Sáng 29.11, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng chống thiên tai vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.
Khu vực ĐBSCL là phần cuối của lưu vực sông Mê Công, với tổng diện tích 39.400km2, chiếm khoảng 12% diện tích cả nước. Dân số toàn vùng khoảng 18 triệu người, trong đó 75% người dân hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Thống kê của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, có 8 loại hình thiên tai thường xảy ra ở ĐBSCL là: hạn hán, xâm nhập mặn; lũ, ngập úng; sạt lở bờ sông, bờ biển; mưa lớn; nắng nóng; bão, áp thấp nhiệt đới; giông lốc, sét; cháy rừng do tự nhiên.
Các loại hình thiên tai này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, đặc biệt là những cộng đồng nông thôn vốn phụ thuộc lớn vào nông nghiệp.
Điển hình, mùa khô năm 2023 – 2024, hạn hán và xâm nhập mặn đã khiến 1.189ha lúa giảm năng suất, 43ha lúa (ngoài kế hoạch) tại tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng; khoảng 73.900 hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, ĐBSCL có 2.059 điểm sụt lún (tương đương 51km chiều dài đê, đường giao thông nông thôn); 686 vị trí sạt lở bờ sông (chiều dài 591,3km) và 57 vị trí sạt lở bờ biển (chiều dài 203,2km).
Với mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua, thông qua các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phòng chống thiên tai (PCTT) cho vùng ĐBSCL như: Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược Quốc gia về PCTT giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050; Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030… từ đó tạo ra giải pháp hiệu quả để thiên tai không còn là nỗi ám ảnh.
Ban tổ chức Diễn đàn nhấn mạnh, mục đích của diễn đàn là hướng đến xây dựng một mạng lưới mạnh mẽ, sẵn sàng kết nối, ứng phó với những thách thức do thiên tai; Nâng cao nhận thức về diễn biến phức tạp, sự nguy hiểm và hậu quả do sụt lún, sạt lở và ngập úng ở ĐBSCL; Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quản lý của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, huy động sức mạnh và nguồn lực của nhân dân tham gia vào phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng; Đưa ra giải pháp phù hợp, căn cơ để vừa bảo vệ vững chắc, vừa tạo điều kiện phát triển nhanh, bền vững vùng ĐBSCL.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Văn Cao, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, truyền thông đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và thúc đẩy các hành động cụ thể nhằm ứng phó với thiên tai tại ĐBSCL. Biến những khó khăn thành cơ hội để phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu như Nghị quyết 120 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định.
Về định hướng phòng chống thiên tai trong thời gian tới, đại diện Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết, ĐBSCL đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 50% thiệt hại về người trong các trận lũ lớn so với giai đoạn 2011-2020; hoàn chỉnh hệ thống pháp luật cơ cấu tổ chức phòng, chống thiên tai, phòng chống hạn hán cho diện tích có nguy cơ ở vùng giữa vùng ven biển 530.000ha thuộc các tiểu vùng ngọt hóa; giảm thiểu tác động xâm nhập mặn cho 600.000ha khu vực ven biển thuộc vùng dự án thủy lợi; sắp xếp lại, di dời dân cư, phấn đấu hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.