Thiết bị y tế chưa đáp ứng được nhu cầu

DUYÊN ANH 15/09/2008 00:00

Mỗi năm, người dân Việt Nam tốn hàng triệu USD cho chi phí chữa bệnh ở nước ngoài. Thực tế, trình độ chuyên môn của thầy thuốc trong nước không hề thua kém các nước trong khu vực, nhưng các bệnh viện trong nước lại thua kém về trang thiết bị y tế (TTBYT). Nhằm chủ động được TTBYT trong nước, mới đây, liên Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học - Công nghệ đã cùng họp bàn về Chính sách quốc gia về trang thiết bị y tế (TTBYT) và Đề án nghiên cứu chế tạo sản xuất TTBYT.

      Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 4.10.2002 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách quốc gia về Trang thiết bị y tế giai đoạn 2002-2010 đã đề ra mục tiêu đến năm 2005 đáp ứng được 40%, đến 2010 đáp ứng 60% nhu cầu sử dụng TTBYT thiết yếu. Tuy nhiên, mốc 2010 không còn bao xa và mục tiêu này có vẻ khó thành hiện thực. Hiện hầu hết các TTBYT trong nước vẫn là nhập khẩu, sản xuất chỉ dừng lại ở các TTBYT cơ bản như giường, tủ đầu giường, kéo, bông băng... 

      Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, khó khăn đầu tiên là việc tiếp cận nguồn vốn. Dự án đã chính thức được Chính phủ phê duyệt từ 21.1.2005, nhưng đến nay chưa có chính sách ưu đãi cụ thể nào để các cơ sở sản xuất có thể tiến hành các thủ tục vay vốn xin ưu đãi, xin thuê đất mở rộng cơ sở sản xuất. Hơn nữa, thuế nhập phụ tùng, linh kiện điện tử, cơ khí phục vụ cho quá trình lắp ráp, sản xuất và sửa chữa, bảo dưỡng TTBYT cũng đều chưa được hưởng chế độ ưu đãi... 

      Hiện Bộ Công Thương có 2 đơn vị chủ lực sản xuất TTBYT là Tổng công ty Điện tử - Tin học (VEIC) và Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI). VEIC đang cung cấp 16 loại TTBYT, chủ yếu là các sản phẩm lò hấp tiệt trùng; Viện IMI cũng đang triển khai đề tài Sản xuất máy Xquang cao tần-dự án được Bộ Khoa học - Công nghệ ủng hộ-dự tính đến năm 2012 sẽ sản xuất và cung cấp 60 máy/năm. Lực lượng này hoàn toàn chưa thể đáp ứng được nhu cầu TTBYT trong nước hiện nay. Trong khi đó, đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này vẫn còn khá...vắng vẻ.

      Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc sản xuất TTBYT của Bộ Công Thương chưa được như mong muốn. Thứ nhất là doanh nghiệp sản xuất chưa đáp ứng được các yêu cầu về tính năng thiết bị theo các tiêu chuẩn hồ sơ đấu thầu đưa ra. Thứ hai là khách hàng vẫn còn nặng tâm lý sính ngoại. Một nguyên nhân chủ quan nữa là khâu quảng cáo, tiếp thị của các doanh nghiệp sản xuất TTBYT trong nước chưa được tốt, dẫn đến hiệu quả chưa cao; Kiểu dáng, hình thức thiết bị chưa đẹp, chưa bắt mắt; Vấn đề bảo hành, đặc biệt là đối với các địa phương ở vùng sâu, vùng xa còn yếu... Trong khi các nhà cung cấp nước ngoài lại trội hơn hẳn các doanh nghiệp trong nước ở những điểm này.

      Theo Bộ Y tế, sắp tới, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ Khoa học-Công nghệ, Bộ Công Thương tiến hành phân loại danh mục các TTBYT trong nước có thể sản xuất được. Nhằm xác định loại nào tiến tới nội địa hóa, loại nào hoàn toàn phải nhập khẩu. Cùng với đó sẽ ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN). Việc phân loại cùng với ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về TTBYT sẽ giúp cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận được gần hơn nhu cầu thị trường, từ đó chủ động sản xuất. Bộ cũng sẽ nâng cấp và xây dựng thêm các trung tâm kiểm chuẩn TTBYT tại Hà Nội, khu vực miền Trung và TP Hồ Chí Minh, tiến tới xây dựng trung tâm kiểm chuẩn quốc gia về TTBYT. Liên Bộ cũng sẽ tổ chức các hội nghị khách hàng, giúp các nhà sản xuất tiếp cận được với các đơn vị có nhu cầu sử dụng thiết bị, góp phần khuyến khích các nhà sản xuất trong nước cùng tham gia. Bộ Y tế cũng đề xuất với Bộ Công Thương phối hợp sâu hơn nữa trong việc tập hợp các doanh nghiệp sản xuất, trình Chính phủ xem xét miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu đối với thiết bị, máy móc và những vật tư, linh kiện cần nhập khẩu mà trong nước chưa chủ động được để phục vụ nghiên cứu và sản xuất trong khuôn khổ Đề án.  

      Tuy nhiên, trên thực tế, chi phí cho mua sắm TTBYT quá lớn nên nhiều bệnh viện không thể tự trang trải được. Để giải bài toán này, nhiều ý kiến cho rằng cần xã hội hóa việc đầu tư TTBYT. Hiện một số bệnh viện lớn, như Chợ Rẫy, Bạch Mai, viện Nhi... đều đã hoạt động theo hình thức xã hội hóa khá hiệu quả.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thiết bị y tế chưa đáp ứng được nhu cầu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO