Thiếu nguồn tuyển giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học, giải pháp nào?

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) Thái Văn Tài, điểm khó lớn nhất hiện nay đối với việc triển khai dạy học môn tiếng Anh ở cấp tiểu học theo quy định của chương trình GDPT 2018 là nguồn tuyển giáo viên.

Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 12.8.2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã nhấn mạnh tới vấn đề tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên; từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Các chuyên gia giáo dục nhận định, việc để học sinh được học tiếng Anh ở giai đoạn sớm, tạo ra môi trường giao tiếp sớm sẽ giúp nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh trôi chảy. Tại Việt Nam hiện nay, ở cấp tiểu học, học sinh lớp 1 và lớp 2 học tiếng Anh theo hình thức tự chọn; lớp 3, lớp 4 học theo hình thức bắt buộc; lớp 5 học theo chương trình thí điểm và hình thức tự chọn.

Báo Đại biểu Nhân dân đã có trao đổi với Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) TS. Thái Văn Tài về những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện dạy học các môn Ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở cấp tiểu học thời gian qua; những khó khăn còn tồn tại cũng như những định hướng nâng cao chất lượng việc dạy học tiếng Anh ở cấp tiểu học.

Tổng số học sinh lớp 1 và lớp 2 học tiếng Anh trong cả nước đạt trên 80%

- Thưa Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu họcThái Văn Tài, ông có thể cho biết kết quả thực hiện việc dạy học các môn Ngoại ngữ, đặc biệt là môn tiếng Anh trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu họcnăm học vừa qua?

-TS.Thái Văn Tài: Trong năm học 2023-2024, Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 3816/BGDĐT-GDTH ngày 31.7.2023 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai dạy học các môn Ngoại ngữ theo Chương trình GDPT 2018 và Công văn số 3818/BGDĐT-GDTH ngày 31.7.2023 gửi các Sở GD-ĐT về việc hướng dẫn tổ chức dạy học các môn Ngoại ngữ 1 (Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nga, Tiếng Nhật) cấp tiểu học.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh, thành phố tích cực triển khai các điều kiện để tổ chức dạy học tiếng Anh theo chương trình Chương trình giáo dục phổ thông 2018 kịp thời và hiệu quả.

Việc triển khai tiếng Anh lớp 3 và lớp 4 là bắt buộc theo quy định của Chương trình GDPT 2018. Với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GD-ĐT, UBND các tỉnh, thành phố, các Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT và toàn bộ các cơ sở giáo dục, 100% các nhà trường đã tổ chức dạy học Ngoại ngữ 1 bắt buộc ở lớp 3 và lớp 4, trong đó có một tỷ lệ nhỏ là Ngoại ngữ khác (chiếm khoảng 0,1%).

Các địa phương đã chú trọng tăng cường công tác tuyển dụng và đào tạo bồi dưỡng giáo viên, thực hiện phương án bố trí giáo viên linh hoạt, điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học, biệt phái giáo viên cấp trung học cơ sở theo thẩm quyền quản lý tham gia giảng dạy tại các trường tiểu học.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đã vận dụng linh hoạt các hình thức học tập khác nhau trên cơ sở nguồn giáo viên thực hiện chương trình còn thiếu. Một số giải pháp bao gồm: vận dụng kho bài giảng, học liệu điện tử môn Tiếng Anh để tổ chức học tập trực tuyến cho học sinh với sự hỗ trợ của giáo viên nhà trường; thực hiện dạy học trực tuyến, học tập trực tiếp qua lớp học ảo, trang bị các điều kiện về công nghệ để một giáo viên tại một thời điểm có thể giảng dạy cho hơn một lớp học tại những vị trí địa lý khác nhau; tăng cường tổ chức dạy học qua truyền hình đan xen với các hình thức học tập khác.

mr tài.jpg
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT Thái Văn Tài (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Cơ sở vật chất (phòng học có thiết bị nghe, nhìn, thiết bị kết nối Internet) đã được chú trọng đầu tư phục vụ việc dạy và học theo hình thức cuốn chiếu từ lớp dưới lên. Hiện nay, tất cả các cơ sở giáo dục có tổ chức dạy tiếng Anh đều có thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ GD-ĐT để phục vụ công tác dạy học.

Nhiều cơ sở giáo dục đã được trang bị các thiết bị dạy học hiện đại, có kết nối mạng Internet, bảng tương tác với nguồn học liệu phong phú đã tác động tích cực đến chất lượng học tiếng Anh của học sinh tiểu học.

Các cơ sở giáo dục cũng đã thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn và triển khai sách giáo khoa (SGK), tài liệu tham khảo trong dạy học tiếng Anh, tận dụng nguồn tài liệu tham khảo phong phú và đa dạng theo đặc thù môn học để hỗ trợ quá trình dạy học.

Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục chưa trang bị đủ các SGK trong danh mục SGK được phê duyệt của Bộ GD-ĐT để giúp giáo viên nghiên cứu, tham khảo trong quá trình xây dựng kế hoạch tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy cũng như công tác dạy học. Một số địa phương chưa chú trọng công tác bổ sung tài liệu, truyện, sách báo, tạp chí bằng tiếng Anh tại thư viện để hỗ trợ việc học tập, nghiên cứu, tham khảo và giải trí của giáo viên, học sinh.

- Việc duy trì, nâng cao số lượng học sinh tiểu học làm quen với tiếng Anh đã được triển khai ra sao, thưa ông? Hiện nay tỷ lệ học tiếng Anhcấp tiểu học trong cả nước như thế nào?

- TS.Thái Văn Tài: Năm học 2023-2024 là năm chúng ta tiếp tục duy trì và nâng cao số lượng học làm quen tiếng Anh ở lớp 1 và lớp 2; tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả dạy học tiếng Anh bắt buộc ở lớp 3, lớp 4 và tổ chức dạy học tiếng Anh tự chọn ở lớp 5. Với sự tham mưu quyết liệt của ngành GD-ĐT, các địa phương đã rất nỗ lực, đặc biệt là các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn để có thể đưa môn tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc ở lớp 3 theo quy định.

Số lớp 1 và lớp 2 được học làm quen với tiếng Anh theo Chương trình GDPT 2018 tiếp tục được duy trì. Các địa phương đã tích cực thực hiện các công tác bao gồm sử dụng hình thức xã hội hóa để tổ chức học tự chọn tiếng Anh. Một số địa phương đã triển khai trên 90% như: Hà Nội (98,5%); TP.Hồ Chí Minh (98%); Hải Phòng (trên 96%); Bình Dương (100%); Hưng Yên (100%); Ninh Bình (95,2%)…

Số lớp 3, lớp 4 được học tiếng Anh hiện chiếm 99,98% tổng số lớp 3, lớp 4 trên cả nước (0,02% còn lại là các lớp học sinh khuyết tật không tổ chức học tiếng Anh). Kết quả trên là sự cố gắng nỗ lực và đồng bộ từ các chỉ đạo, tìm kiếm các giải pháp của Bộ GD-ĐT, UBND các tỉnh, các Sở GD-ĐT, các Phòng GD-ĐT và quyết tâm thực hiện của các nhà trường trong những năm đầu thực hiện chương trình tiếng Anh bắt buộc từ năm học 2022-2023.

Với học sinh lớp 5, các em tiếp tục duy trì việc học tiếng Anh theo chương trình tiếng Anh thí điểm và chương trình tự chọn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Tuy nhiên, do tập trung giáo viên tiếng Anh cho việc dạy học lớp 3, lớp 4 nên một số nơi thời lượng học tiếng Anh của học sinh lớp 5 giảm đi.

Nhiều cơ sở giáo dục đã tích cực thực hiện xã hội hóa theo tinh thần tự nguyện trong dạy học tiếng Anh để tăng cường thời lượng học tiếng Anh; dạy học tiếng Anh qua các chủ đề Toán và Khoa học; dạy học một số môn học bằng tiếng Anh; tăng cường tổ chức cho giáo viên, học sinh học tiếng Anh qua truyền hình, các phương tiện truyền thông phù hợp khác và đẩy mạnh thực hành tiếng Anh qua các hoạt động như đọc truyện, hoạt động trải nghiệm, các sân chơi, giao lưu phù hợp với học sinh tiểu học.

Nhìn chung, với nỗ lực không ngừng và nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, từ một môn học tự chọn, đến nay tổng số học sinh lớp 1 và lớp 2 học tiếng Anh trong cả nước đạt trên 80%; số học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 học tiếng Anh đạt 100%.

Năm học tiếp theo là năm thứ 3 triển khai học bắt buộc ở cả 3 khối lớp 3, 4, 5, đòi hỏi các địa phương phải nỗ lực hơn nữa và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để có thể triển khai thành công cả về số lượng và chất lượng.

img-3557-3120.jpg
Học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội trong một giờ học tiếng Anh (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Điểm khó lớn nhất là nguồn tuyển giáo viên tiếng Anh

- Ông nhìn nhận đâu là khó khăn lớn nhất hiện nay đối với việc triển khai dạy học môn Tiếng Anh ở cấp tiểu họctheo quy định của chương trình GDPT2018, khi đây là môn học bắt buộc với học sinh từ lớp 3 đến lớp 5?

- TS.Thái Văn Tài: Trong thời gian qua, Chính phủ và các địa phương đã đồng hành cùng Bộ GD-ĐT triển khai rất nhiều giải pháp. Trong đó, về phía điều kiện bảo đảm, các địa phương đã dành các nguồn lực và ưu tiên tối đa để triển khai chương trình GDPT 2018 một cách đúng lộ trình, theo các quy định của chương trình mà Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn.

Riêng đối với môn tiếng Anh, các địa phương đã thể hiện sự quyết liệt để đảm bảo công bằng trong tiếp cận. Trẻ em ở bất kỳ điều kiện nào, trường lớp khó khăn nào cũng được học môn tiếng Anh bằng mọi cách; trong đó có nhiều hình thức học tập đa dạng, thể hiện sự đồng hành vượt khó, chia sẻ giữa các vùng miền ở cùng địa phương hay giữa các địa phương với nhau.

Vì vậy, đã xuất hiện nhiều hình thức tổ chức dạy học môn tiếng Anh một cách linh hoạt và trách nhiệm, như ứng dụng công nghệ thông tin để dạy các lớp học theo hình thức “lớp học ảo”, có nghĩa một giáo viên sẽ dạy cho các em học sinh từ điểm cầu trực tuyến, được tổ chức bởi quản lý lớp là giáo viên chủ nhiệm.

Đơn cử, 40 giáo viên của Nam Định, hàng tuần vẫn dạy tiếng Anh cho các em ở huyện miền núi Mù Cang Chải và Trạm Tấu của Yên Bái theo thời khóa biểu được giáo viên chủ nhiệm hiện tại xếp lịch và quản lý. Hay gần 60 giáo viên ở thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) hàng tuần vẫn dạy cho học sinh các trường vùng khó khăn ở Hà Giang. Đặc biệt, trường Marie Curie (Hà Nội) đã có những hỗ trợ rất trách nhiệm, nhiệt huyết đối với trẻ em ở Mèo Vạc (Hà Giang) trong quá trình tổ chức dạy học tiếng Anh theo hình thức nói trên.

Như vậy, chúng ta thấy rằng trong mọi điều kiện, các địa phương đang dành sự quan tâm để cố gắng cho các em được học môn tiếng Anh.

Điểm khó lớn nhất hiện nay là nguồn tuyển giáo viên môn tiếng Anh. Bộ Chính trị và Chính phủ đã giao biên chế cho các địa phương. Các địa phương cũng rất trách nhiệm, tìm mọi cách để tuyển đội ngũ giáo viên môn tiếng Anh. Trong 3 năm gần đây, số lượng giáo viên môn tiếng Anh cấp tiểu học được tuyển bổ sung là trên 800 - đây là môn học được tuyển bổ sung nhiều nhất đối với cấp tiểu học.

Tuy nhiên, hiện nay, toàn quốc vẫn thiếu một số lượng giáo viên theo quy định đối với môn tiếng Anh. Chúng ta có chỉ tiêu nhưng rất khó tuyển.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Địa phương vùng sâu, vùng xa chưa sẵn sàng được nguồn tuyển, các em được đào tạo theo hình thức đặt hàng chưa hoàn thành khóa học để quay lại phục vụ địa phương.

Nếu tuyển từ những vùng thuận lợi, vùng trung tâm lên công tác tại vùng cao sẽ là khó khăn khi chế độ, lương thưởng chưa thực sự đảm bảo được cuộc sống cho các giáo viên, chưa thể thu hút họ lên vùng khó khăn dạy học. Vì vậy, giáo viên môn tiếng Anh thường có những lựa chọn khác để cống hiến, công tác với chuyên môn của mình ở những địa điểm tốt hơn.

z5798972580979_32012b6e69e6eb9cb-1725517516737.jpg
Nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa đang thiếu rất nhiều giáo viên Tiếng Anh (Ảnh: Hà An)

4 giải pháp cần triển khai

- Thời gian sắp tới, bài toán chúng ta cần triển khai để giải quyết thực trạng thiếu giáo viên môn tiếng Anh, từ đó nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh ở cấp tiểu học là gì, thưa ông?

- TS.Thái Văn Tài: Có 4 giải pháp chúng ta cần triển khai.

Thứ nhất, đối với những địa phương chưa tuyển giáo viên theo Quyết định 72 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT trong quá trình tuyển dụng giáo viên cần gấp rút xây dựng phương án để tuyển giáo viên, trong đó ưu tiên tuyển giáo viên môn tiếng Anh.

Thứ hai, với những địa phương đã tuyển giáo viên nhưng gặp khó khăn trong quá trình triển khai, tuyển dụng, không có nguồn tuyển, chúng tôi đề nghị địa phương báo cáo với các cấp chính quyền để có những chính sách địa phương và sự truyền thông rộng rãi. Từ đó, thu hút lực lượng giáo viên môn tiếng Anh về công tác tại địa phương mình theo kế hoạch, chính sách địa phương đã xây dựng.

Giải pháp thứ ba, hiện nay, rất nhiều địa phương đã xây dựng phương án đào tạo giáo viên theo hình thức đặt hàng, đào tạo theo địa chỉ. Đây là một trong những giải pháp bền vững nhất mà hầu hết địa phương đang áp dụng. Trong những năm tới đây, số giáo viên được gửi đi đào tạo sẽ kết thúc khóa học. Rất mong các địa phương tiếp tục giữ mối liên hệ, làm tốt công tác truyền thông, công tác tư tưởng và có những kế hoạch bài bản để tiếp đón các em khi trở về địa phương, theo đúng kế hoạch chúng ta đã xây dựng.

Giải pháp cuối cùng là tăng cường hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giải quyết các vấn đề khó khăn về giáo viên, như các giải pháp trước đây chúng ta đã triển khai thực hiện. Cần đảm bảo rằng, nơi nào có học sinh, nơi đó các em được học các môn học bắt buộc theo quy định của chương trình, trong đó có môn tiếng Anh.

- Trong năm học 2024-2025, Bộ GD-ĐT định hướng việc triển khai dạy học các môn Ngoại ngữ 1, đặc biệt là Tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học như thế nào, thưa ông?

- TS.Thái Văn Tài: Đối với lớp 1 và lớp 2, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai Chương trình môn tiếng Anh tự chọn, bảo đảm các yêu cầu được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.

Đối với các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh, gồm tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc đã được Bộ GD-ĐT ban hành chương trình, căn cứ vào điều kiện triển khai của cơ sở giáo dục, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh, cơ sở giáo dục chủ động thực hiện dạy học tự chọn ở lớp 1 và lớp 2 và thực hiện lựa chọn tài liệu dạy học theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Đối với lớp 3, lớp 4 và lớp 5, các địa phương phải triển khai thực hiện các giải pháp để tổ chức dạy học môn Ngoại ngữ 1 bắt buộc; lựa chọn trong các môn Ngoại ngữ 1 đã có đủ điều kiện triển khai phù hợp với khả năng tổ chức của các cơ sở giáo dục, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm tính liên thông và theo các yêu cầu được quy định trong chương trình các môn ngoại ngữ và các văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.

Chúng tôi khuyến khích các cơ sở giáo dục thực hiện xã hội hóa theo tinh thần tự nguyện trong dạy học ngoại ngữ để tăng cường thời lượng học; dạy học ngoại ngữ qua các chủ đề Toán và Khoa học; dạy học một số môn học bằng tiếng nước ngoài. Tăng cường tổ chức cho giáo viên, học sinh học ngoại ngữ qua truyền hình, các phương tiện truyền thông, các nguồn học liệu phù hợp khác.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hành ngoại ngữ qua các hoạt động như đọc truyện, hoạt động trải nghiệm, tạo môi trường ngoại ngữ ngoài lớp học, các sân chơi, giao lưu cho học sinh. Tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả Hệ thống học liệu tiếng Anh trên máy tính và trực tuyến cấp tiểu học; từng bước ứng dụng công nghệ (trí tuệ nhân tạo) vào các hoạt động dạy học và đánh giá để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

- Trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ!

Giáo dục

Tọa đàm: Làm thế nào đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học?
Giáo dục

Tọa đàm: Làm thế nào đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học?

Chiều 26.9, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm 'Làm thế nào đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học?' nhằm ghi nhận ý kiến, đề xuất của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý về giải pháp để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học theo Kết luận 91 của Bộ Chính trị.

Tăng cường hợp tác, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học
Giáo dục

Tăng cường hợp tác, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học

Ngày 24.9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã làm việc với ông Amit Sevak, Chủ tịch Viện Khảo thí Hoa Kỳ. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đã thông tin về một chủ trương mới của Việt Nam là tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Malaysia đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học như thế nào?
Giáo dục

Malaysia đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học như thế nào?

Khi Malaysia tiến tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao, việc nâng cao khả năng tiếng Anh là trọng tâm quan trọng trong hệ thống giáo dục của đất nước. Quốc gia Đông Nam Á này đã triển khai một loạt chính sách cụ thể nhằm cải thiện chất lượng giảng dạy tiếng Anh trong các trường học, không chỉ nhằm nâng cao kỹ năng ngôn ngữ, mà còn giúp học sinh giành ưu thế trong môi trường quốc tế.

Tạp chí JIEM của Trường Đại học Ngoại thương gia nhập Hệ thống chỉ mục trích dẫn Đông Nam Á
Giáo dục

Tạp chí JIEM của Trường Đại học Ngoại thương gia nhập Hệ thống chỉ mục trích dẫn Đông Nam Á

Ngày 23.9, Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Hội nghị Cộng tác viên Tạp chí 2024, đồng thời công bố Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế (Journal of International Economics and Management - JIEM) của nhà trường chính thức gia nhập Hệ thống chỉ mục trích dẫn Đông Nam Á (ASEAN Citation Index - ACI).

Nhiều trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão, lũ
Giáo dục

Nhiều trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão, lũ

Nhiều trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh cũng dự kiến dành hàng tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên các tỉnh, thành phố phía Bắc bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. Các chính sách hỗ trợ được triển khai bằng nhiều hình thức, như: trao học bổng toàn phần, miễn, giảm từ 30-50% học phí, giãn thời gian đóng học phí sang đầu năm 2025...