Qua nghiên cứu bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Đỗ Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường chính trị tỉnh Tuyên Quang cho biết, bài viết đã khẳng định những thành tựu to lớn, những mốc son chói lọi trong quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước, cách mạng vẻ vang, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và năm 2030, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến, anh hùng.
Tổng Bí thư đã chỉ rõ giai đoạn tới Đảng lãnh đạo trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng sẽ còn có nhiều khó khăn, thách thức lớn. Do đó Đảng ta phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, phát huy thật tốt những kết quả, bài học kinh nghiệm đã có, khắc phục hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Đặc biệt là, cần phải tiếp tục quán triệt, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm Đại hội XIII của Đảng. Tổng Bí thư chỉ rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm để đưa đất nước tiếp tục phát triển và hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hương, bài viết của Tổng Bí thư có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc khi tổng kết lịch sử quá trình ra đời, những thành tựu trong quá trình lãnh đạo của Đảng; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Bài viết cũng đã góp phần khơi dậy lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng; định hướng, cổ vũ, động viên và thúc đẩy ý chí và khát vọng trong mỗi cán bộ, đảng viên để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc như Đại hội XIII của Đảng ta xác định. Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ “…phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng "cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc", vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.
Để thực hiện được mục tiêu xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc cần sự nỗ lực cố gắng của toàn Đảng, toàn dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện để giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực công tác; thể hiện tinh thần đột phá, đổi mới, dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Mặt khác, mỗi người cần tiếp tục quán triệt thật sâu sắc, tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và luật pháp, chính sách của Nhà nước về phát triển nhanh, bền vững; vận dụng vào thực tiễn hoạt động ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, mỗi đảng viên tích cực chủ động nắm bắt thời cơ, vận hội để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Bên cạnh đó là nhiệm vụ củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh.
94 mùa xuân lịch sử với những thành tựu to lớn càng khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta lựa chọn là đúng đắn. Xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là trách nhiệm của toàn xã hội mà cán bộ, đảng viên là nòng cốt. Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân nỗ lực phấn đấu để hoàn thành mục tiêu vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.