Dự thảo Luật cho rằng, giá bán buôn thuốc dự kiến là giá bán buôn tối đa do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc xác định trước khi bán lô thuốc đầu tiên ra thị trường, các cơ sở bán buôn thuốc không được bán cao hơn mức giá này. Như vậy, chúng ta vẫn quy định cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất thuốc xác định một giá bán buôn nhưng các cơ sở khác thì không được bán cao hơn giá này. Đây là vấn đề thị trường rất quan tâm. Xuyên suốt các khái niệm trong dự thảo Luật là giá bán buôn thuốc dự kiến và công bố giá bán buôn thuốc dự kiến. Ban soạn thảo rất mong muốn đưa ra những nội dung này để có những biện pháp quản lý về giá thuốc. Tuy nhiên, nếu chúng ta quy định các cơ sở bán buôn khác không được bán cao hơn giá bán buôn dự kiến này thì sẽ là một điều rất hạn chế thị trường.
Chúng ta cũng cần đánh giá tác động của thị trường thuốc vô cùng phức tạp. Tôi nêu một ví dụ trong dự thảo Luật đưa ra một nội dung rất mới, đó là chuỗi nhà thuốc. Các cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc hoàn toàn có thể là cơ sở nhập khẩu thuốc, nếu là cơ sở nhập khẩu thuốc thì sẽ xác định mức giá bán buôn nhưng lúc đó các cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc sẽ xác định một mức giá bán buôn tối đa rất thấp, có thể không có lợi nhuận dẫn đến các cơ sở bán buôn khác không được bán buôn cao hơn giá này, tổ chức chuỗi nhà thuốc lại mang vào bán lẻ tại chuỗi nhà thuốc của mình.
Chúng ta chưa có quy định về giá bán lẻ. Chúng ta thực hiện nghiêm kê khai giá bán lẻ mà không có quy định về giá thặng dư với giá bán lẻ. Như vậy, sẽ gây ra việc thị trường thuốc có những tình trạng độc quyền hoặc rất khó khăn cho những nhà thuốc không phải là cơ sở của tổ chức chuỗi nhà thuốc. Việc quy định giá bán buôn thuốc dự kiến, công bố giá bán buôn thuốc dự kiến cũng dẫn đến việc kê khai giá của các cơ sở bán buôn thuốc không có nhiều ý nghĩa nữa bởi vì chúng ta quy định rằng kê khai giá không được cao hơn giá bán buôn đã công bố. Nội dung này, tôi cho rằng, phần tổ chức thực hiện sẽ khó khăn.
Theo Điều 107, việc kê khai giá bán theo giá bán buôn, bán lẻ thuốc được quy định theo pháp luật về giá đối với danh mục thuốc thiết yếu. Nội dung này tuân thủ theo Luật Giá. Tuy nhiên, tại Điều 3 Luật Giá lại quy định “trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Giá có hiệu lực thi hành nếu cần có quy định đặc thù về quản lý điều tiết giá khác với quy định tại Luật Giá thì xác định nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Giá và thực hiện theo quy định của luật khác”. Tức là, nếu Luật Dược ban hành sau Luật Giá mà có những quy định đặc thù về quản lý giá thuốc thì hoàn toàn có thể tuân thủ theo quy định của Luật Dược. Chính vì vậy, Ban soạn thảo có thể thiết kế riêng những điều về quản lý giá để đáp ứng nhu cầu quản lý một mặt hàng hết sức đặc biệt, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân.
Việc quy định cơ sở bán lẻ cũng phải thực hiện kê khai giá theo quy định tại Điều 107 (sửa đổi) cũng cần nghiên cứu, xem xét kỹ. Dự thảo Luật quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc do cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn kê khai, kê khai lại theo quy định tại Luật Giá và cập nhật thông tin, dữ liệu về giá thuốc kê khai vào cơ sở dữ liệu về kê khai giá của Bộ Y tế và vào cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo quy định của Chính phủ”.
Nội dung trên tôi cho là rất đúng để thực hiện việc kê khai giá. Tuy nhiên, nếu giao cho chính quyền địa phương các cấp thực hiện việc kê khai giá thuốc và vừa kê khai giá, vừa cập nhật vào hệ thống cũng là một quy định gây quá tải cho hệ thống chính quyền; đồng thời với góc độ chuyên môn thì các cấp chính quyền cũng rất khó để tiếp cận việc thực hiện kê khai giá, nếu đưa ra các biện pháp quản lý giá thuốc không thể chỉ có mỗi kê khai mà phải thực hiện rà soát để quản lý giá thuốc.
Nội dung này tôi cho rằng rất quan trọng để đưa ra phương thức quản lý giá thuốc. Hiện nay kê khai giá là một trong những căn cứ để xây dựng giá gói thầu trong tổ chức đấu thầu, vì vậy cần thay đổi cách tiếp cận để bảo đảm sự an toàn cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các bác sĩ khi thực hiện đấu thầu. Theo quy định tại Luật Dược năm 2016 và Nghị định 88/2023 thì Bộ Y tế tổ chức tiếp nhận, rà soát giá thuốc kê khai, tuy nhiên hiện nay, Bộ Y tế chỉ tổ chức thực hiện công bố giá bán buôn thuốc dự kiến, không thực hiện việc rà soát giá kê khai, làm giảm chức năng quản lý nhà nước về thuốc, trong khi việc thực hiện công bố lại làm phát sinh rất nhiều thủ tục hành chính. Trong khi đó, chúng ta quy định kê khai được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thuốc theo quy định của Chính phủ.