Thép và nền kinh tế

- Chủ Nhật, 06/06/2021, 07:52 - Chia sẻ
Cách đây vài ngày, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 5, đại diện Bộ Công thương cho biết từ đầu năm đến nay, giá thép nguyên liệu và thành phẩm tăng mạnh, ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế, đặc biệt các doanh nghiệp trong nhóm ngành xây dựng. Về giải pháp, Bộ đề nghị Hiệp hội Thép và các doanh nghiệp sản xuất lớn tiết giảm giá thành, tăng sản xuất và nguồn cung, đồng thời hạn chế xuất khẩu khi trong nước đang có nhu cầu. Bộ cũng đề xuất nghiên cứu xây dựng hàng rào kỹ thuật, triển khai giải pháp phòng vệ thương mại bảo đảm đúng quy định luật pháp quốc tế.

Có thể thấy, giá thép tăng cơ bản do giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu. Một lý do khác là sự thiếu hụt nguồn cung thép và thời gian giao hàng kéo dài ở châu Âu, Mỹ. Cùng với đó, nhu cầu thép tại Trung Quốc tăng cao sau dịch bệnh trước đà phục hồi kinh tế và các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng. Năm 2020, Trung Quốc nhập 38,56 triệu tấn thép, tăng 150% so với năm trước.

Tính toán dựa trên bảng cân đối liên ngành cho thấy, thép chiếm khoảng 4% trong giá trị sản xuất toàn ngành xây dựng (bao gồm đường sá, cầu cống, công trình công cộng, xây nhà các loại…); riêng với xây nhà, thép chiếm trong giá trị sản xuất khoảng 5%.

Tuy nhiên, không chỉ ngành xây dựng cần thép, mà nhiều ngành trong nền kinh tế cũng cần thép cho chi phí đầu vào. Thép chiếm trong chi phí trung gian của toàn nền kinh tế khoảng 6,2% và chiếm trong giá trị sản xuất của toàn nền kinh tế khoảng 1,4%. Như vậy, khi giá thành của thép tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp (ảnh hưởng tức thời) và gián tiếp (ảnh hưởng đến những chu kỳ sản xuất sau) đến nền kinh tế.

Giả sử giá thép tăng 40% (như hiện nay) có thể dẫn đến 3 tình huống. Một là, ảnh hưởng trực tiếp đến thặng dư của nền kinh tế, qua đó ảnh hưởng đến giá trị tăng thêm và GDP. Tính toán qua bảng cân đối liên ngành của Việt Nam cho thấy, trong trường hợp này có thể kéo GDP giảm xấp xỉ 2%, trong đó giá trị tăng thêm toàn ngành xây dựng giảm khoảng 7,4% và giá trị tăng thêm ngành xây dựng nhà giảm khoảng 7,7%.

Hai là, các doanh nghiệp không giảm lợi nhuận và giá trị tăng thêm mà việc tăng giá thép được tính vào giá sản xuất. Khi đó chỉ số giá sản xuất (PPI) của nền kinh tế tăng 0,57%, giá sản xuất của toàn ngành xây dựng tăng khoảng 2% và giá thành xây nhà tăng 8%. Khi đầu vào của cả nền kinh tế bị tăng giá do ảnh hưởng trực tiếp từ giá thép, chi phí trung gian của nền kinh tế sẽ tăng lên, qua đó ảnh hưởng đến giá sản xuất của nền kinh tế ở chu kỳ sản xuất sau. Ảnh hưởng này khiến PPI của toàn nền kinh tế tăng khoảng 1,2% và giá thành xây nhà tăng trên 10%, qua đó tác động không nhỏ lên giá bán nhà. Ảnh hưởng này có thể mất khoảng hơn hai năm để tạo thành mặt bằng giá mới của nền kinh tế.

Ba là, một phần là doanh nghiệp giảm lợi nhuận và một phần tăng giá. Như vậy cần tiến hành một cuộc điều tra để xác định bao nhiêu phần trăm chấp nhận giảm lợi nhuận và bao nhiêu phần trăm tăng vào giá thành. Từ đó, các cơ quan nghiên cứu của Nhà nước có những tính toán ở những kịch bản cụ thể để các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết sách đúng đắn nhất cho nền kinh tế.

Để chặn cơn sốt giá thép, ngoài các giải pháp Bộ Công thương đang tính tới, Việt Nam cần giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thép và cũng cần nghiên cứu xem liệu giá thép tăng có nguyên nhân từ việc tạm nhập tái xuất sang nước thứ ba hay không?

TS. Bùi Trinh