Nhiều dự án chưa được triển khai
Việt Nam đặt mục tiêu nâng tỷ trọng các nguồn NLTT như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối… từ 3,5% năm 2010 lên 4,5% vào năm 2020. Trong đó, điện gió sẽ được tập trung phát triển với mục tiêu đưa công suất nguồn điện này lên 1.000MW, tương đương 0,7% tổng công suất nguồn điện vào năm 2020. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về các cơ chế hỗ trợ điện gió năm 2011. Theo đó, bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện gió với mức giá là 1.614 đồng/kWh (tương đương với 7,8cents/kWh) tại điểm giao nhận điện. Mức giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá giữa VNĐ và USD. Ngoài ra, các dự án điện gió còn được hưởng các ưu đãi về vốn đầu tư, thuế và phí và hạ tầng đất đai theo pháp luật về đầu tư.
Quyết định 37 đã tạo ra làn sóng đầu tư vào điện gió với gần 50 dự án đăng ký. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 3 dự án đang vận hành gồm dự án điện gió Bình Thạnh công suất 30MW tại huyện Tuy Phong, Bình Thuận; dự án điện gió trên đảo Phú Quý, công suất 6MW; dự án điện gió Bạc Liêu giai đoạn 1, công suất 16MW tại vùng bán ngập ven biển tỉnh Bạc Liêu. Ngoài ra, có một số dự án đang trong giai đoạn xây dựng, lắp đặt. Còn lại, đa số các dự án điện gió vẫn nằm trên giấy. Thậm chí, một số dự án đã bị các địa phương rút giấy phép đầu tư theo quy định vì đăng ký nhưng chậm triển khai.
Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt lớn giữa các con số đăng ký và số dự án điện gió triển khai trong thực tế đã được các cơ quan nghiên cứu, chuyên gia chỉ ra. Trước hết, đó là do còn thiếu một cơ sở dữ liệu bản đồ gió có độ tin cậy, đồng bộ và thống nhất trên toàn bộ lãnh thổ. Nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam phải tự tiến hành đo gió, trong nhiều trường hợp thì sức gió không đáp ứng yêu cầu như kỳ vọng. Về nhân lực, hiện đang có một lỗ hổng lớn về nhân sự cho lĩnh vực NLTT vì lĩnh vực này chưa được đào tạo chuyên sâu trong các cơ sở giáo dục, dạy nghề. Về công nghệ, thiết bị điện gió hầu hết là chưa được nội địa hóa mà vẫn phải nhập khẩu; thiếu các thiết bị phụ trợ cho quá trình vận hành - bảo dưỡng… Trong đó, nguyên nhân chính được nhiều nhà đầu tư đưa ra chính là cơ chế giá bán điện gió hiện hành chưa bảo đảm cho nhà đầu tư có lợi nhuận.
Từ thực tế của tỉnh Ninh Thuận
Có thể thấy rõ thực trạng phát triển điện gió của Việt Nam khi nhìn vào bức tranh điện gió tại Ninh Thuận, một trong những địa phương giàu tiềm năng phát triển loại năng lượng sạch "trời cho" này. Năm 2013, Bộ Công thương đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 với dự kiến 12 dự án điện gió. Đến nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án điện gió với tổng công suất 654MW, tổng vốn đăng ký là 24.804 tỷ đồng. Đồng thời, chấp thuận địa điểm cho 7 dự án khác với tổng công suất 431,4MW.
Theo Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Bắc Việt, trong các dự án điện gió ở Ninh Thuận hiện có 1 công trình đang được triển khai tích cực là Dự án Nhà máy điện gió Công Hải 1. Còn lại, các dự án khác cơ bản vẫn chờ chính sách. Trong khi đó, các nhà đầu tư mong muốn nhất là cơ chế hỗ trợ giá đối với điện gió. Hiện nay, mặc dù Chính phủ đã ban hành chính sách mua điện gió là 7,8cent/kWh; song các nhà đầu tư vẫn mong muốn nâng giá mua điện gió từ các nhà máy lên 10 - 11cent/kWh. Đây chính là mong muốn lớn nhất của các nhà đầu tư phát triển điện gió.
Ông Nguyễn Bắc Việt cho rằng, điện gió là một trong những nguồn năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nếu phát triển tốt sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia một cách bền vững. Vì vậy, Chính phủ phải thật sự tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án tại Ninh Thuận cũng như các địa phương có lợi thế phát triển điện gió. Địa phương mong muốn Chính phủ tính toán, nghiên cứu nâng giá mua điện gió để bảo đảm cho nhà đầu tư có lợi nhuận hợp lý. Đây là điều kiện tiên quyết để các nhà đầu tư triển khai các dự án.
Điện gió là lĩnh vực có suất đầu tư lớn, đòi hỏi công nghệ cao. Vì vậy, để có thể hình thành và thúc đẩy thị trường điện gió phát triển, vai trò của Chính phủ có tính quyết định trong việc đưa ra các chính sách đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư. Trong đó, quan trọng nhất là cơ chế giá mua điện gió phải bảo đảm tính kinh tế cho các dự án điện gió. Đồng thời, tạo điều kiện để thị trường này vận hành lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng thông qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách ưu đãi, khuyến khích nghiên cứu, sản xuất, nội địa hóa thiết bị cũng như đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về NLTT, điện gió…