Thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học: Vừa làm vừa khắc phục khó khăn

Thùy Dương 22/09/2010 00:00

Năm học 2010 - 2011, Bộ GD - ĐT tổ chức dạy thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học theo đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020. Tuy nhiên, việc thí điểm Đề án này đang đặt ra nhiều bài toán cần giải quyết cho các nhà quản lý giáo dục, giáo viên và cả học sinh.

Dạy ngoại ngữ cho học sinh tiểu học: cần thiết

Tiếng Anh là một trong những ngôn ngữ quốc tế thông dụng nhất trên thế giới hiện nay. Theo Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam Nguyễn Lộc, học tiếng Anh ở tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, đồng thời là một trong những điểm khởi đầu quan trọng góp phần vào việc hình thành và phát triển kỹ năng học tập suốt đời, năng  lực học tập tương lai và khả năng tham gia các hoạt động văn hóa -  xã hội.

Học tiếng Anh tiểu học còn tạo nền tảng cho việc tiếp tục học tiếng Anh ở các cấp học tiếp theo cũng như trang bị những kỹ năng học ngoại ngữ cơ bản để học các ngôn ngữ khác trong tương lai. Ngoài ra học tiếng Anh còn giúp học sinh hình thành năng lực diễn đạt ý tưởng cá nhân một cách tự tin, độc lập và sáng tạo. Vì vậy, chương trình tiếng Anh tiểu học được xây dựng dựa vào nhu cầu xã hội và đặc điểm tâm sinh lý của học sinh tiểu học. Theo Bộ GD - ĐT, chương trình tiếng Anh tiểu học được áp dụng từ lớp 3 với thời lượng 4 tiết/tuần theo các chủ điểm, chủ đề quen thuộc, gần gũi với học sinh; quan tâm đến 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, trong đó ưu tiên phát triển 2 kỹ năng nghe và nói. Theo Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển, chương trình tiếng Anh tiểu học quy định mục tiêu đầu ra và chỉ dẫn mục tiêu cụ thể từng giai đoạn. Bộ đã xây dựng bộ tài liệu dạy học tiếng Anh và hướng dẫn thực hiện chương trình. Giáo viên sử dụng bộ tài liệu do Bộ hướng dẫn và thực hiện theo phân phối chương trình của Bộ để thiết kế và triển khai giảng dạy.

Trình độ và số lượng giáo viên còn xa với khả năng thực tế 

Theo quy định, giáo viên dạy chương trình tiếng Anh tiểu học thí điểm có trình độ cao đẳng sư phạm tiếng Anh trở lên và đạt yêu cầu trong đợt khảo sát năng lực tiếng Anh do Bộ GD - ĐT tổ chức hoặc có chứng chỉ TOEFL 550/IELTS 6.0 vào cuối năm học 2010 - 2011. Tuy nhiên, với yêu cầu như vậy, để đủ giáo viên dạy Chương trình thí điểm là cả một vấn đề không dễ dàng chút nào. Đơn cử, trong số 147 giáo viên được khảo sát chỉ có 28 người đạt được 550 TOEFL; 88 người đạt trên 400 TOEFL. Vì vậy, để đủ giáo viên dạy, năm nay Bộ đành tạm chấp nhận những giáo viên đạt từ 400 điểm TOEFL. Bên cạnh đó, đối tượng giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học lấy từ giáo viên tiếng Anh của THCS và THPT để “lấp chỗ trống” vì chưa có giáo viên tiếng Anh tiểu học được đào tạo bài bản nên kỹ năng nghiệp vụ sư phạm tiểu học còn thiếu. Mặt khác, nếu lấy tiêu chuẩn có chứng chỉ TOEFL 550/IELTS 6.0 mà không có khả năng sư phạm thì rất khó để tiếp cận với phương pháp sư phạm của học sinh tiểu học. Trong khi đó, do môn tiếng Anh là môn tự chọn nên giáo viên tiếng Anh không có biên chế. Điều đó gây khó khăn cho các trường thí điểm trong việc đủ giáo viên để dạy thí điểm. Đại diện Sở GD - ĐT Nghệ An cho rằng, nếu giáo viên không đạt chứng chỉ TOEFL 550/IELTS 6.0 không tiếp tục được dạy, vậy trường đó có được tiếp tục thí điểm nữa hay không. Nên chăng, trước mắt cần có phương pháp đào tạo tiếp cho giáo viên và Bộ cũng cần phải có định hướng bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Anh lâu dài. Giám đốc Sở GD - ĐT Lào Cai Trương Kim Minh cho rằng, dạy ngoại ngữ trong các trường tiểu học và mầm non là rất quan trọng, nhất là vấn đề nghe, nói. Nên yêu cầu đặt ra cần giáo viên chuẩn về trình độ ngoại ngữ và chuẩn cả về trình độ sư phạm. Giám đốc Sở GD - ĐT Lào Cai Trương Kim Minh đề nghị, Bộ mở rộng chương trình thí điểm dạy tiếng Anh cho tiểu học ra các trường khác và đưa chương trình này vào Chương trình mục tiêu quốc gia.

Dạy và học thế nào cho phù hợp với học sinh tiểu học?

Đối với học sinh, khi chương trình tiếng Anh tiểu học được áp dụng từ lớp 3 với thời lượng 4 tiết/tuần sẽ đẩy số tiết trong tuần học của học sinh lên cao, ảnh hưởng đến số tiết của các môn học khác, đồng thời có ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh. Theo quy định của Bộ GD - ĐT, các trường dạy 2 buổi/ ngày số tiết buổi sáng sẽ là 4 tiết, buổi chiều 3 tiết. Nếu tăng số tiết tiếng Anh sẽ làm tăng số tiết mỗi buổi học. Như vậy có sai so với quy định của Bộ? Các trường vùng đồng bằng hay thành phố còn có đủ điều kiện cơ sở vật chất, các trường miền núi điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên thiếu thốn vô cùng. Đấy là chưa kể đến việc, những tỉnh có tới trên 80% học sinh tiểu học là người dân tộc thì việc vượt qua được “rào cản” ngôn ngữ để học trò học tốt được tiếng Việt cũng đã khó.

Ở giai đoạn tiểu học, năng lực nhận thức của học sinh được hình thành và phát triển trên cơ sở tư duy cụ thể. Do vậy, việc dạy và học tiếng Anh cho học sinh tiểu học cần xuất phát từ những sở thích, hứng thú và trải nghiệm của các em. Học sinh ở độ tuổi tiểu học có khả năng học một ngôn ngữ mới và có thể đạt kết quả học tập tốt khi việc học ngôn ngữ dựa trên hệ thống chủ điểm thú vị, hấp dẫn và gần gũi với đời sống hàng ngày của các em. Theo Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam Nguyễn Lộc, học sinh tiểu học chưa có khả năng nắm bắt một cách hệ thống và phân tích ngôn ngữ một cách có ý thức nên phương pháp học tốt nhất của học sinh ở độ tuổi này là học thông qua các hoạt động, nghĩa là tạo cơ hội cho học sinh tham gia một cách tích cực và chủ động vào các hoạt động giao lưu, hình thành các kỹ năng ngôn ngữ thông qua tình huống giao tiếp phong phú và hấp dẫn. Và nên chăng, Bộ GD - ĐT cần có kế hoạch cụ thể quản lý Chương trình thí điểm tiếng Anh cho học sinh tiểu học. Ví dụ như việc thi tuyển, đánh giá, xếp loại giáo viên ra sao, các tiết học đó sẽ dạy như thế nào, cần có kế hoạch nhất định kiểm tra cả “đầu vào” và “đầu ra” của học sinh.

Theo Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển, sau khi học xong Chương trình tiếng Anh tiểu học, học sinh có thể đạt được tình độ tiếng Anh tương đương cấp độ A1 của Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ. Trên cơ sở cấp độ A1, trình độ tiểu học của học sinh được chi tiết hóa thành 3 cấp độ tương ứng với từng lớp: hết lớp 3, học sinh sẽ đạt trình độ A 1.1; hết lớp 4, học sinh sẽ đạt trình độ A 1.2 (tương đương trình độ Starters của Cambridge ESOL); hết lớp 5, học sinh sẽ đạt trình độ A 1.3 (tương đương trình độ Movers của Cambridge ESOL).

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học: Vừa làm vừa khắc phục khó khăn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO