tý đi!
      Vừa nói ông Sung vừa rũ chiếc khăn quàng định choàng qua người nhà viết sử nghiệp dư, thì gã đã giơ tay:
      - Thưa bác, nhà thơ Epghêni Eptusenkô đã từng viết: Chẳng có ai tẻ nhạt trên đời. Mỗi số phận chứa một phần lịch sử. Huống hồ là bác, người có quý tướng, thuộc hạng chính nhân quân tử.
      - Anh nói gì mà ghê thế!
      - Thưa bác, bác đừng giấu cháu, bác chính là bậc tiền bối cách mạng. Bác là đoàn viên thanh niên phản đế đầu tiên của xã từ cuối những năm 30 thế kỷ trước. Bác làm liên lạc và bảo đảm an toàn cho các đồng chí Trung ương, từ Bắc Lễ Sơn qua Hà Xá, Thọ Khê, Xuyên Hòa. Nhiều lần bác đã bảo vệ cuộc họp của Tỉnh ủy ở La Khê.
      - To chuyện quá đấy!
      - Bác hành nghề cắt tóc, nhưng bác chính là trạm liên lạc, là hòm thư lưu. Bác đi cắt tóc dạo, trong hòm tông đơ dao kéo đựng truyền đơn, tài liệu. Một lần bác mua mực in, giấu ở trong hòm, bị chỉ điểm bắt. Chúng đánh bác rất dã man, bác chỉ nhận là người in bạc giả. Bác bị giam ở nhà pha Hỏa Lò, tới đảo chính Pháp -Nhật, bác mới được ra.
      - Anh nghe ai nói thế?
      Thoáng giật mình, nhưng ông thợ cắt tóc không còn biết cách nào để hãm đà liếng thoắng của nhà viết sử nghiệp dư nọ. Gã nói:
      - Dạ, còn nhiều hơn nữa cơ ạ. Bác lãnh đạo tiểu đội du kích đánh chặn bọn bảo an binh Nhật về thu rơm ở Thạch Kim. Bác ghê gớm thật đấy! Nghiệp bác là nghiệp vương chứ không thường đâu!
      - Anh nói cái gì?
      - Cháu nói bác phải là bậc vương giả!
      Ông Sung nhún hai vai, và như để kìm nén một nỗi bồi hồi vừa xuất hiện, ông liền choàng tấm khăn qua ngực gã trai:
      - Anh cúi xuống một tí nhé.
      - Dạ thưa bác.
      - Anh còn định nói gì?
      - Còn điều này nữa, cháu nói bác đừng bảo cháu là con ma xó. Từ ngày được ra tù Hỏa Lò, bác vẫn tham gia công tác cách mạng đấy, nhưng lòng dạ bác không yên ổn đâu. Vì sao thế?
      Mặt lần mần như có con bọ mạt bò, bần thần và bối rối, ông Sung đưa tay che một tiếng ho khan lấp ló ở cổ họng. Rồi cầm lấy chiếc tông đơ đặt vào gáy gã trai, bắt đầu những thao tác đầu tiên:
      - Anh cúi xuống một tý nữa đi.
      Lời nói và bàn tay ông Sung ấn nhẹ xuống cái đầu bù xù của gã trai đã trở thành vô tác dụng. Giơ bàn tay lên ra hiệu, gã nọ ngấp nghển:
      - Bác lưu ý cho, râu ria thì bác để nguyên, còn cái đầu thì bác cạo trọc lốc cho, như kiểu đầu bọn phát xít ở Đức, ở Pháp ấy!
      Rồi không để ông Sung kịp hiểu, gã ngửa mặt dậy, nhăn nhở tiếp:
      - Bác nhớ cho, trên đầu người ta có huyệt bách hội, nên cần phải thoáng đãng để thiên thông với trời. Còn râu ria bác chớ có động vào, vì chúng là ăng ten tiếp với âm đất. Theo nghiên cứu thì âm đất phát sóng lên cao tầng hai mét bác ạ.
      Lần này thì ông Sung đứng thừ người, im lặng rất lâu. Rồi bất giác, ông đặt tay lên cái nút thắt khăn quàng ở sau gáy gã trai:
      - Cái gì thế?
      - Hừm!
      - Bác làm gì thế?
      Quát to một hơi, nhận ngay ra tình thế, gã trai lập tức chồm ngay dậy:
      - Sao! Sao bác không cắt trọc cho tôi? Tôi là khách hàng. Tôi đặt hàng, tôi trả tiền sòng phẳng. Mà bác Sung, xin nói để bác biết, với cái thân kiếp hẩm hiu của mình, bác cũng chẳng nên sĩ diện làm gì. 
      Ông thợ cắt tóc cắn môi, khe khẽ:
      - Anh nói gì tôi không hiểu.
      - Hừ, bác tưởng tôi không biết à. Bác chính là một bi kịch hãi hùng mà cách mạng không thèm đếm xỉa đến. Vì sao tôi lại nói thế? Bởi vì rằng, từ ngày ra khỏi nhà tù đế quốc, sau khi bị kẻ thù giai cấp tra tấn tàn tệ, trở về với đời thường, bác đâu có được các đồng chí của mình tin cậy. Bác bị họ nghi ngờ. Bác bị họ khai trừ ra khỏi đoàn ngũ!
      “Hừm”. Ông Sung buột miệng và trong giây lát mặt mày ông tái nhợt như mất máu. Tuy vậy, trạng thái cảm xúc ấy chỉ thoáng qua trong phút chốc. Và khi gã trai trong thế đắc thắng, hể hả nói rằng, giờ đây ông Sung là kẻ thua thiệt mà không biết mình thua thiệt, là cốc mò cò xơi, vì lẽ ra với những thành tích hoạt động và hy sinh của mình, ông cũng phải được hưởng tí chút gọi là thành quả cách mạng, không bộ trưởng, chủ tịch tỉnh thì ít ra cũng phải là ông quan huyện, chứ đâu lại trở về làm con tốt hỉn, bác thợ cắt tóc làng quê, nấp dưới cái vỏ ẩn sĩ bất đắc dĩ cho quên mọi sự đời, thì ông nhẹ nhàng cởi cái khăn quàng ra khỏi cổ gã, điềm nhiên:
      - Anh bảo là con tốt hỉn hả? Anh không biết rằng, nghề ta là nghề không bỏ được, không khinh được, không dụ được, chỉ có thể mời được thôi, nghĩa là nó cũng cao quý như nghề viết văn chẳng hạn, thì anh đứng lên, ra chỗ khác đi.
      - Ơ! Ơ! Bác này hay nhỉ?
      - Hay cái gì?
      - Tôi tưởng rằng bác cũng đồng cảm với tôi. Tôi trẻ hơn bác. Nhưng tôi cũng khốn khổ như bác đấy. Mười năm nay tôi lang thang như con chó đói. Tốt nghiệp đại học mà tôi phải đi làm thuê viết mướn. Không nơi nào nhận tôi vào làm việc. Chỉ vì tôi luôn luôn bộc lộ cá tính bất tuân phục của mình. Vì vậy, bây giờ là lúc tôi phải gào lên, bây giờ là lúc tôi phải hung hăng như những gã phát xít trọc đầu.
      Lúc này mọi việc thế là đã rõ ràng. Ông Sung mắc cái khăn quàng vào chiếc đinh đóng trên cây đa. Trên vòm lá đa xanh, đàn sáo đang líu lo vui vẻ. Ông Sung cười mủm mỉm:
      - Này anh bạn, tôi tin rằng, anh không phải là kẻ đang hành nghề kích động chính trị như Alvin Toffler liệt kê. Và có phải lúc nãy anh bảo tôi thuộc hạng chính nhân quân tử không?
      - Đúng thế! Nếu không vậy thì làm sao đóng được vai ẩn sĩ, tự quên cả quá khứ oanh liệt và quyền lợi thiết thân của mình.
      Ông Sung cười nhè nhẹ:
      - Anh đã nói thế thì tôi cũng nói để anh biết. Con người phải ngay ngắn chỉnh tề, kể từ cái đầu tóc, gương mặt, trang phục đến tâm hồn bên trong. Những nỗi buồn riêng tư, phải biết nín nhịn để sống cho ra con người. Ta không nên cá đối bằng đầu với cái xấu xa tồi tệ rủi ro. Ta chống lại những cái nham nhở bằng sự chính trực đường hoàng, tử tế.
      Ngừng lại một hơi, ông thợ cắt tóc đặt tay lên vai gã trai, đập nhè nhẹ: 
      - Thôi, nói nữa anh cũng không hiểu đâu. Anh đứng dậy đi, để nhường chỗ cho người khách khác.
Ngay hôm sau, người làng K. đi qua gốc đa nọ, nơi đàn sáo suốt ngày vô tư ca hát, ai cũng nhìn thấy cạnh chiếc gương cửa hàng cắt tóc của ông Sung có treo một tấm biển viết dòng chữ: “Ở đây chỉ nhận làm đẹp cho đầu tóc con người”.

 Hồ Ngọc Khánh

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thợ cắt tóc làng (Phần cuối)
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO