Thi công cuốn chiếu, tập trung và dứt điểm

Thanh Hải 25/06/2022 05:36

Với tầm quan trọng, khả năng lan tỏa của 3 dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các Nghị quyết về chủ trương đầu tư 3 dự án này với tỷ lệ thống nhất cao. Điều quan trọng nhất bây giờ là phải triển khai nhanh, hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, sớm khởi công, thực hiện 3 dự án để bảo đảm đúng thời hạn và chất lượng. 

“Lộ thông thì tiền sẽ thông”

Đánh giá về 3 dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) khẳng định, đây là những dự án rất quan trọng và có ý nghĩa cấp bách. Bởi, cùng với dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ có cơ chế đặc thù để tạo sự lan tỏa cho vùng duyên hải miền Trung và kết nối với vùng Tây Nguyên. Hay như, với dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ giúp giải quyết điểm nghẽn về hàng hóa đến cảng Thị Vải - Cái Mép hiện còn rất nhiều tiềm năng để khai thác. Còn dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ tạo một trục ngang của đồng bằng sông Cửu Long để kết nối các tỉnh gắn với các cảng biển.

Cùng với 3 dự án đường bộ cao tốc nêu trên, tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua các Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh và đường vành đai 4 TP. Hà Nội. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, chưa bao giờ ngành giao thông được quan tâm đặc biệt như hiện nay. Đây là những dự án phải ưu tiên, bởi “lộ thông thì tiền sẽ thông”.

Phân tích cụ thể hơn, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, giao thông thuận tiện sẽ thúc đẩy lưu thông hàng hóa, giúp đi lại thuận tiện, từ đó, thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác phát triển. Trong đó, các tuyến đường cao tốc vừa được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư mở ra cơ hội giảm chi phí logistics, vận chuyển hàng hóa - đây vốn là điểm nghẽn khiến đánh giá năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam còn thấp.

Với góc nhìn của địa phương, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường cho rằng, nếu không có cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, với hạ tầng giao thông như hiện tại, chỉ vận chuyển hành khách cũng đã rất ách tắc, chưa nói đến chuyên chở hàng hóa. Bình Dương và Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu là các địa phương có rất nhiều khu công nghiệp. Riêng hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, mỗi năm các khu công nghiệp đóng góp cho ngân sách địa phương hàng trăm tỷ đồng. Nếu không có giao thông phát triển thì các khu công nghiệp sẽ không thể phát triển xứng tầm.

Tránh đầu tư dàn trải

Việc cùng lúc triển khai cả tuyến cao tốc Bắc Nam, tuyến đường Hồ Chí Minh, các cao tốc, các đường vành đai cũng đặt ra nhiều thách thức. Trong đó, qua thảo luận tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội e ngại trong bối cảnh giá cả hàng hóa gia tăng, giá nguyên vật liệu tăng có thể làm thay đổi tổng mức đầu tư của từng dự án. Điều này sẽ gây áp lực đến nguồn vốn thực hiện. Cùng với đó là những băn khoăn về nguồn vốn thực hiện thuộc trách nhiệm của các địa phương, vì một số tỉnh có dự án đường cao tốc đi qua nhìn chung thu ngân sách còn thấp...

Những lo lắng trên đây đã được tháo gỡ bởi nhiều quy định cụ thể trong 3 Nghị quyết về chủ trương đầu tư 3 dự án đường bộ cao tốc được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Ba. Đơn cử như, với dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, tại Nghị quyết của Quốc hội đã xác định cụ thể nguồn ngân sách địa phương là 3.823,5 tỷ đồng, với những con số rõ ràng nguồn ngân sách của từng địa phương có đường cao tốc đi qua. Quy định rõ ràng nguồn ngân sách địa phương cũng được thể hiện trong hai Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Kỳ vọng tiến độ hoàn thành của 3 dự án cao tốc trên vào năm 2026 như quy định tại Nghị quyết của Quốc hội, đại biểu Quản Minh Cường lưu ý, phải có quyết tâm lớn trong quá trình triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội vì thực tế chưa khi nào chúng ta cùng lúc triển khai nhiều dự án cao tốc như vậy. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, trong giai đoạn hiện nay, cần làm cuốn chiếu, làm tập trung, thành phần nào dứt điểm được thì làm dứt điểm, tránh đầu tư dàn trải. “Trong những năm 2010 - 2012, chúng ta đã chứng kiến hàng loạt các dự án dở dang gây lãng phí rất lớn. Đấy là bài học 10 năm trước, chúng ta phải cố gắng khắc phục để đừng để lặp lại trong giai đoạn hiện nay”, đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý.

Tại mỗi Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc đều quy định cụ thể về cơ chế, chính sách, trách nhiệm của Trung ương, của địa phương, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt. Với những cơ chế, chính sách này, nhiều đại biểu Quốc hội chia sẻ, khi tiếp xúc cử tri đã nhận được nhiều ý kiến tin tưởng vào sự thành công của các dự án đường bộ cao tốc vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua. 

Việc quan trọng nhất sau khi được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư chính là khâu tổ chức triển khai thực hiện. Vì thế, Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương phải bắt tay vào thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của mình. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải cần tiến hành lập dự án đầu tư, đánh giá tác động môi trường... để có thể lần lượt khởi công xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc này ngay trong năm 2023.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thi công cuốn chiếu, tập trung và dứt điểm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO