Thuốc trong nước chiếm 46% tổng giá trị thuốc điều trị
Thị trường dược phẩm Việt Nam đang được định giá khoảng 6,2 - 6,4 tỷ USD/năm, còn theo thống kê của Bộ Y tế, giá trị thị trường năm 2021 đã đạt hơn 6,9 tỷ USD. BMI Research dự báo thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026, với tỷ lệ tăng trưởng kép lên tới 11% tính theo đồng Việt Nam.
Tại diễn đàn "Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành sản xuất dược" mới đây, bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng thư ký, Chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cho biết, tính đến năm 2022, Việt Nam có 51 doanh nghiệp dược có vốn đầu tư nước ngoài, 228 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn WHO - GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới - WTO), 12 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP cao như EU, PICs, JAPAN, TCA. Con số này cho thấy công nghiệp dược Việt Nam thực sự đã có bước tiến khá dài, bởi năm 2017 chỉ có 2 doanh nghiệp đạt GMP. Các doanh nghiệp chịu khó đầu tư hơn, đạt được các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt; hệ thống phân phối tương đối phát triển, đặc biệt là hệ thống nhà thuốc rộng khắp trên cả nước.
Mặc dù vậy, thị trường dược Việt Nam vẫn đang là “sân chơi” của các doanh nghiệp dược ở nước ngoài. Bà Nguyễn Diệu Hà cho biết, trong giai đoạn từ năm 2015 - 2021, giá trị sản xuất thuốc trong nước mới chỉ đạt 46% so với tổng giá trị tiền thuốc sử dụng của người dân. Tỷ lệ này dù đã tăng cao so với giai đoạn 2001 - 2011 (17%) nhưng vẫn còn thấp so với thế giới. Ngành dược Việt Nam cơ bản chưa sản xuất được các sản phẩm thuốc đặc thù, chỉ giải quyết được một số loại thuốc điều trị bệnh thông thường, bệnh mãn tính. Các sản phẩm thuốc của Việt Nam đa số tập trung vào nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn (32,54%); nhóm thuốc hạ nhiệt, giảm đau (15,5%) và nhóm vitamin, khoáng chất (6,55%). Đa số thuốc đặc trị thiết yếu vẫn phải nhập khẩu. Các nhà máy sản xuất dược đạt chuẩn GMP - WHO cũng chủ yếu sản xuất thuốc generic (bản sao của thuốc biệt dược).
PGS. TS. Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp về dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, số nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn WHO - GMP vẫn thấp. Đáng chú ý, không có nhà máy nào được WHO tiền thẩm định trong khi đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sản xuất, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất gia công và cơ hội xuất khẩu sang nước ngoài. Ngành dược Việt Nam vẫn chưa có trung tâm quốc gia về R&D đủ mạnh, hiện đại; thiếu các trung tâm nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu sinh học mạnh và trình độ quốc tế; đồng thời chưa có khu công nghiệp riêng cho ngành sản xuất dược phẩm với một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Cũng theo PGS. TS. Lê Văn Truyền, đa phần doanh nghiệp dược Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế và hiện chưa hình thành được tập đoàn dược có quy mô quốc gia.
Thực trạng trên khiến cho thị trường dược Việt Nam hiện vẫn là “sân chơi” của các doanh nghiệp dược ở nước ngoài. Kể cả thuốc generic sau khi hết bản quyền, các doanh nghiệp dược Việt Nam vẫn chưa sản xuất được, phải chờ vào Ấn Độ, sau đó đi sao chép lại, PGS. TS. Lê Văn Truyền nói.
Tương lai hứa hẹn
Như nhiều nước đang phát triển khác, người Việt Nam ngày càng chi nhiều hơn cho tiền thuốc. Đây là diễn biến tất yếu khi thu nhập người dân cải thiện qua các năm, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng thư ký, Chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cho biết, năm 2002, bình quân một người dân chi cho 6,7 USD tiền thuốc, đến năm 2021 con số này đã là 73 USD. Với quy mô dân số 100 triệu (và không dừng lại ở đó), số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 11,9%, con số này hứa hẹn một tốc độ tăng trưởng còn nhanh hơn nữa, nhất là khi đại dịch Covid-19 không chỉ để lại di chứng bệnh tật nặng nề mà còn khiến người ta quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sức khỏe.
Rõ ràng ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam có rất nhiều động lực phát triển với một tương lai đầy hứa hẹn. Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn 2040 được Chính phủ phê duyệt tháng 3.2021 đặt mục tiêu đến năm 2025 thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020. Mục tiêu đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường. Đồng thời, cấp giấy chứng nhận sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vaccine, sinh phẩm y tế và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được. Trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực, phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD.
Để hiện thực hóa tiềm năng và đạt được các mục tiêu này, “vấn đề cốt lõi là mỗi công ty cần soát xét, điều chỉnh và thay đổi chiến lược phát triển trung hạn và dài hạn phù hợp với đường lối của Nhà nước, môi trường kinh doanh quốc tế, khu vực và trong nước để nâng cao năng lực cạnh tranh của công nghiệp dược Việt Nam”, PGS. TS. Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
PGS. TS. Lê Văn Truyền cho biết, các doanh nghiệp trên thế giới đã thay đổi chiến lược tiếp cận thị trường, từ “quảng bá” sản phẩm cho doanh nghiệp cho tới hỗ trợ cơ quan nhà nước kiểm soát dịch bệnh và chủ động cung cấp dịch vụ y tế. Trong quá trình chuyển đổi số, ngành dược đã thu thập được nguồn dữ liệu lớn (bigdata), hỗ trợ hiệu quả cho việc ra quyết định. Đây là những điểm ngành dược và các doanh nghiệp dược trong nước có thể học hỏi.
Bên cạnh đó, ngành sản xuất dược có yêu cầu ngày càng cao về sự minh bạch thông tin, quy chế quản lý, hồ sơ đăng ký, dữ liệu nghiên cứu. Các tổ chức lớn cũng yêu cầu quy chế về toàn vẹn/trung thực dữ liệu trong tất cả các khâu từ thí nghiệm đến sản xuất, phân phối. Doanh nghiệp dược Việt Nam muốn nâng cao năng lực cạnh tranh trên sân nhà và sân người thì phải đặc biệt quan tâm đến hồ sơ đăng ký sản phẩm, tuân thủ tiêu chí mà các tổ chức quản lý yêu cầu.
Đối với cơ quan quản lý, PGS. TS. Lê Văn Truyền cho rằng, nhiệm vụ quan trọng ở đây là tạo một môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi để các doanh nghiệp có thể đi cùng nhau, tận dụng những lợi thế của nhau để cùng phát triển.