Tại hội thảo "Cơ hội đầu tư trong bối cảnh mới" do Tạp chí Nhà đầu tư vừa tổ chức, bà Phạm Thị Thuỳ Linh, Trưởng ban Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều biến động nhưng với sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ, ngay từ đầu năm kế hoạch tăng trưởng GDP đã được đặt ra ở mức trên 8% với mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ ở hầu hết các lĩnh vực như chế biến chế tạo (9,7%), dịch vụ (8,1%), bán lẻ (12%) và xuất nhập khẩu (>12%).
Cùng với đó là kế hoạch đầu tư công lớn, tăng gần 30% so với thực tế thực hiện năm 2024. Những yếu tố này được dự báo sẽ hỗ trợ cho việc hoàn thành kế hoạch mục tiêu GDP của năm 2025.

Kết quả kinh tế xã hội trong hai tháng đầu năm đã góp phần tạo động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Tính đến ngày 25.2, VN-Index đạt 1.303,16 điểm, tăng 2,9% điểm so với cuối năm 2024; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.292 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với cuối năm 2024 (tương đương 63,4% GDP ước tính năm 2024).
Hoạt động niêm yết và đăng ký giao dịch tính đến cuối tháng 1.2025, thị trường có 723 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán, 886 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt 2.350 nghìn tỷ đồng, tăng 2,35% so với cuối năm 2024, tương đương 20,4% GDP ước tính năm 2024.
Giá trị giao dịch bình quân tháng 2 là 17,46 nghìn tỷ đồng/ phiên, tăng 36,1% so với bình quân tháng trước.
Số lượng tài khoản của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tính đến hết tháng 1.2025 đạt 9,38 triệu tài khoản, tăng 80.718 tài khoản, tương đương tăng 0,87% so với cuối năm 2024.
Trong đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước tăng 0,87% so với cuối năm 2024 và số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài tăng 0,33% so với cuối năm 2024.
Sự gia tăng đều đặn về số lượng tài khoản của nhà đầu tư mới tham gia thị trường là dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục duy trì sức hấp dẫn và cũng cho thấy những cơ hội cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025, theo Trưởng ban Phát triển thị trường chứng khoán.
Thêm vào đó, việc đưa ra các tiêu chí mới nhằm làm mới bộ chỉ số VN30 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM kỳ vọng sẽ mang lại sức hấp dẫn mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam, góp phần tích cực trong thu hút dòng vốn ngoại.
Ngoài ra, triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi FTSE trong năm 2025, dự kiến vào tháng 9.2025 cũng là một mục tiêu trọng yếu, là cơ hội cho thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại khoảng 300 triệu đến 400 triệu USD dòng vốn ETF và các dòng vốn chủ động khác. Nhu cầu vốn và sự phát triển của quỹ ETF sẽ giúp gia tăng tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán.
Cuối cùng phải kể đến là sự tăng trưởng nhanh chóng của các ngành công nghệ trí tuệ nhân tạo, xe điện, năng lượng tái tạo đang là trọng tâm đầu tư của các nhà đầu tư trên toàn cầu. Do đó, bắt kịp xu hướng công nghệ mới cũng kỳ vọng dòng vốn huy động từ thị trường chứng khoán sẽ chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán VPS, số lượng nhà đầu tư mở mới gia tăng và tích lũy nhiều năm, đến nay đã hơn 9,4 triệu tài khoản. Con số này nói lên rằng xu hướng nhà đầu tư cá nhân ngày càng gia tăng, không chỉ 9, 10 triệu mà có thể 15, 20 triệu trong tương lai.
Xu hướng tăng của thị trường chứng khoán cũng thể hiện trong vốn hóa, thanh khoản gia tăng và sau đó là câu chuyện hàng hóa nào sẽ lên niêm yết. Chúng ta đang chờ đợi nhiều tổng công ty lớn sẽ IPO, lên sàn chứng khoán thời gian tới, TS. Lê Đức Khánh nói.
Trong năm nay, VPS đánh giá VN-Index sẽ lên ít nhất 1.400 điểm và dao động xung quanh 1.440 – 1.450 điểm.
Ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc Dịch vụ Chuyển đổi số và Ứng dụng AI tại FPT Digital, cho rằng Việt Nam đang mở rộng, chào đón các nhà đầu tư mới, nên tính minh bạch trong quản lý chất lượng là một yếu tố nâng cao rổ sản phẩm trên thị trường chứng khoán.
Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, nhu cầu đầu tư mạnh mẽ, cơ hội nâng hạng thị trường, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin sẽ thúc đẩy vốn hóa thị trường chứng khoán đạt khoảng 10 triệu tỷ đồng (tương đương 400 tỷ USD) vào năm 2030, theo ông Hậu.