Thị trường bất động sản khó xảy ra khủng hoảng

- Thứ Ba, 02/03/2021, 09:01 - Chia sẻ
Khi tăng trưởng đạt mức kế hoạch 6%, nhu cầu mua nhà và đầu tư sẽ tăng trở lại. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền vừa bước vào nhiệm kỳ mới sẽ có những động thái thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó có các dự án bất động sản để tạo nguồn thu cho địa phương. “Nguồn cung chắc chắn nhiều hơn, thị trường sẽ phát triển ổn định và khó có nguy cơ xảy ra khủng hoảng, bong bóng”, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận định.

Nhiều xung lực mới

Thị trường bất động sản vừa trải qua một năm đầy biến động khi chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19. Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, vào đầu năm, thị trường như tê liệt, nhiều dự án đình trệ, các sàn giao dịch ngưng hoạt động, hạ tầng du lịch đóng băng... Tuy nhiên, đến cuối năm đã xuất hiện những dấu hiệu lạc quan.

Cụ thể, nhiều dự án vẫn về đích đúng hạn. Nguồn cung mới có gần 60.000 sản phẩm, bằng 87,6% so với năm 2019. Thu hút đầu tư ngoài ngành tăng 30% đã gia tăng lực cầu đầu tư mới cho thị trường. Minh chứng là số lượng giao dịch tăng; tỷ lệ hấp thụ bất động sản vẫn khá cao; bất động sản du lịch bị ảnh hưởng nhưng tốc độ phát triển nhanh, nhiều dự án vẫn đẩy mạnh triển khai thu hút nhà đầu tư. Lãi suất ngân hàng giảm cũng tạo điều kiện phát triển nguồn vốn đầu tư bất động sản.

“Những tín hiệu lạc quan này mở ra nhiều triển vọng cho thị trường bất động sản năm nay”, ông Đính nhận định. Khi kinh tế Việt Nam giữ nhịp và đạt tốc độ tăng trưởng theo kế hoạch 6%, nhu cầu mua nhà và đầu tư sẽ tăng trở lại, sức cầu tương đương 70% của năm 2019. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền vừa bước vào nhiệm kỳ mới sẽ có những động thái thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó có các dự án bất động sản để tạo nguồn thu cho địa phương. “Nguồn cung chắc chắn nhiều hơn, thị trường sẽ phát triển theo hướng ổn định và khó có nguy cơ xảy ra khủng hoảng, bong bóng”, ông Đính nói. 

Cũng lạc quan như vậy, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường bất động sản có nhiều đòn bẩy trợ lực tốt không chỉ năm nay mà vài năm tới. Một mặt, thị trường đã có sự điều chỉnh nhanh nhạy theo tình hình dịch bệnh. Toàn cảnh ngành bất động sản năm nay khả quan với tăng trưởng kinh tế dự báo tăng 6,5 - 7%, bình quân 10 năm tới có thể đạt 7% nếu Việt Nam làm tốt các đột phá đã xác định cho giai đoạn tới. Bên cạnh đó, việc thực thi các luật mới như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán sẽ là động lực cho doanh nghiệp. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất đầu tư nước ngoài sang Việt Nam cũng mở ra cơ hội lớn cho thị trường.

Đáng chú ý, theo TS. Cấn Văn Lực, trong kinh doanh bất động sản, chuyển đổi số có vai trò quan trọng, bởi công nghệ sẽ tạo ra một hệ sinh thái mới với cơ hội tiếp cận khách hàng nhanh chóng, dễ dàng hơn. Đặc biệt hiện là thời điểm lãi suất vay ngân hàng thấp nhất trong 15 năm qua, các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà, hay đầu tư. 

Năm 2021 và nhiều năm tới thị trường bất động sản đón nhận nhiều xung lực mới  

Giá tiếp tục tăng?

“Giá bất động sản tăng hay giảm sẽ còn phụ thuộc rất lớn vào 3 vấn đề là cung - cầu, tâm lý khách hàng và tình hình dịch bệnh”, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu nhấn mạnh. 

Theo ông Châu, nếu vaccine được nghiên cứu thành công, Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch thì đây sẽ là những tín hiệu tích cực giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định trở thành điểm sáng quốc tế. Bên cạnh đó, các luật sửa đổi có hiệu lực từ năm nay sẽ tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về mặt pháp lý, tạo động lực giúp thị trường phát triển ổn định cả về nguồn cung lẫn lực cầu. Như vậy, thị trường bất động sản sẽ có nhiều động lực để phục hồi và đứng vững, giá bất động sản tiếp tục sẽ có chiều hướng tăng.  

Tương tự, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cũng dự báo giá bán các sản phẩm bất động sản năm nay sẽ tăng 10% so với 2020.

Thực tế, năm 2020, giá chung cư và đất nền nhà đất vẫn có xu hướng tăng. Trong đó, giá chung cư tăng 2 - 4%. Biên độ tăng giá đất nền, nhà ở riêng lẻ rất khác nhau giữa các địa phương cũng như tại từng khu vực cụ thể của mỗi tỉnh, thành phố. Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, nếu tính theo mức giá bình quân trên địa bàn cấp tỉnh/thành phố hoặc cấp huyện thì mức độ tăng giá nhà ở riêng lẻ, đất nền tại các địa phương chỉ khoảng 3-5%. Tuy nhiên, tại một số địa phương có hiện tượng tăng giá cục bộ tại một số dự án, khu vực với mức tăng mạnh. Tại Hà Nội, việc đô thị hóa mạnh các vùng Sơn Tây, Thạch Thất, Hoài Đức… đã đẩy giá đất trong làng, xã khu vực này lên mức 25 - 30 triệu đồng/m², tăng khoảng 50% so với 2019. Các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên... cũng tăng 20 - 30% so với năm 2019. Một số địa phương giáp TP Hồ Chí Minh như Bình Dương, Đồng Nai… hay các địa danh du lịch như Phú Quốc, Nha Trang, Vân Đồn, Móng Cái… giá tăng 10%.

Bộ Xây dựng lưu ý, giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở hiện chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính gây bất ổn cho thị trường bất động sản tại một số khu vực, như các khu vực dự kiến quy hoạch lên quận của Hà Nội, khu vực thành lập TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang…).

Hạnh Nhung