Thích ứng với các biến động, thách thức

- Thứ Năm, 08/04/2021, 05:50 - Chia sẻ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I.2021, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 4,48% so với cùng kỳ. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn có những diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy vậy, để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 6,5% của cả năm, vẫn còn nhiều thách thức.

Về tổng thể, trong quý I, kinh tế - xã hội tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, năng suất lúa và sản lượng cây lâu năm đạt khá. Sản xuất lâm nghiệp phát triển, thị trường xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản được mở rộng; giá cá tra và tôm thương phẩm có xu hướng tăng. Ngành công nghiệp đạt mức tăng 6,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,1% so với cùng kỳ; hoạt động xuất, nhập khẩu hồi phục mạnh mẽ, cán cân thương mại hàng hóa quý I ước tính xuất siêu 2,03 tỷ USD; có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Điểm đáng chú ý hơn nữa là dù số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý I giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng tổng vốn đăng ký lại tăng 27,5% do số doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng tăng và số doanh nghiệp có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng giảm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cũng tăng khoảng 6,5%.

Theo nhận định, dù còn nhiều khó khăn do những ảnh hưởng, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nhưng GDP năm nay của nước ta vẫn có thể đạt mức tăng trưởng 6,5% hoặc có thể hơn bởi những động lực cơ bản. Đó là sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu có thể giúp nước ta có cơ hội tăng trưởng cao hơn vì đã trở thành trung tâm có tầm quan trọng trong hệ sinh thái công nghiệp chế biến, chế tạo toàn cầu. Điều này có thể dẫn chứng qua việc trong quý IV.2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tăng 6,3% so với cùng kỳ và chỉ riêng tháng 12 đã tăng 9,5% so với cùng kỳ... Những động lực tiếp theo là tác động từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP; từ vốn đầu tư công, vốn FDI; tiêu dùng nội địa; các hoạt động tái cấu trúc kinh tế như cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng cải cách doanh nghiệp Nhà nước... sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng.

Tuy nhiên, để những động lực này thực sự phát huy hiệu quả, vấn đề mấu chốt vẫn là khâu điều hành, tổ chức thực hiện. Điểm dễ nhận thấy là thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những quyết sách, chỉ đạo điều hành quyết liệt, kịp thời. Kết quả, nước ta đã trở thành điểm sáng không chỉ của khu vực mà còn của cả thế giới khi đạt mức tăng trưởng dương hơn 2,9% trong năm 2020.

Vậy nhưng bên cạnh đó cũng vẫn còn không ít rào cản. Ví dụ như theo kết quả điều ra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) với 10.197 doanh nghiệp về tác động của dịch Covid-19, có tới 87,2% số doanh nghiệp cho rằng bị tác động rất tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, 11% không bị ảnh hưởng và chỉ có 2% có tác động tích cực. Bởi vậy, vấn đề hiện nay là cần có giải pháp hữu hiệu để trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn vì doanh nghiệp là lực lượng sản xuất, kinh doanh chính, có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế. Tiếp đó, cần tháo gỡ những nút thắt về thể chế để các động lực, động cơ tăng trưởng phát huy tối đa hiệu quả. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vào những dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm quốc gia vì đây là một trong những trụ cột quan trọng của tăng trưởng.

Có thể thấy, việc phát triển kinh tế năm nay của nước ta dù có những thuận lợi nhất định từ bối cảnh chung của thế giới nhưng về cơ bản vẫn phải từ nội lực. Do vậy bên cạnh những giải pháp của Chính phủ, rất cần sự nỗ lực của doanh nghiệp nhằm thích ứng với các biến động, duy trì ổn định để thực hiện thành công các mục tiêu tăng trưởng.

Ninh Hà