Thổ cẩm Chiềng Châu
Thung lũng Mai Châu, Hòa Bình thơ mộng với mây vờn núi và đậm đà bản sắc với vẹn nguyên những nếp nhà sàn truyền thống. Nơi đây còn hấp dẫn khách du lịch bởi thổ cẩm Chiềng Châu, độc đáo và đầy màu sắc.
Hoa văn, họa tiết truyền thống độc đáo, với hình ảnh rồng cụt đuôi, voi, chim, cua, hoa lá..., thì sự kỹ lưỡng từ khâu se tơ, nghệ thuật pha màu, nhuộm màu tự nhiên; sự khéo léo bên khung dệt và chăm chút từng đường may của các thiếu nữ Thái là những yếu tố làm nên giá trị của sản phẩm dệt thổ cẩm Chiềng Châu. Cẩn thận kiểm tra màu của từng búi sợi sau khi nhuộm, Phó chủ nhiệm HTX Thổ cẩm Chiềng Châu Vi Thị Oanh giới thiệu: “Tất cả sản phẩm dệt thổ cẩm của Chiềng Châu đều được se sợi từ bông tự nhiên. Sợi sẽ được nhuộm bằng màu tự nhiên. Cách nhuộm vải truyền thống chính là yếu tố làm nên hồn cốt của thổ cẩm người Thái. Cỏ ngọt sẽ cho ra màu xanh nhạt; hoa hòe cho màu đỏ hoặc cánh kiến, hồng nhạt; lõi cây mít cho ra màu vàng; hoa hiên thành màu đỏ; coóng cằm sẽ cho màu tím... Ngoài ra còn có thể sử dụng cây phang, vỏ cây vải... Tất cả nguyên liệu được đun lên lấy nước, tùy theo khối lượng, pha màu sẽ tạo thành màu như ý. Sợi sau khi nhuộm xong sẽ được phơi khô bằng ánh nắng tự nhiên trước khi đưa vào dệt”.
![]() Sợi vải được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời |
Lách cách thoi đưa bên khung dệt, chị Lò Thị Thủy, xóm Chiềng Châu cởi mở: “Con gái Thái đến tuổi 15 là đã biết dệt vải rồi. Lớn lên trong nhà có khung cửi, thấy bà dệt, mẹ dệt thì học lấy thôi. Đã là con gái Thái thì ai cũng muốn mình dệt thật khéo, thật đẹp, từ việc tự dệt váy áo cho bản thân đến việc dệt chăn, gối, túi... làm quà biếu mang về nhà chồng. Nhà chồng nào mà có con dâu khéo, quà cưới đẹp thì cảm thấy rất tự hào, hãnh diện với họ hàng, làng xóm. Bây giờ cuộc sống hiện đại cũng đã có nhiều sự thay đổi nhưng con gái Thái về nhà chồng thì nhất thiết phải có quà tặng nhà chồng là sản phẩm dệt thổ cẩm”.
Theo thời gian, sản phẩm dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng văn hóa sống động của người Thái Mai Châu, chứa đựng đầy đủ sự sống động, ý nghĩa và tính cách, tuổi tác người làm ra nó. Với những cô gái trẻ đang yêu thì tấm vải bừng sáng bằng những màu tươi tắn chủ đạo. Phụ nữ lớn tuổi thì chăm chút cho các sản phẩm đượm màu trầm, mát dịu. Khung cửi đã trở thành người bạn, tấm vải thổ cẩm là thành quả của sự khéo léo, chăm chỉ và gửi gắm cả bao tâm tư của phụ nữ Thái. Có lẽ nét văn hóa truyền thống độc đáo ấy chính là động lực làm nên sức sống lâu bền của nghề dệt thổ cẩm tại Chiềng Châu.
Năm 2009, HTX Thổ cẩm Chiềng Châu được thành lập, đến nay HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động địa phương với thu nhập ổn định. Trao đổi với chúng tôi, Chủ nhiệm HTX Thổ cẩm Chiềng Châu Mạc Văn Phang cho biết: “Khi đưa thổ cẩm trở thành sản phẩm hàng hóa, chúng tôi phải có những cải tiến để sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng nhưng vẫn không mất đi nét truyền thống. Nếu như trước đây, chất liệu thổ cẩm chủ yếu được sử dụng để làm đệm, chăn, gối, cạp váy... thì nay còn được sử dụng làm túi xách, búp bê, hộp đựng đồ trang điểm, ví tiền, vỏ bọc hộ chiếu, giày, dép..., đặc biệt được khách hàng người nước ngoài ưa chuộng. Mẫu mã có thể thay đổi nhưng sản phẩm luôn được làm từ sợi bông tự nhiên, nhuộm màu tự nhiên và dệt thủ công”.
Các sản phẩm thổ cẩm muốn trở thành sản phẩm hàng hóa phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe về phối màu, kỹ thuật, kích thước, độ chính xác, khó hơn sản phẩm truyền thống. Nhờ sự hỗ trợ của tổ chức JICA (Nhật Bản), HTX Thổ cẩm Chiềng Châu vẫn duy trì được đầu ra tương đối ổn định. Sắp tới, khi dự án khôi phục làng nghề này kết thúc, thổ cẩm Mai Châu sẽ phải tự bơi để cạnh tranh. Ngay từ bây giờ, tại bản Lác, thị trấn Mai Châu, HTX Thổ cẩm Chiềng Châu đã đầu tư một gian trưng bày và bán sản phẩm. HTX cũng thường xuyên tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm xúc tiến đầu tư tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lào Cai... để mở rộng thị trường, tìm đầu ra ổn định để vừa phát triển làng nghề truyền thống vừa góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc.