Thiên nhiên qua tác phẩm của Vũ Hùng
Trước cuộc sống bộn bề lo toan, các tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng được ví như làn nước dịu mát, giúp chúng ta cảm được thiên nhiên. Những trang viết ấy cũng góp phần xây dựng nhân cách cho trẻ, hướng các em thêm tin yêu cuộc sống.
![]() |
Thiên nhiên là chủ đề xuyên suốt các tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng. Ông chia sẻ: “Người viết chỉ có thể viết về những gì mình trải nghiệm sâu sắc. Những năm làm người lính, tôi đến nhiều vùng của đất nước, qua Trung Quốc, Lào, Campuchia, được gặp gỡ, tìm hiểu lối sống của thợ săn, quản tượng, có dịp cùng họ quan sát dấu chân muông thú, cùng ngồi trên chòi canh. Mùa săn trên núi, Sống giữa bầy voi, Bầy voi đen, Con voi xa đàn… là những chuyện tôi gặp trong hoàn cảnh đó... Thiên nhiên chứa đựng nhiều bí ẩn mà tôi muốn tìm hiểu. Qua đó, tôi muốn gửi đến bạn đọc thông điệp về tình yêu thương giữa con người, gia đình, bè bạn, yêu quê hương đất nước”.
Nhà phê bình văn học thiếu nhi Nguyễn Thị Vân Thanh nhận định: “Từng trang sách của nhà văn Vũ Hùng dẫn người đọc vào thế giới thiên nhiên đầy hấp dẫn. Văn phong của ông nhẹ nhàng, chuyển tải được lối sống gần gũi, giao hòa giữa con người và tự nhiên; giúp độc giả nhỏ tuổi hình thành trí tưởng tượng, óc sáng tạo, tư duy ngôn ngữ, cũng như giữ gìn một tâm hồn đẹp”.
Từng có thời gian làm việc, gặp gỡ nhà văn Vũ Hùng và cả những cây viết kế cận, nguyên Tổng biên tập NXB Kim Đồng Lê Thị Dắt cho biết: 30 năm trong quân ngũ, nhà văn Vũ Hùng có kho tư liệu, với hơn 40 đầu sách viết cho thiếu nhi đã được NXB Kim Đồng ấn hành. “Nếu gọi nhà văn Vũ Hùng là cây bút viết cho thiếu nhi cũng không sai, bởi trong cuộc đời mình, ông đã dành một phần tâm huyết để viết cho các em, được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích. Bao nhiêu năm đã qua, các tác phẩm của ông vẫn luôn là những trang viết đẹp, lột tả thiên nhiên huyền ảo, kỳ bí cùng sự sống đa dạng của muông thú”.
Nhiều nhà nghiên cứu nhận xét, sách của Vũ Hùng gần như lưu giữ ký ức về thiên nhiên Việt Nam. Những cuộc hành quân đã mang lại cho ông nhiều khám phá về thiên nhiên, đất nước, phong tục, tập quán các vùng miền. Hình ảnh biên giới phía Bắc hùng vĩ, với “những ngọn núi mây phủ triền miên, rừng thông vi vút”, hay vùng biên giới phía Tây trong lòng dãy núi Trường Sơn với “những cánh rừng chưa hề in dấu chân người, những ngọn núi tím biếc với những hồ nước trong vắt trên đỉnh, những đồi lau và đồi tranh vàng rực dưới nắng thu, những bầy thú mà ta dễ dàng gặp trên đường: những con tê giác cuối cùng, những bầy hươu nai, bầy voi, những con bò tót hùng tráng, lũ báo gấm uyển chuyển”, và câu chuyện của những người đi rừng lão luyện với ngôn ngữ giản dị, ít lời nhưng nhiều hình ảnh, thứ ngôn ngữ riêng chỉ có trong rừng. Theo bà Lê Thị Dắt, nếu không có óc quan sát, không yêu thiên nhiên và muông thú sẽ không thể có những trang viết sinh động đến thế. “Bao trùm các tác phẩm cùa nhà văn Vũ Hùng là tính nhân văn và lòng nhân hậu sâu sắc. Đằng sau những tình cảm đó là tình yêu Tổ quốc thiêng liêng”.
Sau một năm ký hợp đồng xuất bản trên 30 tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng, NXB Kim Đồng vừa cho ra mắt 12 cuốn: Mùa săn trên núi, Sống giữa bầy voi, Giữ lấy bầu mật, Sao sao, Chú ngựa đồng cỏ, Mái nhà xưa, Những kẻ lưu lạc, Người quản tượng và con voi chiến sĩ, Bầy voi đen, Con voi xa đàn, Con culi của tôi, Vườn chim. |