Fed đã kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của Ủy ban thị trường mở (FOMC) với quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn trong phạm vi 5,25% - 5,5%. Đây là mức lãi suất cao nhất trong 23 năm và là kết quả của 11 đợt tăng nhằm hạ nhiệt lạm phát.
Phát biểu trong họp báo sau cuộc họp, ông Powell cho rằng áp lực giá cả hiện giảm bớt trên diện rộng và nếu các số liệu kinh tế sắp tới diễn biến như dự đoán, khả năng cắt giảm lãi suất sẽ tăng lên.
Ông Powell nói: "Nếu chúng ta thấy lạm phát giảm xuống ít nhiều phù hợp với kỳ vọng, tăng trưởng vẫn ở mức khá mạnh và thị trường lao động vẫn phù hợp với các điều kiện hiện tại, thì tôi nghĩ rằng việc cắt giảm lãi suất có thể được đưa ra thảo luận tại cuộc họp vào tháng 9".
Tuy nhiên, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã cảnh báo hồi tháng 7 rằng việc cắt giảm lãi suất tại cuộc họp ngày 17 và 18.9, khoảng 7 tuần trước cuộc bầu cử, có thể được coi là một động thái chính trị hóa. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed cho rằng họ chỉ cân nhắc đến tình hình và hướng đi của nền kinh tế cũng như tiến trình lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% chứ không liên quan đến vấn đề chính trị hay lợi ích của bất kỳ đảng phái nào.
Ông Powell cho biết ông cảm thấy một cuộc hạ cánh mềm (giai đoạn nền kinh tế chậm lại nhưng không suy thoái) "trong tầm ngắm", với các dữ liệu kinh tế không cho thấy nền kinh tế sẽ suy yếu. Tuy nhiên, theo CNBC, ông Powell cảnh báo không có gì đảm bảo rằng sẽ cắt giảm lãi suất cũng như loại trừ khả năng cắt giảm lãi suất lên đến 0,5 điểm% trong cuộc họp tháng 9.
Chủ tịch Fed nhấn mạnh: "Tôi không muốn nói cụ thể về những gì chúng tôi sẽ làm và đó không phải là điều chúng tôi đang nghĩ đến ngay lúc này".
Các quan chức cũng nhấn mạnh rằng họ không đi theo lộ trình có sẵn đối với việc điều chỉnh lãi suất và sẽ không bị ảnh hưởng bởi các dự báo.
Trong khi đó, dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy áp lực giá đã giảm mạnh so với mức đỉnh vào giữa năm 2022, khi lạm phát đạt mức cao nhất kể từ đầu những năm 1980.
Thước đo lạm phát ưa thích của Fed cho thấy mức tăng khoảng 2,5% hàng năm, dù các thước đo khác cao hơn một chút. Fed đặt mục tiêu lạm phát là 2% và nhấn mạnh sẽ duy trì mục tiêu đó bất chấp áp lực từ một số yếu tố.
Dù Fed đã duy trì việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ, nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tăng trưởng GDP quý II là 2,8%, cao hơn nhiều so với dự báo trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng và chính phủ tăng, cùng với đó là lượng hàng tồn kho cao hơn.
Trong khi đó, thị trường lao động lại có dấu hiệu hạ nhiệt, với tỷ lệ thất nghiệp là 4,1%. Thông báo của Fed cũng lưu ý rằng tỷ lệ thất nghiệp “đã tăng nhưng vẫn ở mức thấp”. Số liệu việc làm phi nông nghiệp của ADP mới công bố cho thấy mức tăng trưởng việc làm trong khu vực tư nhân tháng 7 là 122.000, cho thấy thị trường lao động có thể đang suy yếu.
Tuy nhiên, báo cáo của ADP lại cho thấy một số tin vui về dữ liệu lạm phát, với mức tăng lương chậm nhất trong 3 năm. Ngoài ra, Bộ Lao động Mỹ cho biết chi phí tiền lương, phúc lợi và lương chỉ tăng 0,9% trong quý II, thấp hơn kỳ vọng và mức tăng 1,2% trong quý I.
Quan chức Fed cam kết sẽ điều chỉnh chính sách một cách thận trọng, bất chấp các dấu hiệu cho thấy lạm phát đang suy yếu và lo ngại nền kinh tế khó có thể chịu áp lực từ việc chi phí đi vay cao nhất trong khoảng 23 năm.
Sau khi Chủ tịch Powell cho biết có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 9 nếu dữ liệu lạm phát ủng hộ cho điều đó, thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 1.8.
Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia đạt mức cao kỷ lục mới, tăng 0,47%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,42%, trong khi Kosdaq tăng 1,38%. Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 tăng 1,58% còn Nasdaq Composite tăng 2,64%. Đây là phiên giao dịch tốt nhất kể từ tháng 2 đối với cả hai chỉ số. Chỉ số Dow Jones cũng tăng 0,24% sau tuyên bố của Fed.