Gợi mở kịch bản khôi phục kinh tế

Thích ứng an toàn với dịch Covid-19

- Thứ Bảy, 25/09/2021, 06:21 - Chia sẻ
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đang xây dựng Hướng dẫn Thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng quan trọng để từ đó khôi phục và phát triển kinh tế. Tuy vậy, vẫn còn nhiều điểm khiến các chuyên gia và doanh nghiệp băn khoăn.

Phục hồi kinh tế là quan trọng

Tại cuộc họp trực tuyến với các hiệp hội doanh nghiệp do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tổ chức diễn ra chiều qua, ông Vũ Lâm Chí Đức, đại diện một doanh nghiệp dẫn thực tế tại quận 7, TP. Hồ Chí Minh hiện nay, theo đó, dù quận đã thí điểm mở cửa trở lại một số hoạt động kinh tế, vậy nhưng vẫn trên tinh thần “zero Covid” nên dù chỉ có một ca mắc Covid-19 trên địa bàn phường liền bị phong tỏa, các hoạt động kinh tế vì thế cũng kẹt lại. Dẫn thực tế này, ông Đức cho rằng, sẽ thật khó hiệu quả nếu như tổ chức thí điểm mở cửa song cách làm vẫn không thay đổi so với các quận khác.

	Nên bỏ luồng xanh để tạo thuận lợi lưu thông hàng hoá trong bối cảnh dịch bệnh Nguồn: ITN
Nên bỏ luồng xanh để tạo thuận lợi lưu thông hàng hoá trong bối cảnh dịch bệnh
Nguồn: ITN

Việc dần mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế đang được nhiều địa phương triển khai. Trong bối cảnh đó, việc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đang xây dựng Hướng dẫn Thích ứng an toàn với dịch Covid-19 được đặt nhiều kỳ vọng sẽ tạo thống nhất trong tư duy, hành động, từ đó tạo nền tảng quan trọng khôi phục và thúc đẩy kinh tế.

Nhấn mạnh việc phục hồi kinh tế là rất quan trọng, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam Phan Thông cho rằng, quan trọng nhất là phải cho phép doanh nghiệp trở thành một cấp quản lý trong bài toán “thích ứng an toàn với dịch”. Tuy vậy, bản dự thảo vẫn chưa làm rõ điều này. Thêm nữa, hiện chúng ta cần xác định phải sống chung với dịch. Do đó, dự thảo đặt mục tiêu số một là giảm số ca mắc Covid-19 “không phù hợp” và “cần thay thế bằng chỉ tiêu khác”. “Chúng ta nên quan tâm đến việc rất quan trọng là phải phủ sóng vaccine”, ông nói.

Chia sẻ ý kiến trên, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) Vũ Tú Thành cho rằng, nên đặt mục tiêu số một là giảm số ca tử vong do dịch thay vì giảm số ca mắc (nên là mục tiêu cuối cùng). Bởi lẽ, ngay những nước đã bao phủ vaccine diện rộng thì số ca nhiễm mới vẫn liên tục tăng. Điểm cần chú ý nữa được ông Thành chỉ ra là không được làm phát sinh giấy phép con khi triển khai thực hiện hướng dẫn, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Muốn vậy, khi ban hành hướng dẫn, các địa phương chỉ tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp tự xây dựng phương án và tự chịu trách nhiệm, không nên để chính quyền cấp phép phê duyệt. Chính quyền cần đi kiểm tra việc thực hiện của doanh nghiệp để động viên thuyết phục, nâng cao năng lực thay vì cấm đoán. Trong trường hợp chính quyền thấy rủi ro cao, có thể dùng một bên thứ ba độc lập, uy tín để giúp doanh nghiệp xây dựng phương án, kiểm tra thực hiện và không có thẩm quyền cấp phép; đồng thời tạo sự yên tâm cho chính quyền.  

Phải bảo đảm lưu thông hàng hóa

Một trong những giải pháp quan trọng để khôi phục kinh tế, theo các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, là phải bảo đảm lưu thông hàng hóa. Theo bản dự thảo hướng dẫn Thích ứng an toàn với Covid-19, lưu thông nội tỉnh, liên tỉnh phải bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch, phải được cấp mã QR đi vào "luồng xanh"; đối với người vận chuyển hàng bằng xe máy sử dụng công nghệ được hoạt động nếu tiêm đủ 2 liều vaccine và xét nghiệm định kỳ.

Cho rằng, con người là chủ thể chính cần phải kiểm soát thay vì hàng hóa và phương tiện như trước, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải đề xuất, chúng ta không nên đặt ra vấn đề "luồng xanh". Theo đó, chỉ cần cấp phép cho người điều khiển phương tiện, người sản xuất xem có an toàn không, tức là phải có bộ tiêu chí cụ thể, tránh cách làm vừa kiểm soát con người lẫn hàng hóa dẫn đến việc phân loại hàng hóa thiếu yếu hoặc không thiết yếu gây ra những lúng túng, thiếu thống nhất trong thực hiện như thời gian qua. Đồng thời, cần ứng dụng công nghệ, có các tiêu chí tự động để từ bỏ cấp giấy đi đường, vừa phát sinh thủ tục vừa không rõ tính an toàn.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên bình luận, hướng dẫn thích ứng an toàn Covid-19 sẽ nhằm thay đổi toàn bộ cơ chế chính sách để nền kinh tế vận hành, thoát khỏi “sự trói buộc rất lớn trong giai đoạn trước”. Tuy vậy, dự thảo hướng dẫn đang thiên về y tế, nghiêng về chống dịch cứu người thay vì phục hồi kinh tế, thậm chí xung đột giữa các quy định. “Nội hàm thích ứng an toàn cần phải nhấn mạnh bảo đảm cho nền kinh tế vận hành, nếu không sẽ sụp đổ. Do đó, cần có cách tiếp cận cân bằng”, ông Thiên nhấn mạnh.

Theo đó, các giải pháp đưa ra cần thích ứng cả hai mục tiêu là cứu người và phục hồi kinh tế. Do nền kinh tế của nước ta là nền kinh tế mở, phải đặt bài toán thích ứng cả trong nước lẫn mở cửa với quốc tế. “Chúng ta đang bàn mở cửa cho du lịch Phú Quốc nhưng cần đặt trên góc độ làm nền tảng mở cửa cho cả ngành du lịch”, ông Thiên nhấn mạnh thêm.

Cũng theo vị chuyên gia này, thông điệp “sống chung với dịch” cần được phổ biến tới tận cấp làng xã, tổ dân phố, tạo tính nhất quán trong khôi phục và lưu thông kinh tế. Nguyên tắc hoạt động cần linh hoạt nhưng không tùy tiện. Muốn vậy, các ban, tổ phòng chống dịch cần có sự tham gia của doanh nghiệp. Việc xây dựng Hướng dẫn Thích ứng an toàn Covid-19 cũng cần huy động sự tham gia của các bộ, ngành quản lý kinh tế; đồng thời phải dự báo được triển vọng cho nền kinh tế cũng như thách thức cho từng ngành để có giải pháp hiệu quả, trên cơ sở đó khôi phục và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đan Thanh