Thị trường Nga - cơ hội và thách thức
Trước chuyến thăm Cộng hòa Liên bang Nga của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang vào cuối tháng 7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan đại diện thương mại Nga tại Việt Nam đã tổ chức Đối thoại kinh tế tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư với Liên bang Nga. Đây là cơ hội để những doanh nghiệp Việt Nam có nguyện vọng kinh doanh tại thị trường Nga nêu kiến nghị, đề xuất vào nội dung làm việc của các bộ, ngành liên quan của hai nước.
![]() |
Những năm gần đây, hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Nga có những bước tiến khá bền vững. Năm 2011, kim ngạch thương mại Việt - Nga đạt 2,12 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt 1,38 tỷ USD, tăng 66,2% so với năm 2010 và trở thành năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu sang thị trường Nga. 6 tháng năm nay, kim ngạch thương mại Việt - Nga tăng 54%. Theo kế hoạch hành động trung hạn Nga - Việt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư cho đến năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước sẽ đạt 3 tỷ USD. Gần đây hai nước đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 5 tỷ USD vào năm 2013.
Trưởng cơ quan đại diện thương mại LB Nga tại Việt Nam Golikov Maxim Urievic đánh giá, hiện nay, tổng giá trị đầu tư song phương hai nước được đánh giá vào khoảng 3 - 4 tỷ USD. Nga đánh giá cao Việt Nam đã đầu tư vào ngành dầu khí của Nga thông qua việc hai bên thành lập liên doanh Rusvietpetro và Gazpromviet. Vừa qua, đoàn chuyên viên Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng dẫn đầu đã đến vùng Viễn Đông để nghiên cứu việc thành lập khu công nghiệp nhẹ. Đây là tín hiệu tốt cho quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.
Với những thế mạnh về mặt hàng, thị trường truyền thống, thương mại Việt – Nga hiện đang có những thuận lợi khi LB Nga chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đặc biệt với lộ trình cam kết giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng, như hàng nông sản, thủy sản, may mặc, giày da đang là lợi thế trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Nga. Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu (Bộ Công thương) Dương Hoàng Minh cho hay, Nga là nền kinh tế hàng đầu thế giới, nhập khẩu của Nga gần 400 tỷ USD, do đó cơ hội xuất khẩu sang Nga là vô cùng lớn. Sau khi Nga thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế nhập khẩu doanh nghiệp Việt Nam cần tranh thủ và tự tin quay trở lại và đẩy mạnh xuất khẩu.
|
Tuy vậy, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, hàng xuất khẩu Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ chưa đến 0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của LB Nga. Con số này cho thấy sức mua của thị trường này là rất lớn, nhưng trao đổi thương mại giữa hai nước còn chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác và thế mạnh mỗi nước. Mặt khác, thị trường Nga nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít thách thứác doanh nghiệp Việt còn gặp khăn về thủ tục thanh toán không thuận lợi, thiếu hụt thông tin nghiên cứu sâu về thị trường, không có văn phòng đại diện, hệ thống phân phối chưa phù hợp, thiếu một địa điểm kinh doanh ổn định, tập trung và uy tín…
“Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa quan tâm, nắm bắt đầy đủ, chính xác và kịp thời các thông tin, chính sách về môi trường đầu tư và kinh doanh của thị trường tiềm năng này. Bên cạnh đó, do LB Nga là thị trường mở, không khó tính nên việc thâm nhập thị trường cũng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác có lợi thế tương tự như Việt Nam về chủng loại hàng hóa, mẫu mã, giá cả...”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Trong khi đó, ông Golikov Maxim Urievic cho hay, hiện Nga đang đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và chủ trương tăng cường quan hệ thương mại với các đối tác. Để hiện đại hóa nền kinh tế, LB Nga sẽ tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực như năng lượng, khoáng sản, viễn thông, công nghệ hàng không vũ trụ, dược phẩm, y tế… Và Nga có nhu cầu khá ổn định với hầu hết các mặt hàng, dịch vụ của Việt Nam, như điện tử, nông sản, may mặc, thực phẩm nên rất hoan nghênh doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu những loại hàng này. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng sang các lĩnh vực như đóng tàu, bất động sản, du lịch.
“Nga cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp quốc tế đến kinh doanh, thông qua việc cải thiện thủ tục hành chính, tập trung vào lĩnh vực hải quan, cấp phép… nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”- ông Golikov Maxim Urievic chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Golikov Maxim Urievic cũng cho biết, để bắt kịp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường khác, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các chủng loại hàng hóa đến từ nhiều quốc gia khác nhau, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chủ động hơn nữa trong việc phát triển kênh phân phối hàng hóa của mình. Nga đặc biệt chú trọng và đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam muốn nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường Nga phải đặt chất lượng lên hàng đầu, mở chi nhánh, văn phòng đại diện, mở showroom để giới thiệu trực tiếp sản phẩm đến khách hàng.