Thi đua yêu nước ở Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2020 - 2025: Thấm nhuần tư tưởng "Vì dân"
Chọn dấu mốc 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh để tổ chức tuyên dương những tấm gương điển hình tiên tiến trong hoạt động tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã bày tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc đến vị Cha già của dân tộc với quyết tâm bước tiếp trên con đường cách mạng mà Đảng và Bác đã chọn; góp phần để "đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"; làm cho dân giàu, nước mạnh.
Càng khó khăn, càng phải thi đua
Hơn 20 năm thực hiện sứ mệnh chính trị mà Đảng, Nhà nước giao, NHCSXH - với phương thức hoạt động đặc thù đã trở thành công cụ trụ cột trong giảm nghèo của Chính phủ; đồng thời, góp phần đưa Việt Nam thành điểm sáng trong giảm nghèo bền vững của khu vực và thế giới.
Chia sẻ với cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, giai đoạn 2020 - 2025 là một chặng đường đặc biệt quan trọng, diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai (đặc biệt là cơn bão số 3-Yagi có cường độ mạnh nhất trong vòng 30 năm qua) và biến động kinh tế toàn cầu.
.jpg)
Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, cùng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, thực hiện các quyết sách kịp thời của Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau thảm họa dịch bệnh và thiên tai; thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thi đua là yêu nước, càng khó khăn thì càng phải thi đua; toàn hệ thống NHCSXH thể hiện tinh thần đoàn kết, linh hoạt, sáng tạo và quyết liệt cùng với sự đồng hành của các cấp, các ngành, đã quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao.
Đồng thời, tiếp tục khẳng định vai trò "bà đỡ" cho người nghèo và các đối tượng chính sách, đưa tín dụng chính sách xã hội đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong 5 năm qua, hàng triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh viên, người lao động và các đối tượng chính sách khác đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Những kết quả quan trọng đó là thành quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, Hội đồng quản trị NHCSXH, là minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, của cấp ủy, chính quyền các cấp và không thể thiếu những tập thể đoàn kết, sáng tạo, những cá nhân tận tâm, tận lực trong hệ thống NHCSXH đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, đưa vốn đến tận tay người dân một cách kịp thời, minh bạch và hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Quy tụ và phát triển nguồn vốn
Đối mặt với hàng loạt khó khăn thách thức trong giai đoạn 2020 - 2025, NHCSXH đã tích cực tham mưu, phối hợp cùng với ban, bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương và 4 tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp; vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần bảo vệ thành quả giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước; đáp ứng ngày một nhiều hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo, đối tượng chính sách và thực hiện định hướng mở rộng phạm vi, quy mô, đối tượng, nâng mức cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và các chính sách nhằm ứng phó kịp thời với dịch bệnh, thiên tai trên diện rộng.
.jpg)
Đến 30/4/2025, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 411.812 tỷ đồng, tăng 199.918 tỷ đồng (94,3%) so với đầu giai đoạn, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 12,8% (cao hơn so với bình quân tăng trưởng nguồn vốn ở giai đoạn trước). Riêng nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương các cấp đạt 60.374 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giai đoạn này nguồn vốn nhận ủy thác cấp tỉnh đạt 49.981 tỷ đồng, nguồn vốn nhận ủy thác cấp huyện đạt 10.393 tỷ đồng, tăng 44.940 tỷ đồng (291,2%), bình quân tăng trưởng hàng năm đạt 27,9%; đưa tỷ trọng nguồn vốn ủy thác địa phương so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW từ 3% lên 14,6% trên tổng nguồn vốn tín dụng.
Như trên đã nói, giai đoạn 2020 - 2025, tình hình kinh tế - xã hội đất nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, thường xuyên, trên diện rộng… Song, Đảng, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm, bố trí nguồn lực lớn cho hoạt động tín dụng chính sách.
Nguồn cấp vốn điều lệ, vốn thực hiện một số chương trình tín dụng, cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm bố trí đủ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; có chế độ cho vay tái cấp vốn từ NHNN; cho phép nâng hạn mức phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh... đặc biệt, Quốc hội ban hành Nghị quyết 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 về một số chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, tạo thuận lợi cho các địa phương trong bố trí nguồn vốn từ đầu tư công, đầu tư phát triển khác và kinh phí thường xuyên... để tăng cường nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH.
Bên cạnh đó, NHCSXH đã triển khai nhiều giải pháp, khuyến khích các địa phương, các chủ đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, ủy thác vốn qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay theo phương châm "Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm", "Trung ương và địa phương cùng làm"… Do vậy, đã huy động được nguồn vốn lớn, đa dạng, tạo sự chủ động trong triển khai tín dụng chính sách.
Chủ động được nguồn vốn, mỗi cán bộ tín dụng lại lăn xả vào công cuộc chuyển tải kịp thời và đầu tư hiệu quả đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.
Nhiều chính sách tín dụng được điều chỉnh, bổ sung đa dạng mục tiêu, mở rộng đối tượng thụ hưởng, điều chỉnh nâng mức cho vay, kéo dài thời hạn cho vay… góp phần bảo đảm mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra từ thực tiễn của đất nước như: chính sách tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; cho vay phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch; cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù...
Các chương trình tín dụng được NHCSXH phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai kịp thời; từng bước quan tâm đẩy mạnh hỗ trợ tín dụng đồng thời với hỗ trợ phi tài chính cho người nghèo và các đối tượng chính sách thông qua hoạt động khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích người dân tham gia các chuỗi sản xuất liên kết… để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.