Đây là thông tin được ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội Urenco đưa ra tại Tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng nay (18.9), tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 35 Ngô Quyền, Hà Nội.
“Vấn đề nhức nhối hiện nay là rác thải sinh hoạt”
Với quy mô nền kinh tế, dân số ngày càng lớn, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, môi trường ở nước ta đã và đang chịu áp lực lớn cả về số lượng, quy mô và mức độ tác động. Ðáng lo ngại, tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn biến phức tạp, lượng chất thải được thải ra môi trường ngày càng gia tăng; công tác quản lý rác thải sinh hoạt còn nhiều hạn chế, phần lớn được xử lý theo hình thức chôn lấp; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế tại các cơ sở xử lý chưa cao.
Hiện nay, lượng chất thải điện tử của Việt Nam không nhiều, bởi đa số thói quen tiêu dùng của người Việt vẫn đang dùng rất tốt chất thải điện tử và chưa đến chu kỳ thải bỏ nhiều. Tuy nhiên, đã bắt đầu phát sinh chất thải điện tử trong sinh hoạt như pin, đồ chơi điện tử của trẻ em. Đặc biệt, pin dùng một lần đang được thải bỏ lẫn trong chất thải sinh hoạt. Đây là vấn đề cần phải quan tâm. Trong Luật Bảo vệ môi trường và hướng dẫn phân loại rác từ nguồn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã hướng dẫn việc phân loại và thu gom, tái chế chất thải điện tử.
Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội Urenco
Nhận định về vấn đề rác thải ở nước ta, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ tịch HĐQT Công ty Halcom Việt Nam Nguyễn Quang Huân cho rằng có các loại rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải xây dựng. Với rác thải xây dựng chỉ cần quản lý tốt bởi lẽ loại rác thải này không độc hại, thậm chí còn là nguồn quý nếu trở thành vật liệu san lấp. Với rác công nghiệp cần phân rõ thuộc tính của ngành công nghiệp gì. Như rác thải ngành công nghiệp vi mạch, có thể thu gom, xử lý để lấy các kim loại quý như thu gom dầu thải để lấy vàng, nhiều kim loại quý khác...
Tuy nhiên, ông Huân cho rằng, vấn đề nhức nhối hiện nay là rác thải sinh hoạt. Với con số khoảng 60.000 tấn rác thải phát sinh mỗi ngày, xử lý tốt thì đó là tài nguyên hoặc ngược lại là nguồn gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay tỷ lệ thu gom, xử lý rác rất cao, 80 – 90% nhưng nếu tách hai nội hàm riêng biệt thì việc xử lý rác hiện nay là chưa đạt.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội Urenco cho biết, một số loại chất thải rắn như: chất thải rắn xây dựng, chất thải điện tử và chất thải nhựa trên biển làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường hiện nay. Đây là 3 loại chất thải không phải “mới nổi”, đã có trong đời sống, sản xuất, sinh hoạt lâu nay.
Chất thải xây dựng phát sinh trong quá trình hoạt động xây dựng của cả các cơ quan, tổ chức và người dân. Hoạt động này theo quy định phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đến nơi quy định. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để, ông Tiến nói.
Phải quản lý tốt nguồn rác thải
Thực tế việc quản lý không tốt nguồn rác thải gây ra nhiều hệ lụy, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, và lãng phí nguồn tài nguyên sau tái chế… Trong khi nguồn rác thải hiện nay của chúng ta hiện nay tương đối lớn nhưng việc xử lý hiện chưa đáp ứng yêu cầu.
Ông Nguyễn Hữu Tiến cũng chỉ ra thực tế, hiện nay, trong phạm vi cả nước chúng ta thiếu các cơ sở xử lý, nếu có cũng chỉ theo hình thức chôn lấp. Chúng ta thiếu cơ sở xử lý, tái chế phế thải xây dựng: thiếu cả về quy hoạch đầu tư xây dựng, cả về tiêu chuẩn để tái chế phế thải xây dựng.
Điều đáng nói là, nhiều năm nay, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu để đưa ra quy chuẩn tái chế phế thải xây dựng, từ phế thải có thể đưa vào sản xuất, sử dụng trong dân dụng. Tuy nhiên, tới nay, chúng ta cũng chưa ban hành được tiêu chuẩn. Ở một số nước phát triển đã ban hành tiêu chuẩn để đưa phế thải xây dựng vào san nền, làm đường hoặc làm vật liệu. Việc chúng ta chưa ban hành được tiêu chuẩn cũng là một nguyên nhân khiến phế thải xây dựng chưa được quản lý tốt, ông Tiến nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Huân cho rằng, về vấn đề công nghệ xử lý rác thải đa dạng, tùy vào mỗi loại rác thải khác nhau. Theo đó, mỗi sản phẩm công nghiệp có cơ chế xử lý rác thải khác nhau. Một số loại rác công nghiệp thậm chí rất khan hiếm vì tạo nên giá trị lớn như rác thải ngành giầy da, rác thải vi mạch… Do đó, tập trung vào công nghệ xử lý rác nên chú ý đến rác thải sinh hoạt, ông Huân nói.
Từ thực tế xử lý rác thải thời gian qua, ông Nguyễn Quang Huân cho rằng áp dụng công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt là vấn đề nan giải. Việc phân loại rác tại nguồn đã đề cập nhiều, song hạ tầng không đồng bộ, tiêu chuẩn xử lý cũng nhiều vấn đề. Theo đó, sử dụng công nghệ cần chú ý các yếu tố như: sau khi xử lý, đầu ra của rác thải là bao nhiêu % phải mang chôn lấp, hay quá trình xử lý đó tạo ra khí thải môi trường bao nhiêu? Điều này phụ thuộc vào thành phần rác và lượng rác phát sinh hàng ngày.
Bên cạnh đó, ông Huân cũng đặc biệt lưu ý đến vấn đề đốt rác phát điện. Bởi trên thực tế, nhiều nơi trong quá trình đốt rác phát điện dùng dầu, hình thành khói độc hại. Do đó, cơ quan nhà nước một mặt khuyến khích tất cả thành phần kinh tế, nhà đầu tư, nhà công nghệ tập trung phát triển xử lý rác, mặt khác kiểm soát chất lượng xử lý rác. Nếu để tình trạng như hiện nay, không kiểm soát chất lượng khí thải, kiểm soát rác sau xử lý thì rất nguy hiểm, ông Huân nói.