Phát triển công nghiệp chế biến nông sản

Thiếu chính sách đột phá

- Thứ Bảy, 21/09/2019, 09:12 - Chia sẻ
Tại Hội thảo Chính sách nâng cao chất lượng hàng nông, thủy sản và thực phẩm chế biến: Thực trạng, bất cập và giải pháp, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng qua, các đại biểu cho rằng, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, hiện nay, ngành này vẫn đang phát triển chưa tương xứng tiềm năng với 90% công nghệ ở mức trung bình và lạc hậu, mới chỉ sử dụng 5 - 10% sản lượng nông nghiệp sản xuất được...

Mới sử dụng 5 - 10% sản lượng

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN - PTNT, hiện cả nước có trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình với công nghệ và chất lượng đạt mức độ trung bình của thế giới. Ngành công nghiệp chế biến nông sản góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới khi thu hút 1,6 triệu lao động với thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Ngành chế biến nông sản mới chỉ sử dụng 5 – 10% sản lượng nông sản  Nguồn ITN

Tuy vậy, ông Vũ Huy Phúc, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho biết, khâu chế biến mới chỉ sử dụng 5 - 10% sản lượng nông sản sản xuất ra. Trình độ công nghệ vẫn còn hạn chế, trên 90% ở mức độ trung bình và lạc hậu. Đầu tư cho công nghiệp chế biến chưa tương xứng tốc độ phát triển của nông nghiệp. Hệ số đổi mới thiết bị trong những năm qua mới chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2 - 1/3 mức tối thiểu của các nước khác). Bên cạnh đó, việc tổ chức liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu. Chẳng hạn, đối với cao su, mía đường, điều, dù các nhà máy đã có quy hoạch vùng nguyên liệu riêng nhưng mức độ đầu tư bao tiêu có hạn nên luôn xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu.

Đáng chú ý, theo đại diện IPSARD, việc tổ chức sản xuất, tận dụng phế phụ phẩm rất hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng. Chẳng hạn, với sản lượng trên 40 triệu tấn lúa/năm đồng nghĩa mỗi năm có khoảng 40 triệu tấn rơm, 8 triệu tấn trấu và 4 triệu tấn cám có thể tạo nên những sản phẩm giá trị gia tăng ngoài gạo như dầu cám, thức ăn chăn nuôi, củi trấu, phân bón, giá thể nấm. Song, trên thực tế, việc sử dụng các phế phụ phẩm này rất ít. Thêm vào đó, công nghiệp hỗ trợ trong chế biến gỗ hầu như chưa phát triển, mới chỉ có 26 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho ngành chế biến gỗ…

Có nhiều nguyên nhân khiến ngành công nghiệp chế biến nông sản ở nước ta chưa phát triển tương xứng tiềm năng, như chưa dựa nhiều vào khoa học công nghệ. Chính sách huy động, phân bổ nguồn lực cho phát triển công nghiệp chế biến nông sản chưa có bước đột phá, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Một nguyên nhân quan trọng khác là chất lượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu khi 55,63% số chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, trong đó 43,3% chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ sơ cấp và phổ thông các cấp; 75% lực lượng lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật…

Nên cho phép doanh nghiệp mua, thuê đất của nông dân

Nhìn nhận về cơ hội phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản trong thời gian tới, các chuyên gia tỏ ý lạc quan. Bởi Việt Nam có nguồn nguyên liệu nông nghiệp phong phú. Thêm vào đó, nhu cầu các sản phẩm chế biến ngày càng tăng cao. Nếu như năm 2015, tổng quy mô thị trường công nghiệp chế biến thực phẩm toàn cầu đạt 6.300 tỷ USD thì năm 2020 dự kiến tăng lên 7.700 tỷ USD. Ngoài ra, có nhiều chính sách hỗ trợ như Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Quyết định số 57/2018/QĐ-TTg về cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; chính sách đầu tư nông nghiệp công nghệ cao… cũng sẽ tạo đà cho ngành công nghiệp chế biến nông sản phát triển.

Để đạt được mục tiêu vào năm 2030, tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến đạt 7 - 8%/năm; trên 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản có quy mô lớn, hiện đại, năng lực cạnh tranh quốc tế cao… các chuyên gia cho rằng, trước tiên, cần tăng cường năng lực nghiên cứu và dự báo thị trường; đẩy mạnh tiếp thị và đa dạng hóa thị trường, tập trung các thị trường tiềm năng, trọng tâm như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản. Bên cạnh đó, cần xây dựng hình ảnh sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghệ chế biến nông sản…

Cho rằng cơ chế, chính sách đóng vai trò then chốt trong phát triển công nghiệp chế biến nông sản, theo các chuyên gia, Nhà nước cần đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển các doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô nhỏ và vừa tiêu thụ sản phẩm nông sản tại chỗ cho người nông dân; xem xét bãi bỏ các rào cản, thủ tục hành chính, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.

Ngoài ra, cần xây dựng khung pháp lý và có chính sách hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp, cho phép doanh nghiệp mua, thuê lại đất của nông dân để đầu tư vào sản xuất chuyên canh nông sản hàng hóa quy mô lớn, bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến. Mở rộng lĩnh vực được hưởng ưu đãi thuế suất thuế VAT bằng 0% cho các lĩnh vực nông sản được ưu tiên thu hút đầu tư... Ông Vũ Huy Phúc kiến nghị, việc nghiên cứu xây dựng các Quỹ Phát triển ngành hàng cũng góp phần chủ động chia sẻ rủi ro trong sản xuất kinh doanh, hạn chế tối đa sự trợ cấp của Chính phủ.

Đan Thanh