Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Theo kịp sự phát triển của điện ảnh

- Thứ Hai, 04/10/2021, 06:36 - Chia sẻ
Công nghiệp điện ảnh hiện nay đã chuyển đổi hoàn toàn sang công nghệ kỹ thuật số. Tuy nhiên, các quy định của Luật Điện ảnh được xây dựng trên cơ sở hoạt động điện ảnh phim nhựa, không còn phù hợp với hoạt động điện ảnh ngày nay, thậm chí cản trở sự phát triển của điện ảnh. Nêu vấn đề này tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, một số đại biểu đề nghị, cần tạo dựng hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động điện ảnh cũng như theo kịp xu thế phát triển của ngành công nghiệp này.
Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan
Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan

Có tầm nhìn và định hướng đúng đắn

Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan cho biết, Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009 được ban hành cách đây hơn chục năm, chưa phải là quá lâu so với nhiều bộ luật khác. Tuy nhiên, tại thời điểm ban hành, điện ảnh đang tồn tại ở dạng truyền thống, nghĩa là điện ảnh phim nhựa. Đến đầu những năm 2010, phim kỹ thuật số xuất hiện và dần thế chỗ cho phim nhựa. Chính vì vậy, các quy định trong Luật Điện ảnh trên cơ sở “hoạt động điện ảnh phim nhựa” không còn phù hợp, thậm chí cản trở sự phát triển của điện ảnh.

Mặt khác, Luật hiện hành được xây dựng chủ yếu trên cơ sở quan niệm điện ảnh là ngành nghệ thuật, các điều luật chủ yếu nhằm điều chỉnh các hoạt động sáng tác - phát hành - phổ biến tác phẩm điện ảnh. Trong khi đó, điện ảnh từ lâu đã vừa là ngành nghệ thuật tổng hợp, vừa là ngành công nghiệp. Công nghiệp điện ảnh là xu thế phát triển tất yếu ở các nước, là bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa.

Nhấn mạnh điều này, bà Ngô Phương Lan cho rằng, để dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) phù hợp với sự phát triển của xã hội nói chung và ngành điện ảnh nói riêng, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững, việc sửa đổi Luật cần dựa trên hai quan điểm mấu chốt. Một là, luật phải điều chỉnh các hoạt động điện ảnh trong môi trường công nghệ số để khuyến khích điện ảnh phát triển. Hai là, Luật phải tạo hành lang pháp lý để phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

Thống nhất chính sách hỗ trợ 

Một số quy định của Luật hiện hành chưa rõ ràng, minh bạch hoặc chưa cụ thể, khiến cho việc thực hiện Luật khó khăn, chưa thực sự phát huy tác dụng khuyến khích, nếu không nói là cản trở sự phát triển của điện ảnh. Nêu thực tế này, bà Ngô Phương Lan cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi cần thay thế, sửa triệt để những quy định như vậy. Tuy nhiên, nếu không có tầm nhìn bao quát, phù hợp với xu thế phát triển của điện ảnh và mang tính dự báo thì Luật sửa đổi rất dễ rơi vào tình trạng không theo kịp sự phát triển của điện ảnh, hoặc đề ra những quy định khó khả thi, gây tranh cãi và không thực hiện được.

Tham khảo một số bộ luật tương đương của các nước trong khu vực châu Á, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam thấy rằng, ngay tên gọi các bộ luật này cũng có cách định hướng rất rõ ràng và phù hợp với xu thế phát triển điện ảnh. Ví dụ: Luật Xúc tiến công nghiệp điện ảnh nước CHND Trung Hoa, Luật Xúc tiến phim và video Hàn Quốc, Luật về Phim của Singapore… Bà Ngô Phương Lan nhấn mạnh, rất cần những quan điểm và định hướng đúng đắn khi xây dựng và ban hành Luật Điện ảnh sửa đổi lần này.

Góp ý trực tiếp vào một số nội dung của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đề nghị, cần bổ sung vào phần giải thích từ ngữ về “điện ảnh”, vì định nghĩa “điện ảnh là ngành nghệ thuật sáng tạo” là chưa đầy đủ. Cần tư duy điện ảnh vừa là nghệ thuật tổng hợp, vừa là ngành công nghiệp, từ đó có định nghĩa đầy đủ và đúng với quy luật và xu thế phát triển điện ảnh trên thế giới. Cơ quan soạn thảo cũng cần nghiên cứu, làm rõ định nghĩa “công nghiệp điện ảnh”. Theo đó, cần xác định công nghiệp điện ảnh dựa trên các yếu tố cơ bản là: sáng tạo; sản xuất ra tác phẩm (phim); phát hành và phổ biến phim để phát triển thị trường, tạo nguồn kinh phí tái sản xuất; bảo vệ bản quyền.

Dự thảo Luật có Điều 5 quy định chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh và Điều 6 quy định chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển công nghiệp điện ảnh. Nhìn vào hai điều luật này, có thể hiểu quan điểm của cơ quan soạn thảo là phát triển hai ngành là “ngành điện ảnh Việt Nam” và “ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam”. Bà Ngô Phương Lan cho rằng, cần làm rõ quan điểm để đi đến thống nhất: Trong giai đoạn hiện nay và hướng tới tương lai vài thập kỷ tới, phát triển điện ảnh Việt Nam chính là phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Khi xác định như vậy sẽ tránh những chồng chéo, trùng lặp khó phân định, thậm chí không thể phân định đâu là chính sách cho phát triển điện ảnh Việt Nam, đâu là chính sách cho phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam như thể hiện trong dự thảo Luật.

Các chính sách trong dự thảo Luật xác định Nhà nước đầu tư và hỗ trợ cho các hoạt động điện ảnh, ý nghĩa chủ yếu là cấp/hỗ trợ kinh phí để phát triển điện ảnh. Một số ý kiến cho rằng, tiền rất quan trọng nhưng nếu chỉ tiền thì không thể làm điện ảnh phát triển. Hơn nữa, kinh phí hạn chế của Nhà nước cũng không thể bảo đảm để phát triển điện ảnh.

Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đề nghị, Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi, khuyến khích hoặc đầu tư những phần công việc tư nhân không thể hoặc không sẵn sàng tham gia xã hội hóa; có cơ chế rõ ràng nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế, các nguồn vốn xã hội sản xuất những bộ phim theo mục tiêu Nhà nước đặt ra vì việc phát triển điện ảnh không thể trông chờ vào phim Nhà nước đặt hàng. Cơ chế đó là ưu đãi thuế, mua sản phẩm (nghĩa là Nhà nước mua toàn bộ hoặc một phần các phim có chất lượng, đúng tiêu chí để phục vụ nhiệm vụ và mục đích phù hợp), có cơ chế ưu tiên đưa phim đến khán giả (quảng bá, trình chiếu…).

Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn cho rằng, các chính sách, cơ chế để khuyến khích xã hội đầu tư nguồn lực vào phát triển phim chưa thấy rõ trong dự thảo Luật. Nếu xác định điện ảnh là ngành phải thúc đẩy phát triển thì chính sách ưu đãi thuế đối với ngành điện ảnh ra sao? Đặt vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, quy định của pháp luật về tín dụng, thuế và phí đối với hoạt động điện ảnh hoàn toàn chưa rõ. Mặc dù dự thảo Luật có thể không quy định chi tiết về chính sách thuế nhưng cần có định hướng, như giảm thuế, định hướng ưu đãi thuế.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai tới. Ý kiến đóng góp của các chuyên gia, những người từng công tác trong ngành văn hóa, lĩnh vực điện ảnh... chính là thông tin từ thực tế cuộc sống để cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm những điều luật khi được Quốc hội xem xét, thông qua sẽ bảo đảm tính khả thi, thích ứng với bối cảnh và xu hướng phát triển mới của điện ảnh.

Nhật An