Đầu tư đồng bộ, hiện đại từ tỉnh đến cơ sở
Những năm qua, Quảng Ninh luôn kiên trì kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Các công trình phúc lợi xã hội được tỉnh quan tâm và đầu tư mạnh, trong đó có hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư đồng bộ, hiện đại, góp phần rút ngắn khoảng cách thụ hưởng đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Để có được những kết quả trên là nhờ chỉ đạo cụ thể, thiết thực, đúng đắn, thông qua ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch quan trọng để triển khai xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cũng như xây dựng các cơ sở vật chất để nâng cao đời sống cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, năm 2023, kế thừa và phát huy Nghị quyết 11-NQ/TU, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xây dựng và ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Trong đó đưa ra nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đầu tư và khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và không gian công cộng phục vụ phát triển văn hóa chất lượng cao, hướng đến đẳng cấp quốc tế.
Từ chủ trương đến cách làm đúng đắn và phù hợp, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong tỉnh dần được hoàn thiện về số lượng cũng như chất lượng hoạt động. Cụ thể, tỉnh có bảo tàng, thư viện tỉnh, Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm, Khu liên hợp thể thao, Cung Văn hóa thanh thiếu nhi, Cung văn hóa lao động Việt Nhật… 13/13 huyện, thị xã, thành phố có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, thư viện. Cấp xã có 71/177 nhà văn hóa; 1.449/1.452 thôn khu có nhà văn hóa thôn/khu. Đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện; mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, thông tin - truyền thông chất lượng cao và bảo đảm chất lượng…
Cùng với hệ thống thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách, Quảng Ninh luôn xác định xã hội hóa các hoạt động văn hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với quy luật vận động và phát triển của lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Năm 2015, Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hànhNghị quyết số 208/2015/NQ-HĐND và Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2433/2015/QĐ-UBND về một số chính sách khuyến khích thúc đẩy xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian, thủ tục, hồ sơ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư.
Quảng Ninh cũng chủ động kêu gọi đầu tư, mời gọi nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước đầu tư dự án vào địa bàn. Ngoài thành công trong việc thu hút nguồn lực cho các dự án giao thông trọng điểm, tỉnh cũng thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư lớn để tập trung đầu tư hạ tầng du lịch và đô thị.
Song song với cách làm trên, tỉnh tiếp tục khuyến khích các tầng lớp Nhân dân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, đồng thời vận dụng nguồn vốn hoạt động theo phương châm“Nhà nước và Nhân dân cùng làm”nhằm động viên sức người, sức của của các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức xã hội để xây dựng và phát triển văn hóa.
Thu hút mạnh mẽ nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn
Về công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thiết chế văn hóa, thể thao, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút mạnh mẽ nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, kinh doanh các thiết chế văn hóa, thể thao quy mô lớn, với hơn 500 công trình, tổng kinh phí đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, như các sân golf cao cấp Tuần Châu, Đông Triều; khu vui chơi Sun World Hạ Long...
Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam có 165 công trình văn hóa thể thao như: sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo, sân tennis, bể bơi, nhà luyện tập bóng bàn, cầu lông, nhà sinh hoạt công nhân, nhà văn hóa, phòng truyền thống của 38 công ty với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng với cơ sở vật chất hiện đại, được đầu tư nâng cấp thường xuyên. Qua đó, đã thu hút đông đảo người dân trong đó phần lớn là trẻ em tham gia trong các dịp hè, góp phần làm phong phú thêm hệ thống thiết chế văn hóa thể thao trên địa bàn tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 điểm chiếu phim, 30 sân tennis, 167 bể bơi, 133 sân bóng đá cỏ nhân tạo... do doanh nghiệp, tư nhân đầu tư xây dựng. Đối với thiết chế văn hóa thể thao cơ sở, 6 xã thuộc huyện Bình Liêu xã hội hóa 5 tỷ đồng/công trình; trung tâm văn hóa phường Xuân Sơn, thị xã Đông Triều xã hội hóa hơn 100 tỷ đồng để đầu tư xây dựng; các nhà văn hóa thôn, khu trên địa bàn tỉnh cũng đã huy động nguồn lực từ nhân dân và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ gần 100 tỷ đồng để đầu tư xây dựng.
Đối với các công trình thiết chế văn hóa, thể thao hiện đại, quy mô quốc gia, quốc tế được đầu tư từ ngân sách như Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh, Bảo tàng, Khu liên hợp thể thao, sân vận động Cẩm Phả đã phát huy khai thác hiệu quả hoạt động. Các sự kiện văn hóa thể thao lớn như Chương trình Gala xiếc 3 miền, Liên hoan xiếc quốc tế, festival âm nhạc, festival áo dài, đăng cai SEA Games 24, Đại hội thể thao toàn quốc và trung bình tổ chức hơn 30 giải thể thao cấp tỉnh/năm.
Hầu hết các công trình văn hóa thể thao ngoài phục vụ nhiệm vụ chính trị đã trở thành điểm tham quan du lịch của du khách, qua hàng năm đều tăng số lượng khách đến thăm quan vãn cảnh, chất lượng dịch vụ của các cơ quan được giao quản lý ngày càng nâng lên và được đánh giá cao, trong đó tiêu biểu: công trình bảo tàng, thư viện tỉnh đang là điểm đến, ngày càng thu hút đông đảo Nhân dân và du khách đến với Quảng Ninh.
Đối với các hoạt động tại thiết chế văn hóa cấp xã và cấp thôn chủ yếu là huy động xã hội hóa do Nhân dân đóng góp từ các đội, nhóm, câu lạc bộ yêu thích để tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ thường xuyên.
“Có thể khẳng định công tác xã hội hóa trong xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở tỉnh Quảng Ninh đã tạo bước đột phá mới cho sự nghiệp phát triển văn hóa của tỉnh, làm thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống tinh thần của các tầng lớp Nhân dân”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh, thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
(1) Tiếp tục phát huy và khai thác hiệu quả hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao hiện có trên địa bàn tỉnh.
(2) Nghiên cứu, xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở tỉnh.
(3) Tiếp tục kêu gọi đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và ngoài nước cho các công trình văn hóa thể thao, đặc biệt là Nhà hát tỉnh và Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Ninh.
(4) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thiết chế văn hóa; đổi mới cơ chế, nâng cao công tác quản lý nhà nước về văn hóa; tăng cường phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong triển khai, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa.