“Chúng ta nhận thức về thị trường tín chỉ carbon từ rất sớm”
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nhấn mạnh điều này khi nói về cơ chế, chính sách cho thị trường carbon ở nước ta. Cụ thể, từ năm 2013, khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã nêu vấn đề này. Gần đây, tại Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI tiếp tục khẳng định sẽ thực hiện các chủ trương, giải pháp để phát triển thị trường carbon. Trong Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra các giải pháp để hướng tới việc phát triển thị trường carbon.
Năm 2014, khi Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường, đã quy định về phát triển thị trường carbon tại điểm d, khoản 1, Điều 41. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tiếp tục khẳng định và quy định cụ thể hơn về phát triển thị trường carbon tại Điều 139.
Thời gian gần đây, đặc biệt sau khi tham gia Thỏa thuận Paris năm 2015, triển khai các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc lần thứ 26, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và một số quyết định về triển khai kết quả sau Hội nghị COOP 26, quy định một số vấn đề liên quan đến kiểm kê hiệu ứng nhà kính…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng, các chính sách này bước đầu tạo ra khuôn khổ pháp lý để phát triển thị trường carbon. Hiện các bộ, ngành vẫn đang tiếp tục tập trung xây dựng các quy định liên quan, đặc biệt là các quy định về quản lý quy trình carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon, xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch liên quan đến tín chỉ carbon. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện để thí điểm cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp.
Cố vấn chiến lược Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu Phạm Hồng Quân cho rằng, mặc dù các chính sách pháp lý về tín chỉ carbon còn chậm, nhưng hy vọng “chậm” mà “chắc”, để nguồn tài chính liên quan đến giảm phát thải giữ lại trong nước và không bị thất thoát khi tham gia vào cơ chế tín chỉ carbon.
Theo ông Quân, Việt Nam có thể học hỏi thêm kinh nghiệm xây dựng tín chỉ carbon của EU, Hàn Quốc, Indonesia. Từ bài học của các quốc gia này, chúng ta có thể đưa ra những giải pháp thực hiện chuẩn chỉnh hơn, chính xác hơn, hạn chế thao túng thị trường. Đặc biệt, việc sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP cần có điều khoản ràng buộc hạn ngạch không được trao đổi quá tỷ lệ % carbon nhất định, tránh thao túng, lợi dụng kẽ hở chính sách.
Đầu tư vào nguồn nhân lực
Thực tế, nhu cầu về nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực tín chỉ carbon ngày càng trở nên cấp thiết. Điều này đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam trong việc đào tạo và phát triển đội ngũ chuyên gia đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường carbon, một lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng không kém phần phức tạp.
Theo GS. TS Hoàng Văn Sâm, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Lâm nghiệp, nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon hiện nay còn khá khiêm tốn. Đây là vấn đề thách thức đối với Việt Nam khi tham gia thị trường tín chỉ carbon, kể cả phạm vi trong nước và toàn cầu.
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, GS. TS Hoàng Văn Sâm cho rằng, cần xây dựng được đội ngũ chuyên gia mạnh ở cấp quốc gia về thị trường carbon. Trong đó, xây dựng các dự án về tín chỉ carbon, đo lường, tính toán lượng phát thải, lưu trữ carbon, xây dựng báo cáo, tiêu chuẩn và đàm phán mua bán tín chỉ carbon.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực về tín chỉ và thị trường carbon; mở rộng hợp tác quốc tế và phát triển các dịch vụ liên quan đến tín chỉ carbon, các chương trình, dự án để Việt Nam vừa thực hiện các cam kết quốc tế, vừa góp phần nâng cao năng lực đội ngũ.
Hiện nay, Trường Đại học Lâm nghiệp đã xây dựng ngành đào tạo chuyên môn hóa về quản lý phát thải carbon, tính toán lượng hấp thụ và lưu trữ carbon, lồng ghép các môn học liên quan đến biến đổi khí hậu. Trường cũng tập trung đào tạo chuyên sâu hơn về dịch vụ carbon rừng, thiết kế và vận hành các khoá tập huấn ngắn hạn liên quan đến thị trường carbon, triển khai các chương trình nghiên cứu về thị trường để góp phần xây dựng chính sách carbon cho Việt Nam, nghiên cứu về tính toán carbon rừng bằng công nghệ tiên tiến.