Thiên đường có thật
Họ đã rời khỏi Angola năm 1974, nhưng nay lại quay lại. Đó là những người Bồ Đào Nha trở lại vùng đất thuộc địa xưa, không phải để chiếm đóng, mà để sinh sống. Sự phát triển thần kỳ của Angola đã biến nơi đây thành một thiên đường có thật.
![]() Luanda, thủ đô của Angola Nguồn: IHT |
Khủng hoảng, thất nghiệp và suy thoái kinh tế đã khiến người Bồ Đào Nha quay trở lại thuộc địa cũ của họ nhằm tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn. Hàng chục nghìn người Bồ Đào Nha đến Angola mỗi năm. Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Bồ Đào Nha - Angola Carlos Bayan Ferreira ước tính có khoảng 100.000 người Bồ Đào Nha hiện đang sống tại Angola, nơi đang có những thay đổi lớn trong những năm qua. Cho tới nay, quốc gia nhỏ bé bên bán đảo Iberia này vẫn là nơi trú chân của những người nhập cư châu Phi. Nhưng hiện tượng người Bồ Đào Nha đến sinh sống và làm ăn tại Angola đang làm đảo ngược luồng di dân.
Tìm kiếm một công việc tốt là một việc làm gần như không thể đối với nhiều người tại Bồ Đào Nha. Dù là lĩnh vực hoạt động nào, tại Bồ Đào Nha cũng có rất nhiều ứng viên nộp hồ sơ xin việc. Bồ Đào Nha hiện có 95.000 thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 25 không có việc làm và tỷ lệ thất nghiệp thường ở mức 27%. Nhưng hy vọng được hồi sinh với hàng nghìn thanh niên khi họ tới Luanda, thủ đô của Angola. Natalia Santos, 29 tuổi, giáo viên, đến từ thành phố Porto là một trong số những người may mắn. Trong 6 năm, Santos không thể giành được hợp đồng làm việc nào quá 9 tháng và sau đó là những ngày dài thất nghiệp. Giờ thì Santos nói: “Tôi sẽ không rời bỏ. Tôi ra nước ngoài vì tôi không đợi được Bồ Đào Nha đem lại cho tôi một điều gì đó”.
Antonio Bagal, 32 tuổi, một chủ doanh nghiệp đến từ Lisbonne cách đây vài năm, thì tâm sự: “Một kỹ sư kiếm được 900 euros/tháng ở Bồ Đào Nha, nhưng có thể kiếm gấp 4 lần tại Angola”. Bagal cũng cho biết Angola hiện đang phát triển nhanh và mạnh, cần nhiều người có trình độ để xây dựng cơ sở hạ tầng, và đó là cơ hội cho nhữäng người như Bagal.
Dù nền kinh tế Angola đã bị tăng trưởng chậm lại kể từ năm 2008 do khủng hoảng kinh tế thế giới, song nước này vẫn là một trong những nước phát triển nhất của Lục địa Đen. Tăng trưởng kinh tế của quốc gia này thường vào khoảng 14% trong thập kỷ qua. Năm nay, chính phủ Angola dự kiến kinh tế đạt mức tăng trưởng 7%, đánh dấu sự trở lại nhịp độ tăng trưởng mạnh từ trước năm 2008. Giới phân tích đã từng lo ngại về sức tăng trưởng này do sự sụt giảm sản lượng dầu, song chính phủ Angola vẫn vững tin có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng do sự phát triển trong ngành phi dầu khí.
Viễn cảnh còn tốt đẹp hơn vào năm 2012 khi Angola bắt đầu hai dự án dầu khí lớn. Chính phủ dự đoán tăng trưởng kinh tế có thể lên tới 15%. Một phái đoàn của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đến Angola hồi tháng 6 vừa qua đã phải thừa nhận triển vọng tích cực về kinh tế của Angola trong năm nay, trong khi ba cơ quan đánh giá tín dụng đều ca ngợi khả năng thanh toán nợ của chính phủ Angola cũng như việc bắt đầu đẩy mạnh công tác quản lý tiền tệ. Việc trả nợ được Chính phủ Angola xúc tiến nhanh gọn đến mức các cơ quan tài chính quốc tế phải ngạc nhiên.
Cũng không thể quên rằng Angola đã vượt lên trên Nigeria vào năm 2008 để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất khu vực cận sa mạc Sahara. Thực tế dầu mỏ đã giúp Angola vượt qua cuộc nội chiến để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba ở vùng cận sa mạc Sahara của châu Phi, chỉ sau Nam Phi và Nigeria. Bất chấp sự đa dạng hóa và tăng cường đầu tư trong các ngành như nông nghiệp, dầu khí vẫn chiếm tới 90% thu nhập từ xuất khẩu của Angola. Điều đó cũng đặt ra một vấn đề là Angola đang quá phụ thuộc vào dầu mỏ và sự phân phát lợi nhuận từ nguồn vàng đen này có thể tạo ra những cuộc nội chiến.
Nhưng rốt cục công việc kinh doanh tại Angola vẫn tiếp tục phát triển. Các ngân hàng mọc lên như nấm sau mưa tại đây, trong khi các tập đoàn xây dựng có mặt ngày càng nhiều để xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, khách sạn hay những cao ốc để phục vụ sự phát triển của đất nước này. Hiện Bồ Đào Nha đứng thứ hai trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Angola. Và đây cũng chính là đối tượng góp một phần lớn giúp Angola trở thành thiên đường có thật.