Thiết kế - một giải pháp cho văn hóa, xã hội

Lê Thủy 18/07/2011 07:30

Ngày nay, thiết kế không đơn thuần là khâu làm đẹp sản phẩm, thay đổi giá trị sản phẩm, mà còn là giải pháp cho các vấn đề văn hóa, xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì thế, nhiều quốc gia đã có chính sách phát triển ngành thiết kế, trong khi ở Việt Nam chưa được đánh giá đúng mức.

>> Văn hóa truyền thống tạo ra sự khác biệt trong thiết kế hiện đại

>> Hợp tác thiết kế Việt Nam và Hàn Quốc

Giải pháp cho các vấn đề văn hóa, xã hội

Theo Trưởng đại diện Văn phòng Giáo dục UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương Kim Gwang-jo, công nghiệp sáng tạo gồm nhiều ngành: công nghiệp xuất bản và đồ họa, âm nhạc cổ truyền và ghi đĩa, thời trang, kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn..., trong đó thiết kế là ngành quan trọng. Đây là lĩnh vực thuộc kinh nghiệm, kỹ năng và tri thức, có liên quan đến khả năng của con người trong việc phù hợp với môi trường sống và thỏa mãn những nhu cầu về vật chất và tinh thần.

Thiêt kế nội thất công viên chủ đề Dalki, Hàn Quốc
Thiêt kế nội thất công viên chủ đề Dalki, Hàn Quốc

Nằm trên đường cắt giữa nghệ thuật, kinh doanh và công nghệ, thiết kế không đơn thuần là khâu làm đẹp cho sản phẩm mà còn nâng cao giá trị của sản phẩm và dịch vụ, với các tính năng thân thiện với môi trường, tính bền vững. Không chỉ vậy, thiết kế còn làm tăng chỉ số hạnh phúc của một vùng, đô thị và quốc gia. Đặc biệt, khi đất nước càng phát triển thì vai trò của thiết kế được thể hiện rộng rãi, là giải pháp cho các vấn đề văn hóa, xã hội, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân. Như ở Anh có dự án thiết kế khuôn viên công cộng Xây dựng trường học vì tương lai, trong 15 năm, dự án đã cải tổ và thiết kế lại 3.500 ngôi trường, tạo ra môi trường học tập sáng tạo, cải thiện kết quả học tập của học sinh, nâng cao tính sáng tạo của giáo viên. Hay ở Hàn Quốc, nhờ quan tâm đến thiết kế đô thị, những nơi công cộng tại Seoul cũng như hầu khắp các thành phố khác, có sự hiện diện của tác phẩm điêu khắc của các nghệ sỹ uy tín trong và ngoài nước; dòng kênh Cheonggye ở Seoul vốn bị ô nhiễm nặng nề, đã được cải tạo, trở thành địa điểm hấp dẫn người dân và du khách với dòng nước trong vắt, hai bên bờ kênh rực rỡ đèn màu...

Bởi những lợi ích về kinh tế, văn hóa, xã hội, các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Anh, Mỹ, Nhật Bản... đã sớm chú trọng phát triển thiết kế. Nhu cầu về thiết kế được mở rộng, đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng nhiều, khiến thiết kế, từ chỗ là trung tâm của ngành chế tạo cơ bản, dần trở thành một ngành công nghiệp dịch vụ. Và ngành công nghiệp này được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển trên toàn thế giới.

Đầu tư cho thiết kế mang lại giá trị lớn

Các chuyên gia cho rằng, trong các yếu tố của chiến lược cạnh tranh sản phẩm, Việt Nam nên đầu tư vào thiết kế để đem lại giá trị lớn nhất. Hơn nữa, thúc đẩy ngành thiết kế, Việt Nam có thể bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Loại hình thiết kế được ứng dụng trong đời sống kinh tế - xã hội ở Việt Nam gồm: nghệ thuật trang trí (trang trí sân khấu, điện ảnh, kiến trúc...); nghệ thuật ứng dụng (đồ gốm, thủy tinh, đồ mỹ nghệ kim loại, đồ chơi trẻ em); thiết kế trong tạo dáng công nghiệp, nghệ thuật công cộng đã xuất hiện, nhưng còn khá mới mẻ. Nhìn chung, lĩnh vực thiết kế ở Việt Nam mang tính tự phát, đơn lẻ theo từng công việc, thiếu sự liên kết các khâu thiết kế - sản xuất, thiếu tính hệ thống. Vai trò của thiết kế chưa được đánh giá đúng mức.

Dù vậy, cùng với sự phát triển bước đầu của ngành thiết kế, nhân lực của ngành đã có sự gia tăng đáng kể. Ông Hồ Trọng Minh, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, phân tích: khi đất nước thống nhất năm 1975, cả nước chỉ có vài cơ sở đào tạo bậc cao đẳng và đại học về ngành thiết kế mỹ thuật. Đến nay, số lượng cơ sở đào tạo đã tăng gấp nhiều lần, cả trong lĩnh vực công lập và dân lập, cả trình độ đại học, cao đẳng và trung tâm đào tạo nghề. Hiện Việt Nam có tới hàng vạn cán bộ ngành thiết kế. Mỗi năm có khoảng 1.500 người tốt nghiệp các khóa đào tạo bổ sung vào lực lượng này. Dù vậy, đội ngũ nhân lực còn nặng về tư duy kế hoạch hóa, làm theo cái có sẵn mà chưa chủ động sáng tạo cái mới; khả năng ứng dụng các thành quả của thiết kế công nghiệp vào sản xuất còn hạn chế; chưa chú trọng đầu tư vào nghiên cứu thiết kế. Điều này đẩy đội ngũ thiết kế vào chỗ tương đối bế tắc và dẫn tới tình trạng vừa thừa về nhân lực thiết kế, vừa thiếu chuyên gia thiết kế chuyên nghiệp.

Để phát triển lĩnh vực thiết kế, Chính phủ cần có những chính sách và sự đầu tư thích đáng. Tại Hàn Quốc, chính sách thiết kế đã đạt được thành công ở mức độ nào đó là nhờ sự xúc tiến có đầy đủ cơ sở pháp lý và ý chí mạnh mẽ của chính phủ: xây dựng luật pháp cho công cuộc phát triển ngành công nghiệp thiết kế, thiết lập Viện Xúc tiến Thiết kế Hàn Quốc (KIDP)... Đến nay, quốc gia này đứng trong top 10 cường quốc về thiết kế. Trưởng phòng Phát triển Chính sách, Viện Xúc tiến Thiết kế Hàn Quốc Cho Doohuyn góp ý: “Việt Nam nên có một cơ quan chuyên ngành để thúc đẩy việc nghiên cứu, lập chính sách. Hơn nữa, việc nghiên cứu tình trạng hiện tại để xây dựng và thực hiện chính sách là quan trọng nhất. Cần phải có thống kê chính xác phản ánh được thực tại và sự biến đổi của ngành công nghiệp thiết kế Việt Nam”.

Chất lượng thiết kế phụ thuộc vào nhà thiết kế. Do vậy, chính sách đào tạo nhà thiết kế ưu tú cần phải được ưu tiên như: nâng cao nội dung chương trình giảng dạy, hỗ trợ ngân sách cho các trường đại học thiết kế nhằm đào tạo nên những nhà thiết kế có năng lực sáng tạo, được trang bị đầy đủ kiến thức trong nhiều lĩnh vực. Thông qua hợp tác với các nước tiên tiến, tăng đội ngũ các nhà thiết kế đạt đẳng cấp thế giới trong thời gian ngắn là phương pháp tốt nhất để Việt Nam trở thành quốc gia có ngành thiết kế phát triển.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thiết kế - một giải pháp cho văn hóa, xã hội
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO