Thi ca Thổ Nhĩ Kỳ đổi hướng
Sử thi - biểu tượng - dân tộc
Người Thổ Nhĩ Kỳ đã có truyền thống làm thơ từ hơn 1.000 năm. Dòng văn học “ghế đệm xốp” (có thể hiểu là “cung đình”) khởi đầu từ khoảng thế kỷ XIII chịu ảnh hưởng của thơ cổ Ba Tư, còn thơ hiện đại xuất hiện trong thế kỷ XIX thì thấy rõ ảnh hưởng của thơ phương Tây.
Từ thập niên 1920, với những tác phẩm trữ tình mang tính sử thi của Nâzim Hikmet (1902 - 1963), thơ Thổ Nhĩ Kỳ mang hình thức mới và bắt đầu có diện mạo trên thi đàn quốc tế. Lứa nhà thơ tuổi đôi mươi trong thập niên 1940 đi theo chân Nâzim Hikmet viết nên những câu thơ hiện thực và nhân văn. Trong những năm đó, nhóm nhà thơ Orhan Veli (1914 - 1950) - Oktay Rifat (1914 - 1988), Melih Cevdet Anday (1915 - 2002) và một số người cùng chí hướng ra thi tuyển Garip biểu thị nỗ lực cách tân thơ Thổ Nhĩ Kỳ, thổi hơi thở ấm nóng của cuộc sống vào thi ca. Thời gian ấy cũng ra đời những thi phẩm đầu tay của Cahit Sitki Taranci (1910 - 1956), Behcet Necatigil (1916 - 1979), Cahit Kulebi (1917 - 1997) và những nhà thơ hiện đại khác.
Thập niên 1950 là những năm thi ca Thổ Nhĩ Kỳ phát triển lên một cấp độ mới. Oktay Rifat và Melih Cevdet Anday - hai nhà thơ từng khơi nguồn trào lưu Garip bắt đầu chuyển sang viết những bài thơ chứa nhiều ẩn dụ và biểu tượng. Từ những câu thơ thường dựa vào nhiều điển tích của truyện huyền thoại, hoang đường, Melih Cevdet Anday chuyển sang làm thơ pha triết lý. Còn trong số những nhà thơ hay đề cập thành thị với thói ghẻ lạnh và vị trí của cá nhân trong cuộc sống, đáng chú ý có Turgut Uyar (1927 - 1985), Edip Cansever (1928 - 1986) và sau đó thêm Cemal Sureya (1931 - 1990), Ece Ayhan Caglar (1931 - 2002). Giai đoạn này về sau được mệnh danh là “thời Thơ Mới thứ hai”.
Trong thập niên 1970, thơ Thổ Nhĩ Kỳ còn mang sắc thái dân tộc, sang đến cuối thập niên 1980 và suốt cho đến ngày nay, các nhà thơ rút vào cái tôi của mình, hướng nội là chính, nhưng vẫn được xem như một nhành của cây thơ quốc tế.
![]() Thành phố Kanakkale nhìn qua eo biển |
Thơ tự do
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, thơ tự do xuất hiện vào khoảng 1920 - 1940. Sự xuất hiện đó không được xem là hệ quả phát triển của câu thơ truyền thống (như ở Pháp chẳng hạn), mà chính là cuộc du nhập từ nước ngoài qua hai con đường tách biệt hoàn toàn với nhau. Con đường thứ nhất được mở từ Nâzim Hikmet – một người khá quan tâm đến chủ nghĩa vị lai ở Nga. Con đường thứ hai khởi đầu từ thơ tự do châu âu được lái vào Thổ Nhĩ Kỳ bởi Ercumend Behzad Lav (1903 - 1984), Mumtaz Zeki Taskin (sinh năm 1915) và một số tác giả khác.
Thơ tự do ở Thổ Nhĩ Kỳ được coi như một phương cách thay đổi vận luật, song nó không hề được đứng ở vị trí bản lề trong thơ Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dầu vẫn được nhiều nhà thơ dùng đến. Có thể thấy một số nguyên nhân giải thích tại sao thơ tự do không được xã hội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận như một cách tân có ý nghĩa. Nguyên nhân chủ yếu, có lẽ, là vì các nhà thơ như Ercumend Behzad Lav, rồi sau đó là một người hoàn toàn tách biệt với ông - Mumtaz Zeki Taskin và những tác giả khác trong sáng tạo của mình đã dựa chủ yếu vào những chủ nghĩa lập thể, vị lai, siêu thực, đa đa - đó là những khuynh hướng hoàn toàn không quen với cách tiếp nhận của người Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại. Nói một cách khác là không cắm rễ được vào đất Thổ Nhĩ Kỳ. Những sáng tạo hồi đầu của Mumtaz Zeki Taskin rơi dần vào quên lãng, còn Ercumend Behzad Lav thì mãi đến cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, khi thơ ông được tiếp nhận như thơ Thổ Nhĩ Kỳ thực thụ, ông mới được nổi tiếng.
Một phiên bản khác của thơ tự do được tạo nên bởi Nâzim Hikmet cũng có thịnh hành ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng trong một thời gian không dài lắm. Và, tuy sáng tạo của Nâzim Hikmet được người cùng thời đánh giá cao, nhưng trong giới văn chương còn lại, mọi chuyện vẫn như cũ. Ngự trên đỉnh cao của thi ca Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cứ là Yahya Kemal (1884 - 1958) và Ahmet Hasim (1884 - 1933), còn những nhà thơ nổi tiếng về sau như Faruk Nafiz Camlibel (1898 - 1973), Ahmet Hamdi Tanpinar (1901 - 1962) và những người khác khi ấy vẫn còn tiếp tục làm thơ theo lối truyền thống. Nhà nghiên cứu văn học Mehmet Fuat Koprulu (1890 - 1966) chẳng đã viết: “... thơ tự do được kết nạp vào thi ca Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp cho thi ca nuôi lớn một nhà thơ rất mạnh mẽ có ảnh hưởng lớn, tuy cả bạn lẫn thù đều không chấp nhận thành tựu của nhà thơ đó, nhưng thi ca đã không chịu đổi hướng”.
![]() Tượng con ngựa thành Troy trên bến cảng Kanakkale |
Ảnh: Hồ Anh Thái |
Cuối thập niên 1930 đầu thập niên 1940 đánh dấu sự đi xuống của thi ca Thổ Nhĩ Kỳ. Ahmet Hasim qua đời, Nâzim Hikmet bị cấm, những người làm thơ tự do như Faruk Nafiz Camlibel, Kemalettin Kamu, Cahit Sitki Taranci không được ló dạng. Trong hoàn cảnh đó, bắt đầu xuất hiện tác phẩm của những Asaf Halet Celebi, Ilhan Berk, Cahit Kulebi, Behcet Necatigil.
Sau thời kỳ Garip kể trên, hoặc là, như người ta thường gọi - thời kỳ thứ nhất của Thơ Mới - thì thời Thơ Mới thứ hai cũng đã đến. Đó là một phong trào được khởi đầu từ thập niên 1950 với tác phẩm của một số nhà thơ (tiêu biểu hơn cả là Cemal Sureya, Turgut Uyar, Edip Cansever, Ilhan Berk, Ece Ayhan), tuy độc lập với nhau, nhưng họ cho đăng trên một số tạp chí ở Istanbul, Ankara (Yenilik - Cái mới, Yedi Tepe - Bảy cao điểm, Pazar Postasi - Bưu điện chủ nhật) và được coi như những thách thức trước tình thế.
Ở thời Thơ Mới thứ hai nổi lên xu hướng phá vỡ trình tự từ ngữ quen dùng, và trong một số trường hợp còn thấy hiện tượng công khai phá vỡ cả quy tắc ngữ pháp. Chính khi đó - có thể, lần đầu tiên kể từ thời Ahmet Hasim, người ta nói về “ngôn ngữ” của thơ, nó phải khác với lời ăn tiếng nói hàng ngày như thế nào. Còn những biểu tượng được sử dụng trong văn bản thơ thì bắt đầu được xem như những yếu tố cấu thành. Ngữ nghĩa của câu thơ bài thơ được xem như yếu tố thẩm mỹ - một cấu thành quan trọng hàng đầu của văn bản thi ca. Các nhà thơ thời kỳ thứ hai của Thơ Mới nhằm tạo nên một hiện thực mới: họ nhồi vào văn bản thơ những khái niệm chẳng có mối liên quan logic nào với nhau, làm biến dạng các ý tưởng của bài thơ, do đó Thơ Mới thời kỳ thứ hai bị một số nhà phê bình văn học nhận định là “một scandal văn học”.
Nếu tác phẩm của các nhà thơ mở đầu thời kỳ thứ hai là tấm gương soi bối cảnh chính trị, xã hội Thổ Nhĩ Kỳ thời ấy, thì các nhà thơ đương đại hướng về thi ca truyền thống. Thi ca Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay ít đề cập đề tài chính trị, mà thường hướng vào khai thác thế giới nội tâm đa cảm. Dường như các nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay chỉ viết cho chính mình và những nhà thơ khác.
THƠ THỔ NHĨ KỲ HIỆN ĐẠI |