Thiết kế chính sách thuế theo hướng đồng hành với doanh nghiệp
Thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, các đại biểu Quốc hội đề xuất, chính sách thuế cần được thiết kế theo hướng đồng hành với doanh nghiệp trong giai đoạn hình thành và tích lũy ban đầu.
“Luồng gió cho cánh diều kinh tế tư nhân cất cánh và bay xa”
Theo ghi nhận của các đại biểu Quốc hội, Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành đã có sức lan tỏa rất lớn trong xã hội và cộng đồng doanh nhân, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong việc tạo lập môi trường thuận lợi, bình đẳng và minh bạch cho kinh tế tư nhân phát triển. Với việc khẩn trương thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW ngay trong dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, đây là một động thái rất kịp thời, thiết thực của Quốc hội.
ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nhấn mạnh, Nghị quyết số 68-NQ/TW không chỉ là bước đột phá, đổi mới tích cực và tiến bộ mà còn tạo động lực, thúc đẩy, khơi thông nguồn lực nội sinh đầy tiềm năng để phát triển kinh tế, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Cùng với việc Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân sẽ là một luồng gió cho cánh diều kinh tế tư nhân Việt Nam cất cánh và bay xa.

Qua rà soát các quy định của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị, các chính sách trong dự thảo Nghị quyết phải thực sự đủ mạnh.
Cụ thể, doanh nghiệp cần hỗ trợ về chính sách thương mại và hội nhập quốc tế. Hiện nay, các doanh nghiệp đang rất khó khăn, nhất là trong việc đưa sản phẩm cạnh tranh với thị trường quốc tế, từ quảng bá và hỗ trợ về mặt tư pháp. Nếu xảy ra tranh chấp thương mại, doanh nghiệp nước ta thường bị thua thiệt, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đại biểu lưu ý, “doanh nghiệp cần sự ổn định của chính sách, doanh nghiệp mới khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về tài chính, nếu chính sách cứ thay đổi thì rất khó. Đồng thời phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, mục tiêu của Nghị quyết số 68-NQ/TW là đến năm 2030 phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế. Tuy nhiên, bình quân mỗi năm, chúng ta chỉ tăng khoảng 30.000 - 40.000 doanh nghiệp, vậy làm sao trong 5 năm có thể tăng lên 2 triệu doanh nghiệp?
Đại biểu đề nghị cần có chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể chuyển sang loại hình doanh nghiệp. Đồng thời mở rộng thêm các doanh nghiệp có quy mô lớn.

Nêu một vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm, đó là phân định rõ trách nhiệm pháp nhân với trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự với trách nhiệm hành chính, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, Chính phủ nên rà soát lại các luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, các Nghị định của Chính phủ và thông tư của các bộ, ngành có liên quan để giải quyết cho thấu tình, đạt lý.
Về chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh, đại biểu đề nghị bổ sung quy định những địa phương có tiềm năng, thế mạnh về đất đai thì nên tạo cơ chế thành lập khu công nghiệp để doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê với chính sách hỗ trợ.

“Chúng ta muốn độc lập tự chủ về kinh tế thì khu vực tư nhân phải lớn mạnh, nên cần có điều, khoản khuyến khích các địa phương tạo đất sạch cho khu vực kinh tế tư nhân”, đại biểu nhấn mạnh.
Về hỗ trợ lãi suất, đại biểu đề nghị phải hết sức rõ ràng vì vừa qua đã có nhiều chính sách nhưng không làm được, lần này phải quy định nguồn hỗ trợ ở đâu để các ngân hàng thương mại có thể giải ngân và cho vay được.
Miễn thuế đúng thời điểm doanh nghiệp có khả năng đóng thuế
ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng, so với các chính sách khuyến khích khác như ưu đãi tín dụng, tiếp cận đất đai, đào tạo nhân lực, cải cách thủ tục hành chính thì miễn, giảm thuế có tác động nhanh, không phải qua nhiều thủ tục, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Tuy nhiên, để chính sách miễn, giảm thuế có hiệu quả khi triển khai thực hiện, đại biểu đề nghị nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm, sau đó tiếp tục giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo, thay vì miễn thuế 2 năm và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo như khoản 1, Điều 10, dự thảo Nghị quyết.

Đại biểu phân tích, đặc thù của nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần kinh phí đầu tư lớn, thời gian đầu tư kéo dài để nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh, xây dựng công nghệ, tuyển dụng và giữ chân đội ngũ nhân sự chất lượng cao, đồng thời liên tục phải điều chỉnh để thích nghi với biến động của thị trường. Trong suốt quá trình bươn chải để sống sót đó, họ phải chấp nhận nguy cơ thua lỗ, thậm chí có thể không có lãi trong 5 - 7 năm đầu.
Việc chỉ miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo như dự thảo Nghị quyết là quá ngắn so với chu kỳ phát triển thực tế của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; chưa đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp, đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh. Vì vậy, theo đại biểu chính sách thuế cần được thiết kế theo hướng đồng hành với doanh nghiệp trong giai đoạn hình thành và tích lũy ban đầu.
“Kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sẽ tạo dư địa tài chính quan trọng, giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực cho đổi mới sáng tạo. Đây cũng là giải pháp thiết thực để Nhà nước thể hiện vai trò kiến tạo, nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp, lực lượng tiên phong góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững”, đại biểu Trần Thị Vân nhấn mạnh.
Đại biểu cũng đề xuất, cần xem xét miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm kể từ khi doanh nghiệp phát sinh lợi nhuận thay vì kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu tại khoản 4, Điều 10, dự thảo Nghị quyết.
Đại biểu Trần Thị Vân cho biết, doanh nghiệp thường không có lợi nhuận ngay sau khi mới thành lập. Giai đoạn đầu là thời kỳ tập trung đầu tư xây dựng, tuyển dụng, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm. Nếu chúng ta miễn thuế ngay từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đồng nghĩa với việc khi doanh nghiệp có lãi thì thời gian miễn thuế đã hết - chính sách miễn thuế trở nên hình thức và không có hiệu quả. Vì vậy, chúng ta cần miễn thuế đúng thời điểm doanh nghiệp có khả năng đóng thuế, đó là khi họ có lợi nhuận.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, đối với các chính sách hỗ trợ được phân cấp, phân quyền cho địa phương như: đầu tư hạ tầng, hỗ trợ tiền thuê đất, thuê nhà, tài sản, dự thảo Nghị quyết đã giao địa phương căn cứ tình hình thực tế và khả năng cân đối nguồn lực để quyết định các định mức, tiêu chí hỗ trợ, bảo đảm minh bạch, khả thi, hiệu quả và gắn với trách nhiệm giải trình.
“Các chính sách ưu đãi thuế, phí sẽ được thiết kế trên cơ sở nuôi dưỡng nguồn thu, có thể làm giảm thu ngân sách trong thời gian ngắn hạn nhưng về dài hạn sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, qua đó đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.