Thị xã Sơn Tây nâng cao hiệu quả kinh tế sản phẩm truyền thống

Khánh Duy 30/09/2023 07:00

Với mục tiêu đến năm 2025, đánh giá, phân hạng 120 sản phẩm, trong đó gồm: 90 sản phẩm mới; 30 sản phẩm đánh giá lại; 35 - 40 sản phẩm đạt 4 sao, 1 sản phẩm đạt 5 sao và ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm đăng ký dự thi nâng hạng 4 sao, 5 sao... thị xã Sơn Tây (Hà Nội) tập trung xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề, các sản phẩm OCOP nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

Khai thác, phát huy lợi thế sản phẩm

Được sự quan tâm của TP. Hà Nội, hỗ trợ của thị xã và nỗ lực của các chủ thể tham gia chương trình OCOP, đến nay thị xã Sơn Tây có 78 sản phẩm của 14 chủ thể hợp tác xã, công ty, hộ kinh doanh được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao, thuộc các ngành hàng thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, trang trí. Trong đó, nhiều sản phẩm truyền thống có tiềm năng OCOP như kẹo lạc, kẹo vừng của xã Đường Lâm; miến dong xã Cổ Đông; chả cá, trà hoa cúc xã Sơn Đông; mật ong xã Kim Sơn; dưa và rau các loại phường Viên Sơn; bánh tẻ Phú Nhi của phường Phú Thịnh và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác…

Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường (ảnh Box)

Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 806 làng nghề và làng có nghề đang duy trì và phát triển; tính đến nay, có 322/806 làng đã được thành phố công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề của cả nước gồm 48 làng nghề truyền thống, 273 làng nghề. Bên cạnh các làng nghề, Hà Nội còn có 1.136 HTX nông nghiệp đang hoạt động, 1.695 trang trại, 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, cùng với đó là hàng nghìn sản vật nông nghiệp nức tiếng xưa nay. Đây là điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện Chương trình OCOP, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững.

Đến nay, TP. Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 2.167/9.852 sản phẩm OCOP cả nước (chiếm 22%), trong đó có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm OCOP của thành phố đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đó là nhờ nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương; sự năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, dám nghĩ, dám làm, tư duy nhạy bén của các doanh nghiệp và người dân.

Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, thời gian tới TP. Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển xây dựng thương hiệu; quy hoạch, phát triển và liên kết vùng nguyên liệu bền vững; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa; phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế...

Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Hà Nội TẠ VĂN TƯỜNG

Có được kết quả trên do thời gian qua thị xã đã chủ động phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn lực thực hiện chương trình. Để chương trình đạt hiệu quả cao, thị xã cũng chú trọng chuyển giao kỹ thuật cho người lao động; tháo gỡ khó khăn cho các hộ về con giống, cây giống, vật tư phục vụ sản xuất; hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu, thương hiệu tập thể cho các sản phẩm; phát triển, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, bao bì, tem nhãn hàng hóa… Đồng thời, thị xã cũng mở 1 điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP ở cổng làng Mông Phụ (xã Đường Lâm).

Chia sẻ với phóng viên, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo truyền thống Hiền Bao (thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm) Cao Văn Hiền cho biết: gia đình làm bánh kẹo gia truyền với các sản phẩm kẹo lạc, dồi, vừng, gạo lứt... Trước đây, sản phẩm chủ yếu bán ở địa phương, hoặc xuất bán cho một số đại lý bánh kẹo trên địa bàn thành phố, số lượng không nhiều. Năm 2012, tổ chức JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) và Ban Quản lý di tích Đường Lâm tổ chức cuộc thi đối với các sản phẩm truyền thống của địa phương. Theo đó, 5 sản phẩm: kẹo lạc, vừng trắng và đen, kẹo dồi, gạo lứt của cơ sở sản xuất bánh kẹo truyền thống Hiền Bao đã đoạt giải Nhất, được tổ chức JICA cấp logo HB và chứng nhận sản phẩm an toàn thực phẩm. Tiếp nối thành công, gia đình ông Hiền được các cơ quan chức năng hỗ trợ đăng ký 5 sản phẩm này tham gia OCOP và đều đạt 3 sao.

"Trước khi đạt OCOP, mỗi tháng gia đình sử dụng 2 - 3 tấn nguyên liệu để sản xuất bánh kẹo, nhưng nay số lượng đã tăng 5 - 6 tấn/tháng. Thị trường tiêu thụ mở rộng đến các tỉnh Hòa Bình, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh... và nhiều khu du lịch tại các tỉnh, thành trong cả nước. Cơ sở sản xuất cũng tạo việc làm ổn định cho 6 - 10 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ với thu nhập 4 - 12 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, chúng tôi tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, phấn đấu đạt OCOP 4 sao", ông Cao Văn Hiền chia sẻ thêm.

Hay như xã Kim Sơn có hàng chục hộ nuôi ong với hơn 4.000 đàn và sản lượng mật đạt 35.000 - 40.000 lít/năm. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kim Sơn Nguyễn Xuân Quyền cho biết: các hộ nuôi ong đã thành lập Tổ hợp tác ong mật Kim Sơn. Ngoài nguồn thu từ khai thác mật, các hộ gia đình còn nhân đàn bán ong giống, bán phấn hoa... mang lại nguồn thu nhập ổn định 150 - 800 triệu đồng/hộ/năm. Khai thác tốt lợi thế, chính quyền địa phương đã chọn mật ong Kim Sơn để hỗ trợ phát triển trong Chương trình OCOP.

Chủ tịch UBND xã Kim Sơn Lê Thị Chính cho biết: với sản phẩm mật ong, địa phương đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Mật ong Kim Sơn”; hỗ trợ tem nhãn cho sản phẩm; tập huấn, hướng dẫn các hộ nuôi ong sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm; mở rộng nghề nuôi ong, nhất là cho các hộ còn khó khăn... Mật ong Kim Sơn đáp ứng tiêu chí được thành phố phân loại, xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.

Theo Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh: thị xã có nhiều sản phẩm lợi thế như gà Mía, kẹo lạc, kẹo dồi, chè xanh của xã Đường Lâm; bưởi, chè xanh (xã Cổ Đông); mật ong, sữa bò tươi (xã Kim Sơn); đà điểu, lợn rừng (xã Thanh Mỹ); dưa các loại (xã Xuân Sơn) và sản phẩm bánh tẻ Phú Nhi (phường Phú Thịnh)... Đây là các sản phẩm đặc trưng, nếu được hỗ trợ phát triển, sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, làm giàu cho các hộ dân.

Phấn đấu thêm nhiều sản phẩm OCOP 5 sao

Để các mô hình đạt hiệu quả cao, thị xã đã chú trọng tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người lao động; tháo gỡ khó khăn cho các hộ về con giống, cây giống, vật tư phục vụ sản xuất; thị xã cũng hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu, thương hiệu tập thể cho các sản phẩm; phát triển, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, bao bì, tem nhãn hàng hóa. Đồng thời, tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Chương trình OCOP cho lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể của thị xã và các xã, phường trên địa bàn. Từ đó, đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả của Chương trình OCOP, động viên các tổ chức, cá nhân phát huy ý tưởng sáng tạo, tích cực lao động, sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình từ việc thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP.

Điểm bán sản phẩm OCOP tại Thị xã Sơn Tây (Ảnh bài chính)
Điểm bán sản phẩm OCOP tại Thị xã Sơn Tây

Từ nay đến năm 2025, thị xã Sơn Tây phấn đấu đánh giá, phân hạng 120 sản phẩm, trong đó gồm: 90 sản phẩm mới; 30 sản phẩm đánh giá lại (do hết hạn giấy chứng nhận đạt 3 sao trở lên); 35 - 40 sản phẩm đạt 4 sao, 1 sản phẩm đạt 5 sao và ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm đăng ký dự thi nâng hạng 4 sao, 5 sao.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tạ Thanh Phong cho biết, thị xã sẽ tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP, bởi chỉ khi sản phẩm tiêu thụ tốt, mang lại giá trị kinh tế thiết thực thì mới thu hút được sự tham gia của các chủ thể. Theo đó, thị xã tập trung xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm OCOP nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác sản xuất. Xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản và sản phẩm làng nghề.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về ý nghĩa của Chương trình OCOP; hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã hoàn thiện cơ sở sản xuất kinh doanh để đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm theo tiêu chí OCOP. Đồng thời, thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất chuyên canh tập trung, hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

___________

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thị xã Sơn Tây nâng cao hiệu quả kinh tế sản phẩm truyền thống
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO