Thiết lập thị thực chung để thúc đẩy du lịch
Kế hoạch của Thủ tướng Srettha hình dung một khu vực thị thực duy nhất hoặc chung cho các quốc gia ASEAN lục địa là Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Nếu kế hoạch theo mô hình EU, du khách lưu trú ngắn hạn sẽ có thể đến sáu quốc gia trong tối đa 90 ngày chỉ với một đơn đăng ký.
Sáng kiến này nhằm thúc đẩy lượng khách du lịch, vốn bị suy giảm rất nhiều so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Vào năm 2023, lượng khách du lịch đến các nước ASEAN chỉ đạt khoảng 70% so với mức trước Covid-19, trong đó Thái Lan dẫn đầu với hơn 28 triệu lượt, vẫn còn kém xa so với mức đỉnh điểm của nước này năm 2019 là gần 40 triệu lượt. Trong khi đó, lượng khách đến Malaysia là 20 triệu, Campuchia 5,5 triệu, Lào 3,4 triệu, Myanmar 1,2 triệu và Việt Nam hơn 12 triệu.
Trọng tâm chính của kế hoạch là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chi tiêu của khách du lịch. Khoản thu nhập này chỉ đạt tổng cộng gần 250 tỷ USD vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức hơn 350 tỷ USD vào năm 2019.
Kế hoạch này nhằm tận dụng các điểm nóng du lịch hiện có trong khi kết nối các điểm đến ngày càng phổ biến như Campuchia, Lào và Việt Nam. Đây là một phần trong mục tiêu của chính quyền Thủ tướng Srettha nhằm tận dụng vị trí của Thái Lan như một “trung tâm” ở Đông Nam Á lục địa thông qua kết nối giao thông hàng không.
Chính phủ Thái Lan đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là thúc đẩy du lịch lên 80 triệu du khách vào năm 2027. Đây cũng được đánh giá là một con số bất khả thi vì các sân bay của Thái Lan đã quá tải với 40 triệu lượt khách đến trong khi quá trình mở rộng Sân bay Suvarnabhumi của Bangkok vẫn đang chậm trễ.
Những khó khăn thực tế
Mặc dù chương trình thị thực chung là một ý tưởng thú vị về nguyên tắc, nhưng vẫn có một số thách thức tiềm ẩn. Các quốc gia ASEAN có ba mối quan tâm chính liên quan đến du lịch và nhập cư nói chung — lưu trú quá hạn thị thực, lao động bất hợp pháp và an ninh.
Các điểm đến du lịch lớn như Thái Lan và Malaysia có kinh nghiệm đáng kể trong việc giải quyết tình trạng khách du lịch quá hạn thị thực và chạy thị thực đến các nước láng giềng để liên tục gia hạn thời gian lưu trú. Khách du lịch tham gia lao động hoặc điều hành doanh nghiệp mà không có thị thực phù hợp cũng là một vấn đề thường xuyên xảy ra, từ hoạt động dạy kèm tiếng Anh đến việc gia tăng du khách nước ngoài là các nhà điều hành doanh nghiệp.
Quan trọng hơn, thách thức lớn nhất của ý tưởng này là làm sao giải quyết các mối quan ngại về an ninh quốc gia xuất phát từ mối nguy cơ khủng bố, buôn lậu quốc tế và trở thành nơi ẩn náu cho tội phạm nước ngoài. Những thách thức an ninh tiềm ẩn này phải được cân nhắc với các lợi ích kinh tế.
Thiết lập một khu vực thị thực chung sẽ đòi hỏi sáu quốc gia ASEAN phải xây dựng các quy tắc nhập cảnh chung cho công dân của quốc gia thứ ba, điều phối hoạt động nhập cảnh cho các quốc gia thứ ba và phải chia sẻ một lượng lớn dữ liệu để kiểm tra lý lịch và an ninh của các đối tượng nhập cảnh. Yêu cầu về chia sẻ dữ liệu có lẽ là điều khó khăn nhất và có thể dẫn đến những điểm bế tắc vì các quốc gia thành viên có các giao thức cấp thị thực khác nhau cho công dân của các quốc gia có mối quan tâm an ninh khác nhau.
Một rào cản khác sẽ là tìm một ngôn ngữ chung - có thể là tiếng Anh - cho sáu quốc gia có ngôn ngữ rất khác nhau để xử lý giấy tờ. Nguy cơ tiềm ẩn là vấn đề bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư và năng lực hành chính.
Cuối cùng, rào cản lớn nhất sẽ là chính ASEAN. Sự phát triển không đồng đều giữa các nền kinh tế ASEAN có thể khiến quá trình thực hiện gặp khó khăn. Để chương trình này có thể hoạt động lâu dài, nó đòi hỏi sự tham gia sâu sắc và bền bỉ của các nước thành viên. Khi các quy tắc cuối cùng được thống nhất, chúng phải được áp dụng một cách nghiêm ngặt để bảo đảm các giao thức an ninh, tránh những lỗ hổng do nguy cơ tham nhũng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù ý tưởng về một thị thực chung cho ASEAN có thể khó khả thi về thực tế, nhưng mô hình của nó lại có phạm vi ứng dụng rộng rãi. Ý tưởng về thị thực chung có thể làm cơ sở để thúc đẩy các sáng kiến khác theo phương thức ASEAN-X. Sáng kiến này cho phép một số quốc gia thành viên ASEAN có trình độ phát triển kinh tế cao hơn, hội nhập sâu rộng hơn, có thể đi trước trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, phát triển kinh tế, thương mại và các nước khác tham gia sau.