Quản lý rượu thủ công:

Thiếu giải pháp hiệu quả

- Thứ Bảy, 15/01/2022, 05:51 - Chia sẻ
Liên quan đến quản lý đồ uống có cồn, trong đó có rượu thủ công cho đến nay có hàng chục văn bản quy phạm pháp luật ở các cấp đã quy định trên nhiều phương diện sản xuất, kinh doanh; thuế và giá; kiểm soát quảng cáo, khuyến mại và tài trợ; an toàn giao thông, an ninh, trật tự xã hội… Tuy nhiên, các lực lượng chức năng vẫn gặp khó khi xử lý.

Khó thống kê, không xử lý được

Mặc dù người người uống rượu, nhà nhà có rượu nhưng cho đến thời điểm hiện nay, thống kê của Bộ Công thương từ báo cáo của 54 Sở Công thương cho thấy, cả nước có 40.409 hộ/cơ sở sản xuất rượu thủ công đăng ký với cơ quan nhà nước và được cấp phép; tổng sản xuất có thể nắm được là 48.153.967 lít rượu thủ công các loại. Cũng từ số liệu của Bộ Công thương, mỗi năm có gần 300 triệu lít rượu thủ công được tung ra thị trường với tình trạng không nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn, không công bố chất lượng.

Toàn cảnh hội thảo chương trình “Nâng cao năng lực quản lý sản xuất rượu thủ công”

Bà Nguyễn Hương Giang, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương nêu thực tế, chưa thể áp dụng các hình thức xử phạt theo đúng quy định và đình chỉ ngay các hoạt động sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, bán lẻ rượu cùng một lúc vì điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân do các hộ sản xuất rượu nhỏ lẻ tại các địa phương chiếm số lượng rất lớn, vừa hoạt động sản xuất rượu vừa phục vụ chăn nuôi.

Thực tế, do điều kiện nấu rượu tại nông thôn hầu hết cơ sở đều nấu rượu bằng phương pháp thủ công, trang thiết bị, dụng cụ, nhà xưởng chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng rượu sau khi sản xuất tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng; nhiều hộ gia đình sản xuất gần chuồng lợn, hoặc tại vị trí không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên việc cấp giấy an toàn thực phẩm để đủ điều kiện cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công khó thực hiện. Đấy là lý do nhiều hộ sản xuất kinh doanh rượu thủ công không có giấy phép. Điều này cũng có nghĩa là chính quyền sở tại cũng không thể thống kê được.

Phó Giám đốc Sở Công thương Ninh Bình Ngô Minh Kim cho hay, gần ¾ số hộ gia đình được khảo sát cho biết họ chưa kê khai với chính quyền địa phương về việc sản xuất rượu thủ công và trong số đó có tới 85,2% cho biết không nắm được quy định cần phải kê khai việc sản xuất rượu thủ công với chính quyền. Bên cạnh đó, nhận thức, hiểu biết của người sản xuất rượu thủ công về việc nấu rượu còn rất hạn chế với chỉ 36% hộ gia đình hiểu biết đầy đủ về những quy định pháp lý cần tuân thủ trong việc nấu rượu thủ công (về an toàn thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu, đăng ký kê khai).

Theo kết quả Khảo sát Chương trình Nâng cao năng lực quản lý sản xuất rượu thủ công” thí điểm tại tỉnh Ninh Bình năm 2020 - 2021: Trong tổng số 615 phiếu trả lời, có 155 người (25,2%) cho biết đã thực hiện kê khai, đăng ký sản xuất rượu với cơ quan có thẩm quyền. Trong khi đó, tỷ lệ chưa đăng ký cao gấp gần 3 lần với 440 người (71,5%). Có 20 người không cung cấp được thông tin cho câu hỏi này… và nếu tính số này vào số gia đình chưa đăng ký thì tỷ lệ chưa kê khai/đăng ký lên tới 74,8%.

Nhập nhằng... trốn thuế

Theo Nghị định số 105/2017/NĐ-CP; Nghị định 17/2020/NĐ-CP, Thông tư số 26/2019/TT-BCT thì sản xuất rượu thủ công được phân loại quản lý theo 3 nhóm: Sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh; Sản xuất rượu thủ công bán cho các cơ sở có giấy phép sản xuất rượu chế biến lại và Sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh. Theo đó, mỗi nhóm đối tượng có mục đích sản xuất khác nhau, yêu cầu quản lý khác nhau. Tuy nhiên việc phân định cụ thể các đối tượng này rất khó khăn, đặc biệt giữa đối tượng “nhằm mục đích kinh doanh” và “không nhằm mục đích kinh doanh”.

Trên thực tế, không hiếm hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công với sản lượng tương đối lớn vừa sử dụng cho mục đích không kinh doanh (phục vụ tiêu dùng của gia đình, biếu, tặng,) vừa sử dụng cho mục đích kinh doanh (bán ra ngoài) nhưng khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, hậu kiểm thì họ chỉ thừa nhận sản xuất phục vụ mục đích không kinh doanh. Phó Giám đốc Sở Công thương Ninh Bình Ngô Minh Kim nêu thực tế, việc xác định các hộ này có bán rượu ra ngoài hay không, số lượng là bao nhiêu cũng rất khó vì việc mua bán diễn ra tại gia đình. Trong khi đó, các cơ sở có giấy phép sản xuất rượu thường có quy mô nhỏ, số lượng được cấp giấy phép ít nên nhu cầu mua rượu bán thành phẩm để chế biến lại thành rượu thành phẩm không đáng kể. Vì vậy việc kiểm soát sản xuất rượu thủ công của các hộ dân chưa có giấy phép bán cho các cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại hầu như không thực hiện được.

Điều đáng nói, theo quy định thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu trên 20 độ là 65% từ ngày 1.1.2018. Như vậy, trong giá bán 1 lít rượu có dán tem hiện nay, gần 2/3 là thuế các loại. Từ đây có thể thấy, rượu không dán tem dù giá bán có thấp hơn, thì thực chất vẫn rất đắt, mang lại siêu lợi nhuận cho các cơ sở kinh doanh nhờ trốn thuế.

Hộ sản xuất rượu Nguyễn Văn Thìn, Nho Quan, Ninh Bình trăn trở, nếu không có biện pháp hữu hiệu thì những hộ kinh doanh có giấy phép bị thiệt thòi rất lớn, vì họ phải gánh đủ loại chi phí mới có được sản phẩm bảo đảm chất lượng, đưa ra thị trường, trong khi đó rượu trôi nổi thì không phải chịu bất kỳ một loại thuế, phí nào.

Bài, ảnh: Nguyễn Minh