Thiếu trầm trọng nguồn nhân lực y tế

Mai Phương 21/04/2012 07:37

Tình trạng thiếu nhân lực trong ngành y tế xem ra ngày càng trầm trọng hơn. Không chỉ các địa phương khác mà ngay tại Thủ đô Hà Nội cũng triền miên cơn khát bác sỹ. Còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện nguồn nhân lực ngành y trên cả hai khía cạnh: chất lượng, số lượng; và trách nhiệm cũng không chỉ thuộc về Bộ Y tế vì chương trình, hệ thống đào tạo không thuộc quyền quyết định hoàn toàn của Bộ này.

Thủ đô cũng thiếu bác sỹ

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Hà Nội đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực để đáp ứng cho Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo Quy hoạch đã được HĐND Thành phố Khóa XIV thông qua, trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020, Hà Nội sẽ xây mới 25 bệnh viện công lập, với tổng số 8.850 giường bệnh, ngoài ra còn xây mới 1 bệnh viện y học cổ truyền; 3 bệnh viện cấp cứu; 9 trạm cấp cứu vệ tinh. Chỉ tính riêng nguồn nhân lực để đáp ứng cho 25 bệnh viện, ngành y tế còn thiếu tới 4.000 bác sỹ, 1.000 dược sỹ. Tổng số cán bộ nhân viên y tế còn thiếu là 18.000 người.

Thiếu trầm trọng nguồn nhân lực y tế ảnh 1
Nguồn: hmtu.edu.vn

Hiện nay, nhiều bệnh viện ngoại thành Hà Nội cũng vẫn đang trong tình trạng thiếu bác sỹ, điển hình như Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện 09. Bệnh viện Thạch Thất nhiều năm nay không tuyển dụng được bác sỹ. Mặc dù hiện nay thành phố đã có cơ chế: nếu xin vào bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện chỉ cần thông qua xét tuyển nhưng cũng vẫn không đủ nguồn.

Sở Y tế Hà Nội đang cố gắng tìm mọi cách để thu hút nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là bác sỹ cho các bệnh viện ngoại thành. Ông Hiền cho biết, sở đã xây dựng đề án về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cho quy hoạch này. Bên cạnh đó, ngành đã có các đề án đào tạo nhân lực cho ngành y tế tại các trường TƯ đóng trên địa bàn và đang xin cơ chế hỗ trợ cho sinh viên các trường Đại học Y về công tác tại Hà Nội; đề xuất tuyển dụng bác sỹ cho ngành y tế Hà Nội không cần phải có hộ khẩu Hà Nội; bác sỹ làm việc ở ngoại thành không cần qua thi tuyển, được hỗ trợ kinh phí đi lại, chỗ ăn ở...

Sở Y tế Hà Nội cũng đã tính tới việc tận dụng nguồn cán bộ của các bệnh viện TƯ đóng trên địa bàn làm thêm tại các bệnh viện Hà Nội; các bệnh viện Hà Nội là cơ sở thực hành cho trường Đại học Y Hà Nội cũng như thu hút nguồn nhân lực từ trường về công tác tại các bệnh viện thành phố. Sở đã làm việc với trường Đại học Y để đào tạo bác sỹ liên thông hệ 4 năm đáp ứng nguồn nhân lực trước mắt. Quan trọng hơn, để đáp ứng nguồn nhân viên y tế phục vụ cho các bệnh viện, trong quy hoạch sẽ đầu tư 5 - 6 trường trung cấp, cao đẳng, kỹ thuật và nâng cấp hai trường cao đẳng lên đại học nhằm cung cấp nguồn bác sỹ làm việc trong các bệnh viện.

Bên cạnh việc thu hút nguồn nhân lực, trong quy hoạch, ngành y tế Hà Nội cũng đưa ra cơ chế chính sách tăng nguồn thu cho các bệnh viện, để giữ chân cán bộ và thu hút thêm người về.

Cả nước chỉ có 6,5 bác sỹ/10.000 dân số

Ở Thủ đô còn như vậy, ở các địa phương khác, tình trạng thiếu nhân lực ngành y tế còn nan giải hơn rất nhiều.

Trong khuôn khổ Dự án nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác giáo dục nhân lực y tế tại Việt Nam, các giáo sư, tiến sỹ Trường Đại học Y tế công cộng đã tiến hành nghiên cứu Nhân lực bác sỹ đa khoa, điều dưỡng và cử nhân y tế công cộng được thực hiện nghiên cứu tại 11 trường đại học và 6 trường cao đẳng: đánh giá thực trạng và các chính sách hỗ trợ đào tạo. Được công bố trung tuần tháng 4.2012, nghiên cứu chỉ ra rằng, trung bình cả nước có 6,5 bác sỹ/10.000 dân số; phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở thành thị, vùng kinh tế phát triển với tỷ lệ 60% bác sỹ tập trung ở thành thị trong khi dân số thành thị chỉ chiếm 28,4% dân số cả nước. Tỷ lệ Trạm y tế xã có bác sỹ cao nhất ở vùng Bắc Trung bộ, đồng bằng sông Cửu Long (trên 96%), thấp nhất ở trung du và miền núi phía Bắc (chỉ 32,4%), tỉnh có tỷ lệ thấp nhất là Lai Châu 3,3%. Trung bình cả nước có 10,4 điều dưỡng/10.000 dân số; chất lượng yếu, chủ yếu là trình độ sơ cấp, trung cấp; phân bố không đều. Số lượng cán bộ y tế dự phòng ở tuyến tỉnh chỉ bằng 2/3 nhu cầu và tuyến huyện chỉ bằng 1/2 nhu cầu... Qua đó cho thấy, nhân lực y tế nước ta đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng (khoảng 25% có trình độ đại học trở lên); phân bố không đồng đều, nhất là ở các tuyến khám chữa bệnh ban đầu, các vùng khó khăn, nông thôn và các lĩnh vực y tế dự phòng, chuyên khoa lao, tâm thần...

Sự khác biệt về trình độ trong đội ngũ nhân lực y tế ở các cấp cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên sự quá tải, đôi khi là quá tải ảo do khoảng 60% số bệnh nhân có thể điều trị tại tuyến dưới nhưng vẫn lựa chọn cơ sở y tế tuyến trên để điều trị. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất nằm ở yêu cầu về nâng cao chất lượng nhân lực y tế trong bối cảnh kinh phí, học phí chưa phù hợp với nhu cầu đào tạo ngành y, bệnh viện thực hành chưa phát huy được vai trò đích thực của nó, tình trạng thiếu giáo viên cơ hữu và thiếu giáo viên ở một số chuyên khoa. Nghiên cứu trên cũng nêu rõ: hiện tại có 15 trường đại học và 65 trường cao đẳng và trung cấp công lập, phân bố rải rác tại các vùng khác nhau; có 7 trường đại học tham gia đào tạo cử tuyển và đào tạo khoảng 1.488 bác sỹ và 24 điều dưỡng.

Bộ Y tế đã được Chính phủ giao thí điểm xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển nhân lực từ 2011 - 2020 với mục tiêu đáp ứng đội ngũ nhân lực y tế có chất lượng, cơ cấu và phân bố hợp lý. Theo đó, ngành y tế phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 52 nhân lực y tế (tất cả các chuyên ngành)/10.000 dân, 10 bác sỹ/10.000 dân, 12 điều dưỡng/10.000 dân; 100% các trường đại học, cao đẳng và trung cấp công lập hoặc ngoài công lập đạt tiêu chuẩn... 

Như vậy, còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện nhân lực ngành y tế trên cả hai khía cạnh: chất lượng, số lượng; và trách nhiệm cũng không chỉ thuộc về Bộ Y tế vì chương trình và hệ thống đào tạo không thuộc quyền quyết định hoàn toàn của Bộ Y tế.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thiếu trầm trọng nguồn nhân lực y tế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO