Thiêng liêng một tình yêu

Nguyễn Thị Thu Hà 29/04/2023 08:27

“Trong cuộc đời làm phim của chúng tôi đã bao lần lên đường, nhưng chưa lần nào trong lòng mọi người xốn xang rạo rực như vậy. Cả sáu người chúng tôi trên một chiếc xe đi chiến trường đều trầm tư trong một chiều sâu lắng, một điều gì đó thật thiêng liêng, âm ỉ một tình yêu đất nước con người đến kỳ lạ”.

Đạo diễn Hải Ninh và quay phim Khánh Dư ghi hình trước cổng Phủ tổng thống Chính quyền Sài Gòn ngày 30.4.1975
Đạo diễn Hải Ninh và quay phim Khánh Dư ghi hình trước cổng Phủ Tổng thống Chính quyền Sài Gòn ngày 30.4.1975

Đây là những dòng đầu tiên mà cha tôi, NSND, đạo diễn Hải Ninh viết trong bài “Chiến dịch Hồ Chí Minh - Chúng tôi làm phim Thành phố lúc rạng đông”, bài viết in trong cuốn sách Điện ảnh - những dấu ấn thời gian do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin phát hành năm 2006.

Đi như trong mơ

Cha tôi lên đường vào đầu tháng 4.1975 khi tôi chưa tròn 6 tuổi. Ký ức ngày đó chỉ là một ngày tiễn cha đi công tác, nhưng đến bây giờ tôi vẫn chưa quên hình ảnh cha đã đi khuất rất lâu mà mẹ vẫn đứng nhìn theo, đứng mãi. Hình ảnh trong trí nhớ của con gái nhỏ là một người lính trong bộ quân phục màu xanh, ba lô trên lưng, đầu đội mũ tai bèo.

Sau này, mẹ tôi kể lại, lúc đó cha chỉ báo đi công tác miền Nam, không nói là sẽ đi đâu, làm phim gì như mọi lần.       

“Ngày 22.3.1975, khi quân ta bắt đầu tấn công Huế thì Liên hoan phim Việt Nam lần thứ ba bế mạc. Các nhà điện ảnh của cả nước, cả phim tài liệu và phim truyện đã khẩn trương lên đường theo bước chân thần tốc của các cánh quân tiến về phía Nam để phối hợp với các đồng nghiệp của điện ảnh Giải phóng ghi chép và thể hiện trang sử hào hùng nhất của dân tộc: Đại thắng mùa Xuân 1975” (Trích “Lịch sử Điện ảnh Việt Nam”, quyển 1, Cục Điện ảnh xuất bản 2003).

Cha lên đường đi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử khi tiết trời đang xuân, công viên Thống Nhất mờ ảo trong mưa bụi lùi xa dần… cùng những đồng nghiệp giỏi hàng đầu lúc đó của Xưởng phim Truyện Việt Nam, Xưởng phim Thời sự Tài liệu Việt Nam.

Tôi nhớ mãi câu chuyện về con đường cha đi mìn gài dày đặc, quân địch rút tới đâu chúng gài mìn tới đó để ngăn cản bước tiến công của quân ta. Công binh của quân Giải phóng chỉ đủ sức mở một lối vừa cho xe cơ giới đi. Xe của cha nhường đường cho một xe chở đầy những người lính trẻ măng vượt lên, hầu hết trên xe là những người lính đồng hương, quê Thanh. Nhưng chỉ sau ít phút đã nghe tiếng nổ dữ dội, khi xe của cha đi qua, ông và đồng nghiệp đã không đủ can đảm dừng mắt lâu ở những thi thể lẫn trong đất. Chiếc xe chở lính đã trúng mìn địch gài lại.

Cha tôi kể rằng, mỗi người đều có ý thức về việc phải ghi lại những trang sử vẻ vang nhất của dân tộc, những hình ảnh cuối cùng kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại, nhưng cũng tính đến lúc kẻ mất người còn. Mọi người lo nhất là rủi ro có thể đến với cả hai quay phim là chú Khánh Dư và Trần Trung Nhàn. Cha tôi từng học lớp quay phim đầu tiên được mở sau hơn một năm giải phóng Thủ đô, nên ông nghĩ nếu hai chú có làm sao, ông sẽ là người cầm máy quay. Rồi chú Trần Thúy Lan - lái xe lên tiếng: “Nếu xe bị trúng đạn, tôi sẽ phụ quay cho anh Dư và anh Nhàn”. Chú Đặng Đình Hùng thu thanh trợ giúp mọi việc cho đoàn. Bác Hoàng Tích Chỉ, nhà biên kịch lo việc y tế và cấp dưỡng. Mọi người đã phân công nhiệm vụ cho nhau trong tình thương mến lạ lùng.

Và còn một ký ức sâu thẳm cha tôi chưa từng viết vào sách, đó là khi xe đến Quảng Trị, sáu người trong đoàn lần lượt nói những lời gửi về gia đình để chú Đặng Đình Hùng thu âm lại. Bởi nếu ai đó hy sinh, sẽ còn lại lời nhắn nhủ cuối cùng dành cho những người thân yêu ruột thịt.

Cha tôi kể họ đã đi như trong mơ. Bản đồ hành quân chỉ được phép ghi nhớ trong đầu. Đôi khi những ký hiệu, mũi tên chỉ đường không còn nguyên vẹn, nhưng bằng linh cảm, họ đã đi theo tiếng súng nổ ran phía trước, phán đoán hướng nào còn nhiều tiếng bom đạn nhất thì đó là Sài Gòn…

Thành phố lúc rạng đông

Ý tưởng kịch bản phim tài liệu Thành phố lúc rạng đông đã hình thành trên chặng cuối tiến về Sài Gòn. “Tâm hồn chúng tôi rạo rực với những ý đồ sáng tác và mong mỏi được thực hiện. Càng về gần Sài Gòn, sự hồi hộp trong chúng tôi càng tăng lên, nó không biểu hiện bằng mừng vui rạng rỡ, mà bằng sự xúc động nghẹn ngào” - cha tôi viết.

Đoàn làm phim đã ghi hình chặng đường chiến thắng với: “Những đoàn quân giải phóng rầm rập tiến về Sài Gòn. Những đoàn xe cơ giới lao nhanh về Sài Gòn. Khoảng cách cuối cùng của một cuộc chiến thắng vĩ đại sắp diễn ra được rút ngắn với một tốc độ khủng khiếp”.

Cha tôi và chú Khánh Dư đang ngồi trên mui xe ô tô đón đầu để quay cảnh tiến quân hào hùng của đoàn xe tăng tiến công vào thành phố, bỗng nhiên 2 người bị hất bổng lên rồi cha rơi xuống ngay sát vòng xích xe tăng. Cha và chú Khánh Dư sau khi được người dân Sài Gòn khiêng vào nhà cứu chữa thì đã tiếp tục hành quân theo đoàn. Điều kỳ diệu nhất chiếc máy quay được chú Khánh Dư ôm chặt trong lòng lúc bị lăn sát bên những vòng xích đang cuồn cuộn tiến quân, mà người, máy và phim đều an toàn.

Khoảnh khắc cha tôi và chú Khánh Dư đang tập trung toàn lực quay phim khi xe tiến vào cổng Phủ Tổng thống (nay là Dinh Thống Nhất) đúng ngày 30.4.1975 đã được một người dân Sài Gòn chụp và gửi tặng. Người chụp không để lại danh tính. Rất nhiều lần cha tôi muốn tìm và cảm ơn người đã chụp mà không có cơ hội gặp lại.

Ngày 1.5.1975, cha tôi cùng chú Hồng Sến đã có bức ảnh kỷ niệm trên đài kiểm soát không lưu của Phi trường Tân Sơn Nhất, 12 năm sau bức ảnh chia tay trên cầu Thê Húc của Thủ đô Hà Nội với lời hẹn: “Sẽ gặp lại nhau giữa thành phố Sài Gòn trong ngày chiến thắng”. Cha đã ghi lại những cảm xúc tràn ngập: “Không tả sao cho hết cuộc gặp gỡ non sông quá lớn lao của những con người ra đi vì đất nước, sau bao năm chinh chiến gặp lại, xen lẫn lòng tự hào là sự xúc động đến nghẹn ngào, có cả nụ cười và nước mắt cứ ứa ra từ những cặp mắt đỏ hoe”.

Biết bao năm, cứ đến ngày 30.4, cha tôi lại kể những câu chuyện từ mùa Xuân chiến thắng đó, những kỷ niệm, hồi ức với đồng nghiệp, với bạn bè Nam Bắc gặp lại, những ngày tháng hình thành bộ phim tài liệu Thành phố lúc rạng đông. Cha kể lại từng tên người, từng hoàn cảnh ghi hình trên đường phố Sài Gòn những ngày đầu thống nhất.

Tháng 4.1975, Xưởng phim truyện Việt Nam có bốn mũi quay phim đi Chiến dịch Hồ Chí Minh trên bốn chiếc xe com-măng-ca. Trên mỗi xe là một đoàn làm phim tài liệu chiến trường với đầy đủ thành phần: biên kịch, đạo diễn, quay phim, phó quay phim, thu thanh và lái xe. Mỗi xe được giao một máy quay phim và mấy ngàn mét phim sống. Riêng nhóm của đạo diễn Hải Ninh được giao máy quay và phim màu.

- Nhóm thứ nhất: Đạo diễn Hải Ninh, biên kịch Hoàng Tích Chỉ, quay phim Nguyễn Khánh Dư và Trần Trung Nhàn, thu thanh Đặng Đình Hùng, lái xe Trần Thúy Lan.

- Nhóm thứ hai: Đạo diễn Trần Vũ, biên kịch Bành Bảo, quay phim Phạm Ngọc Lan và Trần Xuân Thủy, thu thanh Mai Thế Hồng, lái xe Hoàng Văn Việt.

- Nhóm thứ ba: Đạo diễn Bùi Đình Hạc, biên kịch Trần Kim Thành, quay phim Lưu Xuân Thư và Lưu Xuân Tú, thu thanh Đào Văn Biên, lái xe Nguyễn Văn Sắc.

- Nhóm thứ tư: Đạo diễn Đặng Nhật Minh, biên kịch Tô Thi, quay phim Dương Đình Bá và Thẩm Võ Hoàng, lái xe Đào Xuân Lăng.

Họ đã cùng nhau làm nên những bộ phim tài liệu mang tính lịch sử của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam ngay trong mùa Xuân hào hùng đó: Thành phố lúc rạng đông, Tháng Năm những gương mặt, Qua cầu Công Lý, Sài Gòn tháng 5.1975.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thiêng liêng một tình yêu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO