Thiếu cả cơ sở vật chất và giáo viên
Tuy Bộ GD-ĐT quyết định năm học 2010 - 2011 không thực hiện dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học cho 20% học sinh mà chỉ thực hiện dạy thí điểm ở một số trường để rút kinh nghiệm, nhưng không phải trường nào cũng đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất và giáo viên.

Chương trình dạy thí điểm tiếng Anh từ lớp 3 nằm trong đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, với hy vọng sau 10 năm sẽ cho ra lò những học sinh không còn “ngô ngọng” ngoại ngữ. Theo Viện Khoa học giáo dục, chương trình dạy tiếng Anh cho tiểu học được dạy 4 tiết/tuần, tương đương tổng số tiết dạy mỗi năm là 140 tiết. Từ 4 chủ điểm được đưa vào giảng dạy cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 sẽ được triển khai thành các chủ đề, các hoạt động và năng lực giao tiếp. Sau khi học xong chương trình tiểu học, học sinh sẽ đạt đến trình độ A1 của chương trình tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ (CEF).
Thiếu cơ sở vật chất
Tuy nhiên, không phải trường nào cũng đáp ứng được yêu cầu mà Bộ GD-ĐT đề ra. Năm học 2010-2011 là năm thứ hai trường Tiểu học Lê Thanh A (Mỹ Đức, Hà Nội) dạy tiếng Anh cho học sinh (HS) từ lớp 3 đến lớp 5. Trường vừa đầu tư hơn 5 tỷ đồng để trang bị cho việc dạy học và tiếp nhận 12 phòng mới nhưng chưa trang bị được phòng tiếng Anh. Hiệu trưởng Hoàng Văn Hanh cho biết, theo triển khai của Bộ, mỗi tuần học sinh được học 4 tiết tiếng Anh nhưng trường chỉ đáp ứng được 2 tiết/tuần. Trường Bắc Phú (Sóc Sơn, Hà Nội) đang thực hiện chương trình dạy tiếng Anh cho lớp 3 đến lớp 5 nhưng cơ sở vật chất chưa được đầu tư, trong khi chỉ có 2 giáo viên nên học sinh chỉ được học 2 tiết/tuần.
Trong khi điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên chưa được chuẩn bị đầy đủ, tiêu chuẩn của chương trình tiếng Anh tiểu học do Viện Khoa học giáo dục đưa ra khá cao. Nhiều địa phương cho rằng khó đáp ứng được yêu cầu 30-35 học sinh một lớp, đặc biệt là đối với các trường ở thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Chương trình yêu cầu trình độ giáo viên tối thiểu là CĐ hoặc ĐH sư phạm tiếng Anh và chuẩn hóa giáo viên tiếng Anh tiểu học, nhưng mức lương hiện nay chỉ 200.000-500.000 đồng/tháng, làm sao giữ chân được giáo viên?
Mượn giáo viên bậc THCS
Thiếu giáo viên tiếng Anh ở tiểu học là vấn đề mà nhiều địa phương đang phải đối mặt. Theo Sở GD-ĐT Cần Thơ, để có thể thực hiện việc dạy ngoại ngữ, Cần Thơ còn thiếu 50 giáo viên. Hiện tại, việc dạy ngoại ngữ mới chỉ được tiến hành ở những trường dạy 2 buổi/ngày (khoảng 50% số học sinh tiểu học của TP). Những trường này phải sử dụng giáo viên tiếng Anh ở bậc THCS để lấp chỗ trống vì chưa có giáo viên tiếng Anh tiểu học được đào tạo bài bản.
Sử dụng giáo viên ngoại ngữ THCS trống tiết dạy ở bậc tiểu học cũng là giải pháp tình thế mà Cà Mau thực hiện. Phó trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Cà Mau Vương Hồng Hào phân tích: trong số 262 trường tiểu học mới có 44 trường với 405 lớp từ 3 đến 5 đang dạy tiếng Anh. Dạy ngoại ngữ cho học sinh tiểu học đang là vấn đề rất bức xúc với Cà Mau vì dù muốn nhưng “lực bất tòng tâm”. Ngay ở TP Cà Mau cũng chỉ có 10/32 trường tiểu học tổ chức dạy tiếng Anh. Một số trường đã dạy môn học này vài năm nay thì tổ ngoại ngữ cũng chỉ có 4-5 giáo viên (trường tiểu học Nguyễn Tạo, Hùng Vương...). Như vậy, để có thể dạy phủ kín ngoại ngữ trong tất cả các trường chắc... còn lâu. Vì các môn học khác có thể dạy thay hoặc sử dụng giáo viên kiêm nhiệm nhưng ngoại ngữ và tin học thì không thể áp dụng cách làm này.