Thị Mầu (Phần một)

09/01/2007 00:00

Cánh đồng làng Bùng Thượng đứng từ xa trông như một tổ ong lớn. Bầy ong đen, nâu, có chỗ cả đỏ, vàng và biêng biếc tím tụ lại nghìn nghịt quanh chỗ con chúa nằm, tức đình Trinh Liệt. Dễ cả ngàn vạn người, làng xã lân cận cũng kéo sang. Mùa gặt vừa xong. Những cánh ruộng lô nhô gốc rạ bị giày xéo bẩn thỉu. Đám trẻ con được dịp nô thỏa sức, lúc tụ ùn ùn, lúc tản tác lưa thưa. Có đứa giẫm cứt thối hoăng, chùi qua loa vào chân rạ rồi lại lăn vào cuộc chơi.

      Cắc tùng tùng tà rà tùng tùng tùng
      Cắc tùng tùng tà rà tùng tùng tùng!
      Trống dẹp đám khua đến lần thứ mấy mươi, làm rung động đám đông đang bắt đầu mỏi mệt vì đợi chờ, cuộc hành lễ mới bắt đầu. Các bà tế nữ quan vuốt tóc mai xiêm áo, sửa lại vành khăn, mặt mũi nghiêm nghị. Cụ Nhận thọ nhất làng được dắt ra khỏi cơn gà gật, nhấp hớp nước sâm hãm cố ngồi cho ngay lưng. Con bé cháu ngoại sau lưng cụ chăm chú đấm khẽ vào vai, vào lưng bà, chốc chốc cười một mình. Chả là Thắm vừa xem tivi, thấy mình giống thị nữ đấm lưng cho Thái hậu. Thế thôi, còn đoạn lườm nguýt đứt đôi người chàng thị vệ thì chả biết.
      Những ông đông xướng, tây xướng khăn xếp áo the, sau khi đằng hắng mãi, đã ngân nga:
      - Khởi chinh cổ!
      - Củ soát tế vật!
      - Nghênh thần cúc cung bái!
      Bẩy tám lệnh được xướng ra, lâu quá làm cụ Nhận lại li bi thiếp đi, thì chủ tế mới đến lượt. Xấp giấy ông cầm trong tay là bản văn quan trọng nhất của lễ hội, cần phải được bố cáo rõ ràng, to tát, cho thấu đến tai quần chúng, cả bọn trẻ đang nô như giặc ngoài kia. Giáo dục truyền thống mà! Bởi thế, èm èm một hồi vào micrô, ông mới mở nó ra. 
      “Bùng Thượng thôn, Bảo Chung xã, Lương Nhan huyện, Sơn Nam tỉnh, Việt Nam xã hội chủ nghĩa cộng hòa quốc. Nhằm ngày mười tháng mười Tết Cơm mới năm Đinh Mão tức mười sáu tháng mười một năm hai nghìn không trăm... Được sự lãnh chỉ đạo của Đảng ủy, ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc xã cùng sự phối kết hợp tham gia của các đoàn thể thanh niên, phụ lão, cựu chiến binh, nông dân tập thể. Bản chức hương xã cùng giai cấp nông dân Bùng Thượng dọn mình sạch sẽ, kính cẩn dâng hương...”
      “Bà Chúa Chuối Buồng, tên nôm Thị Mầu, tức Ngọc Nga Quận chúa, tức Chiêu Hương liệt nữ, sinh ra trong một gia đình bần cố nông nghèo túng, cả nhà đắp chung tấm chiếu, kiếm ăn rất chi lần hồi. Khi mẹ lâm bồn, bỗng nhiên thân cây chuối ngoài vườn oằn xuống, buồng quả to vụt lên đánh thốt, dậy mùi thơm ơi là thơm. Bèn được đoán định một tương lai nảy nở, tốt nái, sinh mắn như gà, như hoa quả đơm bông. Bà gào to lắm, hễ không được mẹ nhét tấm vú vào mồm thì còn làm điếc tai cả tổng. Đến nỗi mà...”
      Trong hậu cung, ban thờ Thành hoàng bỗng rực lên. “Cháy...! Cháy...!”. Ông chấp sự hô líu lưỡi. Người đổ xô lại. Nhưng vầng sáng, như viên sét hòn lượn đi lượn lại, đã vụt qua lớp ngói dày bay lên cao.


*


      Trên đầu là khoảng xanh vời vợi, thăm thẳm, nhìn đắm con mắt. Dưới kia, bầy ong đông đúc lúc tăm tắp, lúc nhốn nháo theo lệnh trống chiêng. Và ta, bay lượn ở giữa, như con chim chiện cứ treo mình từ nghìn đời, hót mà chả ai lắng nghe. Ta là ai? Sinh ra lúc buồng chuối cựa mình chín tới thì đúng rồi. Nhưng những “quận chúa” với “liệt nữ” khó nghe quá. Thực tình ta muốn là cô bé Thị Mầu tóc đỏ đuôi gà đang chắt chuyền nghển nghển trong đám đông chứ chả phải treo mình thế này.
      Ngày ta sinh ra có tràng hoa cuốn cổ. “Con bé không đanh đá nhưng đa đoan”, thầy bói phán ta có tương lai gieo neo. Mẹ ta cù mì như củ khoai ngất đi. Còn bố, thỉnh thoảng có dòm vào giường cô hàng xóm, quay ra chỗ khác. Bên ấy vừa lọt lòng con Thị Kính, phận phải bị đổ oan tình.


*


      Bài văn tế dừng lại, chẳng hiểu theo thể thức nào, nhưng chắc có phần để người đọc nghỉ lấy hơi. Trống chiêng rộn lên, đoàn tế nữ tiến hai lùi một cung kính. Thừa lúc ai nấy đều nghển cổ, Kễnh quỳ xuống chắp hai bàn tay xỉa rất mạnh vào đít thằng Cộ đứng đằng trước. Rất kinh hoàng, nó thấy tay mình ướt sũng, thối hoăng. Đám đông tán loạn.
      Giọng đọc đã cất lên làm trật tự trở lại. “Vào thời Bà Chúa chào đời, Bùng Thượng là vùng đất bờ xôi ruộng mật. Hạt thóc lép vãi xuống cũng trổ cờ đâm bông oằn thân lúa. Hẳn là vì hấp thụ được linh khí trời đất mà tuy chỉ ăn rặt hương hoa, Bà Chúa vẫn lớn nhanh như thổi. Mười bốn tuổi, mình mẩy vươn thẳng như dóng tre, chúm chím đôi chũm cau, da dẻ ngọt lịm như phù sa sông Bùng. Mười sáu thì nhất làng rồi...”


*


      Mỗi khi ta ra giếng làng kín nước, đám đàn ông có vợ dán mắt vào bắp chân ta nâu hồng. Lũ trai tân thật ngộ, đứa hấp háy thảng thốt, đứa ngây ngây vào đám bèo ong. Chị Nhài con dâu ông Lý Mùi bảo “xưa chị nhất làng, giờ thì em ăn đứt...”. Ta cười ngượng. Chị Nhài hai mốt, đã ba con mà môi ăn giầu cắn chỉ, răng đều tăm tắp, mắt sâu như lòng giếng. Nhưng chị buồn, ta biết, vì phải ông chồng cao to đen hôi vầy vợ như vần cối, chắc chẳng bao giờ được ôm ấp nâng niu. Và lũ em chồng. Sao mà những mũi xanh mắt ghèn tanh hôi. Sao mà những tám đứa. Mẹ chồng chị mềm oặt như manh giẻ, chùi chân còn phát khiếp. Dẫu sao, Nhài là chỗ mong ước của khối chúng chị em.
      Ta với Thị Kính trèo lên cây cậy lấy nhựa phất diều. Cu Đán cầm lồng chim qua, bảo có đổi lấy diều. Ta bảo chả báu, chim trong lồng còn gì là quý, Kính tụt xuống ngắm mãi con sáo đá, “thương nhỉ thương nhỉ” mãi.
Đến thúc sưu, nhìn ta đập lúa ngoài sân, Lý Mùi bảo: “Con gái lưng dài như chó liếm cối, l. bằng lá tre, gả chồng đi thôi. Để ta nói với cụ đồ Phan sang hỏi. Có ưng không?” Cha ta ấp úng: “Dạ, con đang tính chưa ra...” Mẹ chạy vào: “Được chòi mâm son lại còn tính. Dạ, ông cứ đặt đâu chúng con ngồi yên không vẫy tai”. Ta giằng mạnh cái néo, quăng ôm lúa ra rõ xa.
      Ông đồ họ Phan có con trai là Thiện Sĩ mặt trắng ẻo lả, tướng trói gà không chặt, suốt ngày nói chữ Thánh hiền. Đi giữa đàng thấy mảnh giấy bẩn có chữ  Nho, anh ta rửa tay, giũ áo kính cẩn nhặt lên đem đốt, bảo không để gót phàm phu xéo vào. Chúng ta đang cấy dưới ruộng ới “xuống đây với chúng em cậu ơi”, thì đăm chiêu rằng “tôi chả dám. Đang học để sang năm nữa đi trường Nam thi Hương. Các chị nghịch lắm, để mà rơi mất chữ à”.
      Thiện Sĩ được nhà giao phận sự thi đỗ, làm quan cho vinh hiển. Chả biết có quyết chí? Vì ta thấy ngủ nhiều, thỉnh thoảng ho khan, da bủng, nói năng không giống kinh sách thì cũng đối tỷ những câu không đâu vào đâu, cứ như thằng ấm đầu. Ta thích nho sinh như Đức Trường hơn, chẳng chăm chỉ lắm nhưng mắt nghịch ơi là nghịch. Giá thử Trường chưa có vợ... Nhưng ta là gái, có thế đã làm được gì sất?
Dầu sao Tết năm ấy ta đã ăn sêu của nhà đồ Phan. Thiện Sĩ có thích ta? Chắc là có! Mơn mởn thế này mà.
Sao mà ta chẳng biết mình có thích cậu chàng một téo...


*


      Chả hiểu tung tóe đâu vào con gà mái già. Cậu trống choai theo sau lấy giọng bấy bớt hát đứt quãng, chạy vòng quanh rồi nhảy lên rất khó khăn. Cảnh ấy làm đám tế bớt trang nghiêm. Ông com lê com táo trịnh trọng hấp háy với ông răng thuốc lào hoành tráng: “Mái già thế mà chê thanh niên, nhể”.


*


      Ra giêng ta đi hội Sủi làng bên. Đang nô với chúng chị em thì gặp Thiện Sĩ tay cắp ô tay cầm quạt. Ai nấy tản ra làm cả hai lúng túng. Ta “chào cậu” rồi đứng yên, chỉ nghe tiếng phành phạch. Bỗng nhiên hỏi “cậu có thích chèo Trương Viên không?” Thiện Sĩ rạp người vái lên sân trò rồi quay lại ấp úng: “Nôm na mách qué ta không rành. Còn chị sao xắn cao quần, hổn hển làm vậy. Đức Khổng Tử dạy đàn bà con gái phải giữ lễ...”. Mà sao mắt cứ cụp xuống không nhìn. Má ta đang rực cả lên, sao có cái giống không nhìn? Ta đứng ra bề chịu lời nhưng nghĩ đến mục quang của Đức Trường, sao mà sáng, phát lộ bề bề.
      Chèo Trương Viên vui ơi là vui, xong rồi thì buồn, làm ta cười rưng rức. Những hề mồi, hề gậy dẹp đám, những cu Sứt cu Khoèo, giá cuộc đời chỉ toàn thế; một ngày Tết kéo dài cho đến lúc người ta lụ khụ rồi nhắm mắt xuôi tay, vui thế mới vui...


*


      Theo một thể lệ trong cuốn “Quy định về lễ hội” Sở Văn hóa mới phát ra, cuộc cúng tế chỉ bắt đầu ở đình Trinh Liệt, rồi dẫn rượu qua những nơi xảy ra các sự kiện trọng đại trong đời Bà Chúa. Lếch thếch, nhem nhuốc theo cỗ kiệu rước bài vị, cả ngàn người lèn trên con đường ra cánh đồng Đơm. Chen chúc quá, đến nỗi có người rớt xuống sông tiêu. Số giẫm cứt trâu nhiều vô kể. 
      “Hiến Tông là một vì Vua anh minh cao cả, thường vi hành trong dân gian để thị sát chúng sinh, xem chức sắc hương xã lãnh chỉ đạo thế nào. Nhằm ngày... ấy nọ, Ngài vi hành về Bùng, lập hành cung trên cánh đồng Đơm...”


*


      Ngày ấy nọ làm sao ta nhớ nổi. Chỉ biết lúc ấy đất trời đẹp vô tả. Ngoài đê sông tiêu, buồm nâu trôi lững thững. Những con bách thanh lắm điều tranh nhau đống cứt. Lúa trổ thơm ngậy ngà đến rạo rực, đánh thức một cái gì rất khó nói. Ta vừa nhổ cỏ vừa đoán xem “nó” là cái gì, cái ta muốn màu hồng hay biêng biếc, mông chổng lên mà đầu phải gằm xuống, rất là không thích thế. Thì thầy lý Mùi dẫn một quan viên áo gấm thêu hoa thêu chữ tới, gọi cả bọn dưới ruộng lên.
      - Ngài Ngự thích ăn chuối tiêu chín tới – Vị quan viên cất giọng the thé – Nhà các chị ai có?
      Ta mau mắn dẫn hai vị về nhà. Hiềm vì cây chuối mọc sát chuồng tiêu, thơm ngon đấy nhưng dễ uế tạp. Ông lý rất băn khoăn, nhưng vị quan viên gạt đi. “Trong cung có kén được hoa thơm quả ngọt mọc ở đâu đâu!”
      Vậy là ta bươn bả bưng buồng chuối mười sáu nải, đúng bằng tuổi ta. Đồng Đơm rạp cờ phướn võng lọng, hương xã và các chú lệ tất bật căng lều dựng hành cung. Ta xăm xăm xông vào đám, thì vị quan viên “họ” lại, bảo xuống ao khỏa chân lấm với lại vuốt lại đám tóc mai ướt rượt mồ hôi đi. Ta đặt buồng chuối xuống, dù khẽ khàng mà một quả buồng sau vẫn rụng, tỏa hương bồng bềnh.
      Có con đỉa bám vào bắp chân. Đương chổng lên, đắp nước bọt vào miệng nó thì có tiếng thét: “Không được quay lại! Quỳ xuống!” Ta luống cuống ngâm nửa người xuống làn nước trâu đầm, nghe nhồn nhột vài con nữa ở đùi, ở bụng. Mặt gằm sát nước, chỉ biết sau lưng có tiếng hia bước khe khẽ, dao mác thậm thịch. Một tẹo thì họ trở lui. Chả ai bảo sao, cơ mà ta phải ngâm chốc nhát nữa mới dám lên.]


*


      “Chính tại nơi đây, chỗ chúng ta đang dừng chân, tức cánh đồng Đơm, đã diễn ra cuộc trùng phùng với đấng Quân Vương. Bà Chúa được lâm hạnh...”


*


      Buổi chiều ta đang đẽo chạc ổi cho em Tam thì họ đến. Truyền rằng: “Thị Mầu con Binh Lượng ra hành cung hầu hạ!” Mẹ ta cuống lên bứt xơ mướp bảo cọ sạch chỗ nhựa quậy, xin phép cho cháu tắm gội tý chút ạ. Gì gì đều gạt đi, rằng không cần, nhà chị có phúc lắm mới được gọi vậy.
      Ta tất tả đi. Mẹ khóc, không hiểu sao. Cha mặt cứ đuỗn ra, rít chín thôi thuốc lào ngã chổng kềnh. Nhác thấy sau búi tre đồ Phan và Thiện Sĩ, bố con đều nhàu nhĩ, thảng thốt. Ta không muốn. Hình như chả ai muốn. Nhưng nỗi sợ đã làm tất cả hóa đá.
      Vị the thé bảo ta bước lại chỗ màn quây, bên trong có chum có gáo, bắt tắm rửa. Rồi lính khiêng đến thùng gỗ lớn kín đầy nước nóng, bỏ vào hương nhu, lá bưởi, sả nhánh, rễ hương bài, những thứ mẹ xông cho ta lúc nóng sốt. Trong buồng quây chỉ còn vị quan viên, ông bắt ta cởi hết xống áo bước vào ngâm. Thẹn đến chín người, mà ông ta như đứng trước thân cây gỗ.
      Truyền rằng Mầu ngươi được Đức Thánh Thượng chọn. Hãy làm Ngài vui lòng, ngâm nước thơm cho bớt mùi nông phu đi. Không được làm gì uế tạp cho xú khí khỏi vương vào da dẻ. Vì thế mà ta muốn đi tiểu đến chết mà chẳng dám. Nhưng tránh sao được vài giọt nhểu ra. 
      Một người đàn bà, có lẽ là cung nữ gì đấy, quấn ta lại bằng vuông lụa bạch mát ơi là mát, chỉ để hở mặt mũi. Ba người lính nâng ta bê sang một “căn phòng” khác, cũng chỉ bằng mùng quây lại, đặt nằm ngay xuống đất. Quay sang trái rồi sang phải, té ra là triền đê sông tiêu, chỗ ta hay cắt cỏ và nô nghịch, có khi lăn tròn từ mái xuống dệ. Bên trên, trời xanh ơi là xanh, chẳng gợn vảy mây. Ta khát khô cổ, chẳng dám kêu.
      Rồi Đức Kim Thượng bước vào, bóc tấm vải bọc thân ta trần truồng, ngắm nghía giờ lâu mới ấp mặt hít hà. Tay ngài khô và lạnh, bộ râu lưa thưa quét trên da chẳng dễ chịu. Ngượng ngùng và sợ hãi, ta cứ nhắm nghiền mắt, cứng hết người. Mình rồng phủ lên người ta nhưng không đi vào, chỉ hít hà đám tóc rối, dụi trên cần cổ. Nhột nhạt không chịu nổi. Lủng lẳng giữa hai chân Ngài là đám bèo nhèo, mềm oặt. Được một khắc Ngài nhỏm dậy mặc lại long bào. Ta thu lu trong tấm lụa, gục đầu xuống gối chẳng dám nhìn.
      - Cô là thôn nữ ở Bùng à? Da không mịn nhưng mình mẩy thơm lắm.
      Đức Vua lẩm bẩm, không rõ là có nói với ta. Lấy hết can trường, ta ngẩng lên nhìn vào Ngài. “Bệ hạ có vừa lòng không ạ?”.
      - Trẫm xong rồi. Nhà ngươi vẫn là trinh nữ.

(còn nữa)

Trần Chiến

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thị Mầu (Phần một)
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO