Thiếu cấu trúc hợp lý, đổi mới giáo dục sẽ thế nào?

Minh Hiếu 26/09/2012 08:35

Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo nhu cầu phát triển của xã hội bắt đầu từ đâu và như thế nào là một núi vấn đề lớn. Trước hết, chương trình giáo dục phổ thông bao nhiêu năm cũng phải luận bàn cho thấu tình đạt lý, bởi thiếu một cấu trúc hợp lý, đổi mới giáo dục sẽ tiếp tục mang tính chắp vá, khó thành công.

Trước đây, chương trình giáo dục phổ thông của miền Bắc là 10 năm, tính cả năm học vỡ lòng là 11 năm, trong đó phân chia thành 3 cấp học: cấp I (từ lớp 1 đến lớp 4), cấp II (từ lớp 5 đến lớp 7) và cấp III (từ lớp 8 đến lớp 10). Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng ta đã có cải cách giáo dục để thống nhất chương trình trên hai miền thành hệ 12 năm, không có lớp vỡ lòng mà tính luôn từ lớp 1 đến lớp 12. Lúc này, hệ thống giáo dục phổ thông được chia thành các cấp: tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5), trung học cơ sở (từ lớp 6 đến lớp 9), trung học phổ thông (lớp 10 đến lớp 12). Như vậy, kể cả hệ đào tạo thì chúng ta còn có hệ trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp với 2 năm đào tạo, cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp mất 3 năm và đại học thêm 4 - 5 năm sau khi tốt nghiệp THPT. Có thể thấy rằng, với cấu trúc hệ thống giáo dục như thế, người học muốn có bằng cao đẳng/cao đẳng nghề thường ở độ tuổi 21, còn bằng đại học phải ở độ tuổi 22 - 23.

Đa số ý kiến đều đồng tình, nên giảm thời gian học phổ thông, không nên kéo dài 12 năm như hiện nay, vì không phù hợp với hoàn cảnh của đa phần người học và điều kiện kinh tế của đất nước. Gs Hồ Ngọc Đại cho rằng, không nên kéo dài 12 năm giáo dục phổ thông và chỉ nên phân làm hai bậc tiểu học và trung học thay vì 3 bậc như hiện tại. Kết thúc tiểu học ở độ 11 - 12 tuổi là thời kỳ “hình thành nhân cách”, còn trung học là tiếp 5 năm sau đó vượt ra khỏi vòng tay gia đình theo hướng hội nhập ngày càng sâu vào xã hội bên ngoài. Cùng ý tưởng như trên, Gs, NGND Nguyễn Ngọc Lanh lại muốn giảm hệ phổ thông xuống còn 10 năm. Theo quan điểm của nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, Gs, Ts Nguyễn Minh Thuyết, nên thiết kế hệ thống này theo công thức 9 + 2, tức là đại bộ phận học sinh chỉ học 9 năm, sau đó vào trường nghề; số học sinh có đủ điều kiện sẽ học 2 năm dự bị ĐH và chỉ học các môn phục vụ chuyên ngành tương lai.

Nhìn sang các quốc gia khác, cấu trúc giáo dục và đào tạo của họ phần lớn giống nhau, gồm: nhà trẻ mẫu giáo - tiểu học - trung học - dạy nghề/cao đẳng/đại học. Như vậy, để đổi mới cơ bản, toàn diện nền giáo dục - đào tạo không chỉ bắt đầu từ đổi mới tư duy, đổi mới quản lý mà phải bắt đầu từ công việc mang tính cơ bản là xem xét và thay đổi cấu trúc chắp vá hiện nay của hệ thống giáo dục - đào tạo Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng, việc thay đổi cấu trúc này cần phải thỏa mãn, đáp ứng được những mục tiêu như phù hợp với hội nhập quốc tế, tương thích với nhiều quốc gia, bảo đảm tính chuyển đổi, sử dụng được tài nguyên học tập quốc tế và trao đổi giáo dục quốc tế; cân đối hài hòa với các mặt hoạt động của xã hội, dễ dàng liên thông trong đào tạo; đồng thời giảm thời gian vào đời mà vẫn tuân thủ với pháp luật lao động Việt Nam hiện hành. Cấu trúc phải thuận lợi, rõ ràng cho quản lý nhà nước, không bị chồng chéo... Để thỏa mãn được các mục tiêu này thì cấu trúc thay thế xem ra chỉ cần cấp tiểu học với thời gian 5 năm, cấp trung học với thời gian 4 năm, tổng cộng là 9 năm để tốt nghiệp phổ thông. Tuổi để có bằng phổ thông lúc này là 15 (trước đây là 18 tuổi). Hệ THPT sẽ được thay bằng hệ dự bị đại học, thời gian học hai năm, dành cho người có nhu cầu thi vào đại học. Hai năm dự bị này học theo định hướng chuyên môn qua các môn tự chọn để sau đó lấy kết quả xét tuyển hoặc thi tuyển vào các trường đại học, cách làm này cũng nhằm giảm bớt thời lượng học đại học sau này. Còn hệ cao đẳng thời gian học 3 năm, không phân biệt hệ cao đẳng nghề và cao đẳng “không nghề”, bỏ hệ trung cấp cũng như THPT. Hệ đại học, thời gian học 3 - 4 năm vì đã có kiến thức trong 2 năm học dự bị đại học thay cho 4 - 5 năm hiện nay. Với sinh viên có bằng cao đẳng có thể liên thông học cao đẳng bậc cao và học tiếp 2 năm nữa để lấy bằng đại học. Như vậy, người học thẳng tốt nghiệp đại học có tuổi đời trẻ hơn..

Cấu trúc này có thể đáp ứng các mục tiêu cơ bản đã đề ra và là bước đầu tiên cần làm cho công cuộc đổi mới giáo dục một cách toàn diện.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thiếu cấu trúc hợp lý, đổi mới giáo dục sẽ thế nào?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO