Giá thuê container rỗng tăng cao

Thiếu container hay chủ đích tăng giá?

- Thứ Năm, 14/01/2021, 09:01 - Chia sẻ
Hơn 3 tháng nay giá thuê container rỗng liên tục tăng, từ mức ban đầu chưa tới 1.000 USD/container 40 feet thì nay đã đội giá lên tới 8.000 USD. Diễn biến này ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu. “Bộ Công thương và Bộ Giao thông Vận tải sẽ có báo cáo Thủ tướng về vấn đề này để bảo đảm quyền lợi hài hòa giữa các bên”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho biết.

Giá thuê container tăng  3 - 4 lần 

Thông tin từ nhiều chủ hàng trong các ngành thủy sản, nhựa và gỗ cho hay, hơn 3 tháng nay giá thuê container rỗng liên tục tăng, từ mức ban đầu chưa tới 1.000 USD/container 40 feet thì nay đã đội giá lên tới 8.000 USD, thậm chí là 10.000 USD/container 40 feet đi thị trường Anh.

Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết, từ cuối tháng 10.2020, các doanh nghiệp thủy sản nhận được thông báo của một số hãng tàu vận tải container về việc tăng phụ phí với hàng container xuất khẩu từ Việt Nam đi các thị trường châu Á. Mức tăng từ phổ biến từ 50 - 200 USD/container và áp dụng ngay từ ngày 1.11.2020. Ngoài ra, một số hãng tàu còn thông báo tăng phụ phí mùa cao điểm từ 150 - 450 USD/container.

Tương tự, chi phí vận chuyển hạt điều sang các nước châu Âu những tháng gần đây cũng tăng gấp 3 - 4 lần so với trước, vào khoảng 6 - 7.000 USD/container, tăng hơn 5.000 USD. Ngay cả khi doanh nghiệp chấp nhận mức phí này vẫn khó tìm được container, hoặc có container thì không thuê được tàu chạy. 

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) Trần Hữu Hậu cho biết, lượng điều xuất khẩu sang châu Âu rất lớn trong khi mùa thu hoạch đang đến gần. Nếu vẫn thiếu container rỗng, doanh nghiệp sẽ không thể xuất khẩu đúng hạn theo hợp đồng dẫn tới khả năng hợp đồng bị hủy và khó ký hợp đồng mới. Khi đó, doanh nghiệp không dám thu gom hạt điều, giá cả có thể xuống thấp khiến nông dân chịu thiệt hại lớn.

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), 40% doanh nghiệp cho biết, gặp khó khăn trong việc giao nhận container rỗng tại các nơi tập kết container và khi chủ hàng đến nhận mới được thông báo là chưa có. 43% doanh nghiệp cho biết là do bộ phận đặt chỗ với hãng tàu cho thuê container rỗng vượt số lượng cho phép và 17% do bộ phận kinh doanh chưa tiếp cận thuê container rỗng được từ hãng tàu.

Ông Nguyễn Tương, Phó Chủ tịch VLA cho biết, tình trạng này khiến hàng hóa phải lưu kho chờ xuất khẩu, vừa ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, vừa làm tăng chi phí lưu kho, lưu bãi từ 5 - 50% giá trị lô hàng. Cùng với đó, phí xếp dỡ, phụ phí mùa cao điểm cũng tăng cao. Những yếu tố này ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa nước ta trên thị trường thế giới.

Tình trạng thiếu container rỗng đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó

Nguồn: ITN 

Có lợi dụng tình hình để tăng giá hay không?

Tại cuộc họp do Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) tổ chức mới đây, nhiều chủ hàng cho rằng, mức tăng này là bất hợp lý và yêu cầu các hãng tàu minh bạch thông tin về giá.

Tuy nhiên, đại diện các hãng tàu lý giải, do ảnh hưởng dịch bệnh khiến việc giải phóng hàng và quay vòng container rỗng bị kéo dài. Cùng với đó, lượng hàng xuất đi châu Âu, Mỹ tăng đột biến dẫn tới thiếu container rỗng đóng hàng. Một số hãng tàu cho biết không cắt giảm chuyến đi từ Việt Nam, thậm chí còn tăng chuyến, nhưng do lượng container thiếu hụt trầm trọng nên dẫn tới tình trạng hiện nay. Tình hình này ít nhất kéo dài đến hết tháng 3.2021, thậm chí có thể đến quý II nếu dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải, tăng giá cước tàu biển và chi phí thuê container là một phản ứng của thị trường trước việc giảm tuyến, giảm chuyến, thiếu vỏ container và tình trạng này có thể còn kéo dài. Tuy vậy, ông cũng đặt vấn đề: Liệu có khả năng các hãng tàu, đại lý tàu biển, doanh nghiệp giao nhận lợi dụng tình hình để đẩy giá lên hoặc găm giữ container, liên kết với nhau để nâng giá hay không? Ông Hải cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải cần chủ trì, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các hãng tàu, đại lý tàu biển để kiểm tra các yếu tố trên, cũng như việc chấp hành quy định của pháp luật về việc công bố, niêm yết giá cước và thông báo trước khi thay đổi giá cước.

Ngay sau khi nhận phản ánh của doanh nghiệp, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản đề nghị hãng tàu thực hiện nghiêm việc niêm yết giá. Theo ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải, cước thuê container rỗng tăng là do cung cầu của thị trường nhưng các hãng tàu cần thực hiện yêu cầu minh bạch giá. Đối với các đề xuất phương án ứng phó như giải tỏa container tồn đọng ở cảng… Cục sẽ có những cân nhắc phù hợp.

Phó Chủ tịch VLA Nguyễn Tương đề xuất, cơ quan chức năng cần nhanh chóng thông quan hàng nhập khẩu để có container rỗng; có chính sách giảm thời gian lưu bãi, lưu kho đối với các container nhập khẩu. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần có áp lực với các hãng tàu để luân chuyển container nhanh chóng hơn. Về lâu dài, ông Tương cho rằng Việt Nam cần chủ động có thêm nhiều nơi sản xuất container rỗng để tăng nguồn cung. Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực để đóng container. Nước ta đang phụ thuộc vào thị trường vận tải nước ngoài nên không chủ động được lượng container rỗng. Hiện nay, nhà máy sản xuất container ở Việt Nam rất ít, mà nguồn cung cấp container rỗng chủ yếu là Trung Quốc và số ít thị trường khác. 

Giá cước tàu biển và giá thuê container rỗng tăng cao sẽ ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất, nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu. “Bộ Công thương và Bộ Giao thông Vận tải sẽ có báo cáo Thủ tướng về vấn đề này để bảo đảm quyền lợi hài hòa giữa các bên”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho biết.

An Thiện