Thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm

Khánh Dương 24/10/2015 11:20

(ĐBNDO) - Lần đầu tiên nước ta thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở tuyến quận/huyện, phường/xã tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm được giữ lại 100% để chi cho hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm tại cấp quận, phường, thay vì nộp về ngân sách Nhà nước như trước đây. Đó là thông tin được chia sẻ tại Hội nghị thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) vừa diễn ra tại Hà Nội.

10 quận, huyện cùng 20 xã, phường triển khai thí điểm
 
Theo Quyết định số 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9.9.2015, từ ngày 15.11 tới đây, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ chính thức thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn. Vừa qua Sở Nội vụ Hà Nội đã tổ chức 2 cuộc họp với các Sở ngành liên quan như Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thống nhất danh sách các quận/huyện sẽ triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP. Theo đó, mỗi thành phố sẽ chọn ra 5 quận/ huyện và 10 xã/phường để tổ chức thí điểm.
 
Tại Hà Nội, 10 phường xã và 5 quận huyện của Hà Nội được chọn để thí điểm gồm: phường Quán Thánh, phường Thành Công - quận Ba Đình; phường Phương Liệt, phường Láng Hạ - quận Đống Đa; phường Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 - quận Nam Từ Liêm; xã Uy Nỗ, xã Kim Chung - huyện Đông Anh; thị trấn Thường Tín và xã Tô Hiệu - huyện Thường Tín. Ở cấp quận/huyện thì giao cho cán bộ thuộc các phòng y tế, kinh tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, trung tâm y tế, đội quản lý thị trường. Cấp xã/phường thì giao cho cán bộ thuộc biên chế của trạm y tế, công chức phụ trách nông nghiệp, kinh tế. Trong quyết định của Chính phủ không tăng thêm biên chế mà sử dụng lực lượng tại địa phương để làm việc này. Lực lượng này sẽ được giao toàn quyền thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử phạt các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm được giữ lại 100% để chi cho hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm tại cấp quận, phường, thay vì nộp về ngân sách Nhà nước như trước đây.
 
Chia sẻ về vấn đền này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trước đây chúng ta chỉ thanh tra ở cấp tỉnh, thành phố. Đây là lần đầu tiên nước ta triển khai thí điểm tại cấp quận/huyện, xã/phường. Chương trình sẽ thí điểm trong 1 năm, lần thí điểm này các đơn vị sẽ triển khai quyết liệt và phải có chuyển biến. Nếu người dân còn phàn nàn về ATTP thì không được.

 
Ảnh minh họa Nguồn: doanhnghiepvn.vn
Ảnh minh họa Nguồn: doanhnghiepvn.vn

Xử phạt hơn 24 tỷ đồng cơ sở vi phạm ATTP
 
Báo cáo của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho thấy, 9 tháng năm 2015, cả nước có trên 20.641 Đoàn thanh tra, kiểm tra về An toàn thực phẩm được thành lập và hoạt động, kiểm tra 344.657 cơ sở. Trong đó, có 77.946 cơ sở vi phạm. Số cơ sở vi phạm bị xử lý là 12.980 cơ sở, tổng số tiền xử phạt lên tới hơn 24 tỷ đồng. Gần 65.000 cơ sở chỉ bị nhắc nhở, không xử lý. Đặc biệt, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương dẫn đầu về số lượng hàng hóa không đạt bị phát hiện, xử lý nhiều với hàng chục tấn sản phẩm các loại.
 
Về kết quả kiểm nghiệm mẫu, Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong tổng số 133.088 mẫu xét nghiệm (bao gồm xét nghiệm hóa lý, vi sinh, xét nghiệm nhanh), có 15,73% mẫu không đạt chuẩn. Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho rằng, một trong những bất hợp lý trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là nhân lực tại một số tỉnh, thành phố chưa được hoàn thiện về tổ chức, biên chế; chưa có bộ phận tham mưu về thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm; chưa được Sở Y tế giao thực hiện thanh tra, kiểm tra đầy đủ các nhóm thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành y tế, trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm ở Trung ương và địa phương còn mỏng.
 
Đặc biệt, tuyến huyện (quận, thị) và xã (phường, thị trấn) chưa được giao chức năng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, bên cạnh đó tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng không được thẩm định nội dung và quảng cáo không đúng với nội dung được thẩm định, Cục đã quyết liệt xử lý, song vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm; các trang thông tin điện tử không chính thống và các trang mạng xã hội quảng cáo tràn lan thực phẩm chức năng, nhưng khó khăn trong khâu xử lý vi phạm.
 

 UBND TP Hà Nội vừa đề nghị Thường trực HĐND TP chấp thuận chủ trương đầu tư Chương trình Kiểm tra chất lượng ATTP bằng phương pháp kiểm nghiệm nhanh tại các chợ đầu mối nông sản, thủy sản thực phẩm trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016 - 2025. Giai đoạn 1 (2016 - 2020) đầu tư 5 xe kiểm nghiệm chuyên dùng có trang bị thiết bị, dụng cụ hóa chất để kiểm tra lưu động, nhanh tại 9 chợ đầu mối trên địa bàn thành phố, thí điểm 1 xe hoạt động dịch vụ kiểm nghiệm nhanh tại các chợ. Giai đoạn 2 (2021 - 2025), thành phố sẽ xây dựng 9 phòng kiểm nghiệm nhanh cố định tại các chợ.

 
    Nổi bật
        Mới nhất
        Thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO