Thiết lập kênh kết nối chính thức với các quốc gia xuất khẩu gỗ rủi ro cho Việt Nam

- Thứ Ba, 20/04/2021, 17:18 - Chia sẻ
Đó là một trong những đề xuất được đưa ra tại Hội thảo Kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu nhiệt đới do Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam tổ chức chiều ngày 20.4, tại Hà Nội.
toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Việt Nam đã trở thành công xưởng sản xuất đồ gỗ trên thế giới, xếp thứ 2 ở châu Á và thứ 5 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu đang trên đà mở rộng, đặc biệt tại Mỹ- thị trường cung cấp trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ cho Việt Nam năm 2020. Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu hết 2021 kim ngạch xuất khẩu đạt 15 tỷ USD và 20 tỷ năm 2025.

Trong năm 2020, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam giảm so với năm 2019. Cụ thể, lượng gỗ tròn nhập khẩu năm 2020 khoảng 2,02 triệu m3, tương đương 563,07 triệu USD, chiếm 22% trong tổng giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. So với năm 2020, cả lượng và giá trị gỗ tròn nhập khẩu đã giảm 13%. Đối với gỗ xẻ, Việt Nam nhập 2,54 triệu m3 năm 2020, chiếm 33% tổng giá trị nhập (giảm 9% về lượng và 1% về giá trị so với năm 2019).

Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam ĐỖ Xuân Lập phát biểu tại hội thảo
Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho biết, gỗ nhiệt đới, hay còn gọi là rừng tự nhiên, có nguồn gốc nhập khẩu hiện trở thành một hợp phần quan trọng của ngành gỗ. Trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 2-2,5 triệu m3 gỗ tròn và xẻ quy trong là gỗ nhiệt đới. Lượng nhập từ nguồn này chiếm khoảng 40-50% trong tổng lượng gỗ nhập vào Việt Nam từ tất cả các nguồn. Nguồn cung và các loài gỗ đa dạng với trên dưới 100 quốc gia và cùng lãnh thổ và gần 200 loài được nhập khẩu mỗi năm. Và một thực trạng hiện nay là 100% gỗ nội địa của chúng ta là hợp pháp, trong đó có khoảng 90% lượng gỗ xuất khẩu vào các nước G7.

Đây được đánh giá là một thuận lợi cơ bản để triển khai Nghị định 102/NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu, để bảo đảm nguồn gỗ hợp pháp cần ưu tiên khai thác nguồn gỗ nội địa, tiến tới thúc đẩy 100% nguồn sản xuất gỗ ở nước ta đều có chứng chỉ bền vững; đồng thời việc thiết lập kênh kết nối chính thức với các quốc gia xuất khẩu gỗ rủi ro cho Việt Nam cũng cần sớm được triển khai thực hiện.

Hải Thanh